Căn biệt thự trạm phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập sắp bị phá dỡ: Chủ nhân nói gì?

Thời sựThứ Bảy, 14/12/2019 07:35:00 +07:00

Chủ ngôi biệt thự nơi phát đi bản Tuyên ngôn độc lập tỏ sự nuối tiếc nếu công trình bị phá bỏ và đề nghị TP tìm giải pháp giữ lại nhân chứng lịch sử này.

Thời gian qua, thông tin căn biệt thự số 128C Đại La - nơi phát đi Bản Tuyên ngôn độc lập ra toàn thế giới, sẽ bị đập bỏ để nhường chỗ cho dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở khiến nhiều người tiếc nuối.

Ngày 12/12, PV VTC News tìm đến ngôi biệt thự này để lưu lại những hình ảnh về công trình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Theo ghi nhận, căn biệt thự số 128C Đại La được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp đang trong quá trình giải phóng để trả mặt bằng cho dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.

128c dai la 1 3

Ngôi biệt thự số 128C Đại La mang vẻ đẹp của phong cách kiến trúc Pháp rất đặc trưng nhưng không còn nguyên vẹn sau những biến động và sự bào mòn của thời gian.

Bà Khánh An - một trong những chủ nhân của căn biệt thự cho biết, bà theo ba má về ngôi biệt thự này sống từ cuối năm 1976, đầu năm 1977. Ban đầu ngôi nhà được phân cho 2 cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam là ông Nguyễn Văn Nhất, khi đó là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam sống ở tầng 2 và ông Lý Văn Sáu, khi đó cũng là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam, kiêm nhiệm Giám đốc Đài Truyền hình Trung ương và Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (ba bà Khánh An-PV) sống ở tầng 1. 

"Khi hay tin tòa nhà sắp bị đập bỏ, nhiều kiến trúc sư người Pháp, Canada và Việt Nam tìm đến, xin chụp ảnh, quay phim để ghi lại những hình ảnh cuối cùng của ngôi biệt thự. Họ nói rằng, họ vô cùng luyến tiếc vì ngoài giá trị lịch sử, ngôi nhà còn có giá trị về văn hóa. Đây là một trong những kiến trúc của Pháp cần được bảo tồn, giữ gìn. 

Tôi ở đây cùng ba má, các anh, chị, sau này 2 con trai tôi cũng được sinh ra ở đây, các dịp lễ, con cháu từ miền Nam và các nơi về tề tựu rất ấm cúng. Gia đình cũng đã thuê riêng một nhóm kiến trúc sư vẽ 3D lại ngôi nhà để làm kỷ niệm. Thật tiếc khi khu nhà không được xếp hạng di sản", bà Khánh An nuối tiếc nói.

Bà Khánh An cho biết, gia đình cũng nhận được thông báo về phương án đền bù, giải toả từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của quận Hai Bà Trưng. 

Trong cuộc trò chuyện với PV, bà Khánh An nhiều lần tỏ vẻ nuối tiếc khi phải dọn đi, nhưng với trách nhiệm một công dân, bà khẳng định sẽ chấp hành những quyết định của các cấp có thẩm quyền. 

"Nhưng nếu được bảo tồn, duy tu, sửa chữa ngôi nhà này thì đó là điều mà các gia đình ở đây đều mong muốn. Gia đình tôi có thể sống ở đây, có thể không sống ở đây, nhưng ngôi nhà này được giữ gìn và tôn tạo, trở thành nơi ghi dấu ấn cho những thời khắc lịch sử của dân tộc đối với Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt là năm sau lại kỷ niệm 70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập thì quá tốt", bà Khánh An nói.

Chủ nhân ngôi biệt thự cũng đưa ra đề nghị nếu Thành phố có đất để giữ ngôi nhà này lại phục vụ cho việc bảo tồn thì nên di dời theo kiểu như ông “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy đã làm để giữ lại công trình ghi dấu những sự kiện đặc biệt của đất nước.

128c-dai-la-18-29-0827555 4

Chiếc Ăng-ten - dấu tích của một trạm phát sóng lịch sử còn sót lại trong vườn của ngôi biệt thự.  

Trả lời VTC News, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cũng thấy tiếc khi hay tin ngôi biệt thự sắp bị phá bỏ để trả mặt bằng cho dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. 

"Sau nhiều năm như thế, nếu làm hồ sơ công nhận di tích thì quá tốt, đã là di tích thì khi lập dự án người ta sẽ chừa ra, không phải phá bỏ. Nên chăng các bên liên quan có thể ngồi lại với nhau để bàn phương án, nếu giữ lại được căn biệt thự là tốt nhất, vì nó như một nhân chứng lịch sử, mang nhiều giá trị văn hoá, cần được bảo tồn", ông Tiến nêu ý kiến.

Theo tư liệu từ bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20 của tác giả Nguyễn Văn Uẩn, ngôi biệt thự số 128C Đại La (Hà Nội) là Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp, thực chất là trạm phát sóng vô tuyến điện được xây dựng vào tháng 10/1912.

Nhà báo Trần Đức Nuôi - nguyên Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, đây là nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới vào trưa 7/9/1945, sau khi kế hoạch phát sóng ngày 2/9/1945 không thành công.

Và chính tại ngôi biệt thự Pháp cổ còn sót lại của trạm vô tuyến điện còn ghi dấu một sự kiện lịch sử đặc biệt, nơi phát thanh viên Ngân Thanh (con gái nhà giáo Dương Quảng Hàm) - phát thanh viên nữ đầu tiên của Việt Nam - đọc bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19/12/1946, bản tin mật lệnh để cả nước nổ súng, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.

Thành Trung
Bình luận
vtcnews.vn