Cận cảnh khu ổ chuột 'xóm nước đen' giữa Sài Gòn hoa lệ

Thời sựThứ Tư, 05/07/2017 07:03:00 +07:00

Có lẽ chưa một "khu ổ chuột" nào ở Sài Gòn lại có đời sống khó khăn, thiếu thốn và ô nhiễm nặng nề như xóm ngụ cư của người dân miền Tây ở ấp 2 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Cách trung tâm TP.HCM 15km, xóm ngụ cư của người lao động nghèo ở ấp 2 (xã Bình Hưng),  khu ổ chuột giữa Sài Gòn tập trung hàng trăm nhân khẩu sinh sống trong những căn chòi lụp sụp, tạm bợ và ngập rác.

Người dân ở đây đa số đều là dân nhập cư từ các tỉnh miền Tây, vì không có nhà cửa ở quê nên lên thành phố làm thuê sinh sống. Họ làm đủ nghề từ lái xe ôm, lượm ve chai, thợ hồ cho đến làm sò...

07

Xóm ngụ cư nghèo ở ấp 2 được dựng trên lòng kênh một cách tạm bợ.

Chỉ cần có nơi thuê, họ liền tìm đến để xin làm, sau đó lại đi tìm việc khác. Những người dân ngụ cư này thường kéo theo cả gia đình trôi dạt về đây với mơ ước cuộc sống bớt khổ, tương lai con cháu sẽ khấm khá hơn.

Tuy nhiên, cuộc sống chẳng tốt lên là bao trong khi những người dân này luôn phải sống trong điều kiện khó khăn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Gia đình anh Đỗ Đình Tuấn (43 tuổi), quê ở Cà Mau chia sẻ: “Lương của vợ chồng tôi được 5-6 triệu, mỗi tháng đóng tiền phòng, chưa kể tiền học của con, chi phí ăn uống và đi lại thì lấy đâu dư giả mà tiết kiệm để mua đất, mua nhà chỗ khác”.

Gia đình anh Tuấn gồm 3 người ở trong khu phòng trọ tạm bợ với căn phòng rộng chưa được 15m2, xung quanh chỉ được đóng bằng ván ép, tôn cũ nhưng giá đến 1 triệu 1 tháng.

04

Dãy trọ được coi là khang trang nhất của xóm ngụ cư nghèo.

Những gia đình như anh Tuấn vẫn được xếp vào diện khá giả của khu này vì có những gia đình không dám bỏ tiền ra để thuê nhà theo tháng. Họ phải thuê lại những mặt kênh rồi tự dựng chòi với chi phí 2 triệu đồng 1 năm.

Chị Ngô Thanh Thúy (quê ở Đồng Tháp) là một trong những người đầu tiên đến dựng chòi ở đây. Công việc của chị là phụ hồ. Những khi hết việc, chị lại đạp xe đi lang thang khắp các nẻo đường để mong tìm được nơi nào đó treo biển tuyển người rồi xin vào làm.

Gia đình chị sống trong căn chòi được dựng tạm trên mặt nước suốt 29 năm và chưa từng dám mơ ước sẽ đi thuê được chỗ khác.

Hầu hết những ngôi nhà ở đây đều giống nhà chị Thúy, được lợp bằng ván ép hoặc tôn cũ, cửa là một tấm bạt che tạm bợ, bên dưới là những cây cột gỗ yếu ớt sẵn sàng đổ sập xuống lòng kênh đen ngòm bất cứ lúc nào.

09

 Con trai chị Ánh đang sửa chữa lại "ngôi nhà" của gia đình mình

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (quê ở Tiền Giang) chia sẻ: “Cái chòi này của tui đã nâng lên 3 tầng rồi. Hồi nước dâng, tui phải phá ra sửa lại. Lần này, nó có dấu hiệu bị sập nên tui dỡ ra làm lại luôn cho chắc ăn, chứ đang ngủ mà rớt xuống khổ lắm”.

Không chỉ vậy, lòng kênh dưới khu ổ chuột xóm nước đen đầy những rác thải sinh hoạt ứ đọng, bốc lên những mùi hôi thối khó chịu, dòng nước thì chỉ là một màu đen ngòm, tanh tưởi. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh bận rộn, những hộ dân này dường như chấp nhận việc "sống" chung với rác thải như một điều hiển nhiên. 

16

Dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại đây

Ngoài việc phải trả tiền thuê mặt kênh 2 triệu 1 năm, mỗi tháng các hộ dân tại đây còn phải đóng tiền điện lên đến 4.500 đồng/ký và 18.000 đồng/m3 nước. Thế nên, chưa thấy giấc mơ đổi đời thành hiện thực thì việc đủ ăn, đủ mặc mỗi ngày đối với họ cũng là điều hết sức xa xỉ.

Điều kiện sinh sống quá khó khăn nên những đứa trẻ con trong khu này cũng không được học hành tử tế và có điều kiện chăm sóc sức khỏe như những đứa trẻ đồng trang lứa.

Em Nguyễn Thị Thanh Nguyên (13 tuổi) đang đi học lớp 7 thì phải nghỉ ngang để ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm, tuy nhiên trường hợp như Nguyên không phải là ít của nơi này.

Phần lớn các em nhỏ ở đây đều chỉ học đến lớp 7 là nghỉ học, may mắn lắm mới có 1 em học được cao hơn. Còn những trường hợp như em Lư Hữu Nghĩa (11 tuổi) mới chỉ học hết lớp 1 thì phải nghỉ học, chỉ nhận biết được bảng chữ cái và bập bẹ đánh vần được vài chữ.

17

 Nghĩa là một trong những đứa trẻ của xóm ngụ cư bỏ học từ sớm

Ông Lê Dư (52 tuổi) chia sẻ, khu vực này thuộc diện quy hoạch đã 15 năm nay nên họ không cho xây nhà. Những người dân lao động ở đây chỉ dám cất tạm chiếc chòi để tránh nắng tránh mưa cho qua ngày. Tuy nhiên, nếu đến lúc bị lấy lại diện tích thì cuộc đời của hàng trăm lao động nghèo cùng con em của họ không biết sẽ đi về đâu.

Cả người lớn và những đứa trẻ ở đây đều mơ ước một ngày sẽ được đến những ngôi nhà tốt hơn, khang trang hơn để sinh sống. Tuy nhiên, ước mơ đó dường như xa tầm với khi thu nhập của họ cũng chỉ đủ chạy ăn từng bữa.

Một số hình ảnh của khu ổ chuột 'xóm nước đen' PV VTC News ghi nhận:

02

 Khu vệ sinh tồi tàn, lụp xụp.

12

 Những khu chòi lụp xụp chen chúc nhau.

14

Những "ngôi nhà" được dựng trên lòng kênh ô nhiễm là nơi trú ngụ của hàng trăm con người. 

06

 Người dân phải sống chung với lượng lớn rác thải đổ ra hàng ngày của chính mình.

20

 Rác thải gây ứ đọng, tắc nghẽn cả lòng kênh.

18

Ngay dưới chân "nhà" là một bãi rác bốc mùi hôi thối nồng nặc.

19

Những khu nhà cao cao kia có lẽ là ước mơ không bao giờ với tới của những đứa trẻ trong khu ổ chuột này.

Video: Ám ảnh hàng trăm hộ dân sinh hoạt bằng... nước rác ở Hà Tĩnh

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn