Campuchia vs Việt Nam: Những điều chưa biết về sân đấu lớn nhất Đông Dương

Thể thaoChủ Nhật, 03/09/2017 13:55:00 +07:00

Nằm ở khu vực trung tâm thủ đô Phnom Penh, Khu liên hợp Olympic không chỉ là một quần thể kiến trúc độc đáo mà nó còn là nhân chứng cho lịch sử hình thành, phát triển của đất nước Campuchia.

Sân vận động lớn nhất Đông Dương

Đồng hành cùng đội tuyển Việt Nam thi đấu vòng loại Asian Cup 2019 trên đất Campuchia, chúng tôi đã có cơ hội tham quan sân Olympic và biết được nhiều câu chuyện thú vị xung quanh sân bóng lớn nhất Đông Dương.

Khởi công vào đầu những năm 1960, Khu liên hợp thể thao Olympic được nhà thiết kế Vann Molyvann "vẽ" lên một công trình có thể gọi là tuyệt tác vào thời điểm ấy. Dù đã tồn tại được hơn 50 năm nhưng sân Olympic vẫn là sân vận động có sức chứa lớn nhất khu vực Đông Dương (Việt Nam, Lào, Cambodia).

campuchia

 SVĐ Olympic luôn chật cứng khán giả mỗi khi đội tuyển Campuchia thi đấu.

Với 70.000 chỗ ngồi, nơi đây luôn được lấp kín mỗi khi bất cứ đội tuyển nào của bóng đá Campuchia thi đấu, từ ĐTQG cho đến U22, U19 và thậm chí là U16.

Để có thể hoàn thành Khu liên hợp thể thao này, nhân dân Campuchia đã đào 500.000 (năm trăm nghìn) mét khối đất để đắp vòng xung quanh các khán đài. Đây là một con số khủng khiếp vào những năm giữa của thể kỷ 20, khi mà máy móc và điều kiện chưa tối ưu như thời điểm hiện tại. Cũng nên nhớ rằng vào thời điểm bấy giờ, khu vực bán đảo Đông Dương đang trong thời kì chiến tranh triền miên.

Một phần lịch sử của bóng đá… Triều Tiên

Giai đoạn 1965, vì thể chế chính trị nên ngoài những nước cùng hệ tư tưởng, CHDCND Triều Tiên dường như “tuyệt giao” với thế giới bên ngoài. Vì một lý do nào đó mà trận đấu ở vòng loại World Cup 1996 gặp Úc không được tổ chức ở Bắc Hàn.

campuchia 2

 Khán đài không có ghế ngồi cá nhân.

Nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, ông Kim Nhật Thành với mối quan hệ của mình đã kết nối được với Quốc vương Campuchia – Norodom Sihanouk để “nhờ” làm trung gian tổ chức trận đấu. Ở hai trận đấu đó, người dân Campuchia đi xem rất đông (60.000 người ở lượt đi và 40.000 người ở lượt về).

Quốc vương Norodom Sihanouk khi ấy đã ngầm ra một mệnh lệnh để giữ “hòa khí” và mối quan hệ ngoại giao: Một nửa cổ vũ cho Triều Tiên, một nửa cổ vũ cho Úc.

Hai trận đấu được diễn ra 21/11/1965 và 24/11/1965 và kết thúc với tổng tỉ số 9-2 cho Triều Tiên và đó là bước đệm quan trọng để đội bóng của chủ tịch Kim Nhật Thành tạo nên một cuộc địa chấn ở World Cup 1966, nơi họ đánh bại đội tuyển Ý hùng mạnh để lần đầu tiên (và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại) lọt vào tứ kết một kỳ FIFA World Cup.

Các biến cố lịch sử

Xung quanh Sân vận động Quốc gia Campuchia có rất nhiều công trình phụ trợ như hồ bơi, hồ lặn và một nhà thi đấu bóng chuyền. Tuy nhiên những năm gần đây, quần thể Olympic này chỉ còn sân vận động và nhà thi đấu được duy trì hoạt động.

Video: Sân Olympic trong trận đấu giữa Campuchia và Afghanistan

Trong giai đoạn Khmer Đỏ nắm quyền, sân Olympic được xem như “văn phòng” hoạt động của đế chế này và đã có một số thời điểm sân Olympic không được sử dụng đúng chức năng khi nó trở thành…bãi đáp của trực thăng, phục vụ cho các mưu đồ chính trị.

Kỳ SEA Games 32 sẽ được tổ chức ở Cambodia (lần đầu nước này đăng cai) và các môn thi đấu quan trọng được dự kiến tổ chức ở sân Olympic. Tuy nhiên, chính phủ Cambodia đã quyết định xây mới một khu liên hợp thể thao mang tên Morodok Techo và khu vực quanh sân Olympic sẽ mở cửa để người dân tham gia tập luyện thể thao.

Nhiều biến cố lịch sử trôi qua, có lẽ đây sẽ là những năm cuối cùng để Khu liên hợp thể thao Olympic thực hiện sứ mệnh phục vụ thể thao đỉnh cao.

(Nguồn: doisong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn