Cần có cơ chế đặc thù cho Hà Giang?

Thời sựThứ Bảy, 21/03/2015 09:00:00 +07:00

Có cần cơ chế đặc thù để Hà Giang phát triển là vấn đề được các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học cùng đặt ra tại Hội thảo phát triển kinh tế xã hội Hà Giang.

(VCT News) – 'Có cần cơ chế đặc thù để Hà Giang phát triển' là vấn đề được các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học cùng đặt ra tại Hội thảo phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc - Tây Bắc.

Chiều 20/3, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và tỉnh Hà Giang tổ chức hội thảo phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc - Tây Bắc.

Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ; Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tham mưu, giúp đỡ Hà Giang trong quá trình phát triển.

Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, tỉnh đã xác định quan điểm phát triển trên cơ sở “một trục, hai hướng” như kết nối Đông Bắc và Tây Bắc, kết nối một trục giữa tỉnh Hà Tuyên-Vĩnh Phúc (trước đây) với thị trường Châu Văn Sơn (11 triệu dân của Trung Quốc).

Đây là lợi thế không chỉ của Hà Giang, mà còn là nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương và địa phương cùng tổ chức thực hiện. Muốn vậy cần phải có cơ chế phù hợp, hợp tác tích cực, liên kết chặt chẽ, thông tin đầy đủ, phẩm và dịch vụ có thế mạnh để cùng nhau phát triển.

Trên cơ sở đó, tỉnh Hà Giang đề xuất một loạt cơ chế, chính sách, bao gồm: Cho tỉnh chủ động, linh hoạt trong chính sách phát triển thương mại biên giới; Trung ương cho Hà Giang báo cáo cơ chế đặc thù phân cấp nguồn thu hoạt động XNK để đầu tư hạ tầng cửa khẩu Thanh Thủy; ưu tiên nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường kết nối Hà Giang với Đông Bắc và Tây Bắc; bố trí kinh phí theo quy hoạch, dự án công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn; bố trí triển khai dự án dược liệu tỉnh Hà Giang; dành nguồn lực của Trung ương cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; Trung ương cho Hà Giang được chủ động lập danh mục và phê duyệt các loại máy móc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện canh tác của Hà Giang; đề nghị Bộ KHCN làm đầu mối xây dựng dự án “Ứng dụng đổi mới công nghệ phát triển bò tại cao nguyên đá Đồng Văn thành hàng hóa theo chuỗi giá trị có thương mại trong khu vực”...

Đặc biệt, Hà Giang đề nghị cho tỉnh thí điểm việc lồng ghép các nguồn lực, nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia cho mục tiêu phát triển của tỉnh.

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng là vị trí cửa ngõ phía Bắc của quốc gia, có 4 tuyến quốc lộ đi qua, có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài hơn 277 km, Hà Giang có điều kiện quan trọng kết nối kinh tế biên mậu trong hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và với các nước khác. Với lợi thế này, Hà Giang có thể cùng các tỉnh biên giới phía Bắc, liên kết đề xuất các chủ trương, cơ chế chính sách đột phá về thể chế, hạ tầng nhằm triển khai mạnh mẽ kinh tế biên mậu trở thành thế mạnh trong tái cơ cấu kinh tế.

Cao nguyên đá Đồng Văn là 'đặc sản du lịch' của Hà Giang- Nguồn: Internet

“Trên cơ sở công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh nên nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đột phá và đặc thù để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư hình thành dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế về sinh thái, văn hóa dân tộc với sản phẩm đặc thù địa phương., ông Vương Đình Huệ đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định: Hà Giang đã rất cố gắng và có nhiều đổi mới nhưng so với cả nước, Hà Giang vẫn là tỉnh còn nghèo, quy mô kinh tế còn nhỏ bé. Để tạo ra những thay đổi trong thời gian tới, Hà Giang cần phải nhìn vào các lợi thế của mình, tập trung phát huy.

“Hà Giang có thế mạnh về chè, cây cam, về dược liệu, bò vàng… nhưng cái thiếu là tổ chức sản xuất, thiếu các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó nên kinh tế chưa thể bứt phá. Điều này cần phải được nhìn nhận rõ, khắc phục trong thời gian tới”, ông Bình nêu ví dụ.


Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: Thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục cùng với các ngành, các cấp đầu tư cơ sở hạ tầng, một số công trình trọng điểm của tỉnh Hà Giang và thực hiện đầy đủ, tích cực các chính sách về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, du lịch, kinh tế biên mậu cho vay và hỗ trợ các đối tượng chính sách nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: Ngành Ngân hàng sẽ tích cực hỗ trợ về chính sách, tín dụng để từng bước cải thiện và nâng cao đời sống và thu nhập của người dân Hà Giang

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Hà Giang cũng như các tỉnh cần kết hợp tốt kinh tế với quốc phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chính sách thương mại biên mậu phải nhạy bén, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu thuận lợi nhất. Cần nghiên cứu thị trường Trung Quốc kỹ lưỡng để thúc đẩy quan hệ thương mại để hai bên cùng có lợi.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Để khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, đồng thời thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo hướng bền vững và phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, nhiệm vụ chủ yếu của Bộ, ngành trung ương, nhiệm vụ của tỉnh Hà Giang và các tỉnh trong vùng trong thời gian tới cần tập trung đổi mới công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch theo hướng chất lượng, sát thực, hiệu quả.

Các giải pháp, các cơ chế chính sách khuyến khích liên kết đầu tư trong vùng phải bắt đầu từ việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống giám sát đánh giá việc thực hiện những nội dung liên kết vùng trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm ở cấp địa phương.

Phó Thủ tướng đề nghị sau Hội thảo, tỉnh Hà Giang cần chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tham mưu, giúp đỡ Hà Giang trong quá trình phát triển.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ, ngành trung ương tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng tiến hành xây dựng các quy hoạch kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch; từ đó đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung những quy định, khung pháp lý phù hợp với thực tiễn của vùng và liên vùng.

Lan Uyên

Bình luận
vtcnews.vn