Cận cảnh đường làm bánh dính ruồi, hóa 'đồ chăn nuôi'

Kinh tếThứ Sáu, 28/09/2012 06:14:00 +07:00

(VTC News) – Dù đã được báo trước sự có mặt của phóng viên, nhưng PV VTC News vẫn chứng kiến những cảnh "nhức mắt" về thực phẩm ở một số cơ sở trong xã La Phù.

(VTC News) – Dù đã được báo trước sự có mặt của phóng viên, nhưng PV VTC News vẫn được tận mắt chứng kiến những hình ảnh "nhức mắt" về mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại  một số cơ sở trong xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội).

Đường làm bánh dính đầy ruồi

Đến làng nghề bánh kẹo, xã La Phù những ngày cận Tết Trung thu này, luôn tấp nập các xe cộ xuất, nhập hàng. Tuy nhiên, theo nhiều chủ đại lý bánh kẹo, mùa trung năm nay kém sôi động hơn mọi năm vì lượng hàng tiêu thụ chậm hơn rất nhiều.

Dẫn chúng tôi đi xuống các cơ sở sản xuất, ông Ngô Văn Thắng, trưởng trạm y tế xã La Phù cũng cho biết, năm nay hàng hóa ế hơn mọi năm, nên nhiều cơ sở phải đóng cửa ngừng sản xuất hoặc chuyển sang làm bánh kẹo “hàng chợ” thay cho bánh trung thu.


Cơ sở đầu tiên phóng viên VTC News được ông Thắng dẫn đến là cơ sở bánh kẹo Ngọc Khánh của gia đình ông Nguyễn Thế Vinh. Đây là cơ sở sản xuất thủ công và có thâm niên làm nghề tới 30 năm.

5 chiếc nồi đựng đường dẻo đầy váng bọt, không nắp đậy 
Bên ngoài khu nhà xưởng sản xuất nhìn khá sạch sẽ, tuy nhiên khi phóng viên định bước vào bên trong thì được ông Thắng nhắc khéo lên phòng khách uống nước trước để xin phép chủ nhà xuống thăm quan nhà xưởng.


Sau vài phút trò chuyện với ông Vinh, chủ cơ sở sản xuất Ngọc Khánh, được biết, năm nay việc sản xuất của hộ gia đình trong xã rất khó khăn, ngay tại cơ sở ông, mùa trung thu năm nay cũng chỉ cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn bánh, giảm 4 lần so với mùa trung thu năm ngoái.

Tiếp đó, ông Vinh đưa cho phóng viên xem các loại giấy chứng nhận kiểm dịch nguyên liệu đầu vào của 2 nguyên liệu là trứng và mỡ lợn.

Trên tờ giấy chứng nhận kiểm dịch mỡ lợn, không thấy ghi các chỉ tiêu vệ sinh thú y tại kết quả xét nghiệm, mà chỉ ghi mục sản phẩm động trên đáp ứng các yêu cầu về… cảm quan.

Theo ông Vinh, đây là tờ giấy kiểm định gần đây nhất. Tuy nhiên, trên giấy này ghi rõ “chỉ có giá trị đến ngày 29/8/2012”. Tức là đã hết giá trị được gần 1 tháng.

Tiếp đó, sau khi khảo sát khu vực nhà xưởng, đập vào mắt phóng viên đầu tiên là các loại khay đựng bánh bằng inox được vất chỏng chơ ngay trên sàn nhà, các nhân viên thì đều làm bánh… không có găng tay. Sau đó, các nhân viên này mới vội vã chạy đi lấy găng ni lông để đeo vào.

Khay inox đựng bánh được vất ngay trên sàn nhà 
Đặc biệt, ngay gần khu cho bánh vào bao bì, xuất hiện rất nhiều các chum vại, thùng sắt đã han gì, cáu bẩn được xếp chồng lên nhau. Phía bên dưới là khoảng 5 chiếc nồi lớn không có vung đậy, có ruồi đậu xung quanh. Thoạt nhìn qua như các nồi đựng nước thải, nhưng khi quan sát kỹ thì đây không phải là nước hay chất lỏng mà được được nấu thành chất đặc sánh, trên mặt nổi đầy các bọt váng, có màu đục.


Khi được hỏi đây là chất gì, thì ông Thắng liền nói: “Cái này của nhà ông ấy là để chăn nuôi. Khu sản xuất chế biến là từ đây vào trong kia. Đây là kho để các thứ”.

Tuy nhiên, khi phóng viên gặng hỏi ông Vinh thì được biết, đây là nước đường dẻo đã được đun lên để nguội, để cho vào bánh. Để tránh bị đỏ và bị thâm, thì người sản xuất san ra các nồi nhỏ, thay vì cho vào một thùng lớn.

Tiếp đó, khi đề cập đến việc được xem nguyên liệu mỡ để sản xuất bánh, thì ông Thắng và ông Vinh đều từ chồi vì “mỡ là bí quyết làm bánh riêng của từng nhà, nên không xem được”.

