Camille Claudel và mối tình bi kịch với bậc thầy điêu khắc người Pháp

Khoa học - Công nghệChủ Nhật, 08/12/2019 02:09:00 +07:00

Là nghệ sĩ tài năng, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Camille Claude lại rơi vào bi kịch khi sa vào mối tình ngang trái với bậc thầy điêu khắc Augustin Rodin.

Google ngày 8/12 thay đổi logo kỷ niệm 155 năm ngày sinh của nhà điêu khắc tài năng Camille Claudel. Bà là nàng thơ và cũng là học trò của bậc thầy điêu khắc Auguste Rodin. 

Camille Claudel sinh ngày 8/12/1864, mất ngày 19/10/1943. