Cần cụ thể hoá dự án Luật Việc làm

Thời sựThứ Bảy, 06/10/2012 10:00:00 +07:00

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dự án Luật Việc làm còn có một số quy định chung chung, cần cụ thể hóa.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng dự án Luật Việc làm còn có một số quy định chung chung, cần cụ thể hóa.

Chiều 5/10, phiên họp thứ 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khóa XIII đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.

Theo dự kiến, Ủy ban TVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị trình QH dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết của QH về việc lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi); cho ý kiến về tờ trình QH về nghị quyết về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Ủy ban TVQH cũng sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013; cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2012 của chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm năm 2012...

Ngay sau khai mạc, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Ủy ban TVQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Việc làm.

Dự án Luật Việc làm quy định về 7 nhóm vấn đề lớn của việc làm: Phát triển việc làm; thông tin thị trường lao động; quản lý lực lượng lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; tuyển, đăng ký sử dụng lao động; bảo hiểm việc làm.

Ba nhóm đối tượng được áp dụng: người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có khả năng lao động và nhu cầu làm việc; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng lao động có liên quan đến việc làm.

Nhiều ý kiến cho rằng dự án Luật Việc làm còn có một số quy định chung chung, chưa rõ ràng nên ban soạn thảo cần nghiên cứu để cụ thể hóa, đồng thời bảo đảm chủ trương thực hiện cải cách hành chính.

Bàn về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật Việc làm, có ý kiến cho rằng chỉ nên tập trung vào điều chỉnh việc làm của nhóm lao động chính thức và nhóm lao động phi chính thức trong nước vì nhóm lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và nhóm lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã quy định trong Bộ Luật Lao động.

Tại phiên họp, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về chính sách phát triển việc làm; phát triển kỹ năng nghề; tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm...

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị ban soạn thảo trên cơ sở các ý kiến đóng góp tiếp tục tiếp thu để hoàn thiện dự án Luật Việc làm.

Theo TTXVN

Bình luận
vtcnews.vn