Nồi đường dẻo dính đầy ruồi 
Trước khi rời khu sản xuất chế biến Ngọc Khánh, của gia đình ông Vinh, ông Thắng đề nghị phóng viên: “Em xóa mấy cái ảnh chụp nước đường lúc nãy đi”.


Cơ sở thứ hai phóng viên được ông Thắng dẫn qua là cơ sở Đại Lộc của gia đình ông Tuấn. Nhìn qua, cơ sở này khá sạch sẽ, các nhân viên đều đi găng tay và bịt khẩu trang đầy đủ. Các khay để bánh cũng được xếp lên các giá gọn gàng. Khu làm bánh được chia ra làm bánh dẻo riêng và bánh nước riêng.

Các khay đựng nhân trộn cũng được đánh rửa sạch sẽ và để ở trên một chiếc bàn cao. Tuy nhiên, các khay này đều không có nắp đậy.

Tiếp tục sang cơ sở thứ ba là cơ sở Toàn Vinh của gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn. Vị chủ cơ sở này từ chối cho phóng viên xuống “mục sở thị” xưởng sản xuất vì đã ngưng sản xuất bánh trung thu từ mùng 5/9 rồi, giờ chỉ còn sản xuất hàng chợ.

Ngoài ra, theo ông Đoàn, “do năm nay cũng nhiều chuyện rồi, nên nếu có thể, đầu mùa năm sau mời chị (phóng viên) xuống xem”.

Khi chúng tôi tiếp tục bày tỏ muốn được xuống thăm quan, thì ông Đoàn cho biết, bây giờ công nhân đã tan tầm hết rồi, nên không còn ai sản xuất để xem nữa. Trong khi đó, đồng hồ của chúng tôi mới chỉ 4 giờ 5 phút.

Kiểm tra: Chỉ đạt vài tiêu chí?

Trao đổi với phóng viên, ông Dư Quốc Bảo, Phó chủ tịch xã La Phù, kiêm Trưởng ban an toàn thực phẩm của xã cho biết, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của xã rất được chú trọng, trong năm 2012 đã tổ chức 3 đợt tập huấn cho các cơ sở. Đồng thời, xã cũng đã tiến hành kiểm tra 3 lần, lần gần đây nhất là vào tháng 9/2012.
Thùng trộn nhân bánh trung thu không có nắp đậy 
“Hiện trên địa bàn xã La Phù còn 7 cơ sở sản xuất và các cơ sở này qua đợt kiểm tra đều chấp hành tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ có một hai trường hợp là công nhân thiếu khăn bịt miệng, khẩu trang. Đoàn kiểm tra cũng đã nhắc nhở luôn việc này. Vì dù không trực tiếp tham gia nhưng khi đi vào khu vực sản xuất là bắt buộc phải bịt khẩu trang”, ông Bảo nhấn mạnh.


Tuy nhiên, khi phóng viên cùng ông Thắng đi vào 2 cơ sở sản xuất trong xã thì đều không thấy các chủ cơ sở yêu cầu phải bịt khẩu trang.

Về nguồn gốc thực phẩm, ông Bảo cho biết là các cơ sở đều có giấy chứng nhận đầu vào. Còn quy trình bảo quản thì phải tuân thủ theo đúng quy định vì vấn đề mấu chốt của sản xuất là chất lượng sản phẩm.

“Các hộ sản xuất trong xã không nhà nào dùng các loại hóa chất hay phẩm màu. Tất cả đều là hương liệu tự nhiên truyền thống như nước hoa bưởi”, ông Bảo cho biết.
    
5 mục được đánh dấu "Đạt" của cơ sở Ngọc Khánh 
Việc việc vệ sinh nhà xưởng, ông Bảo cho hay: “Điều kiện vệ sinh nhà xưởng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn của xã, tuy việc tiệt trùng thì không thể nhưng họ đã có ý thức dọn dẹp, hết sức cố gắng, như kê cao bánh trên các kệ và trên các khay inox”.


Cũng theo ông Bảo, trong các lần kiểm tra trong năm nay, chưa cơ sở nào bị phạt cả.

Điều đáng nói là, trong biên bản kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của xã La Phù ghi ngày 14/9/2012 của đoàn kiểm tra liên ngành xã, tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Ngọc Khánh, thì trong bảng nội dung kiểm tra với hàng chục nội dung dài khoảng 2 trang giấy A4, thì chỉ có khoảng 5 mục được đánh dấu “x” ở ô “Đạt”.

Cụ thể, cơ sở này có hợp đồng trách nhiệm với nhà cung cấp nguyên liệu (về chất lượng nguồn gốc nguyên liệu...), còn mục hồ sơ nguồn gốc nguyên liệu (chứng nhận, kiểm nghiệm,...) và giấy chứng nhận kiểm dịch động vật thì bị bỏ trống.

Hầu hết các mục khác đều bỏ trống 
Trong mục vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ và vệ sinh trong chế biến, bảo quản thực phẩm thì không có nội dung nào được đánh dấu "Đạt" cả.


Ngoài ra, trong lần kiểm tra này, cũng không thấy ghi mục kết quả xét nghiệm nhanh và các mẫu đã lấy xét nghiệm.

Bài, ảnh: Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn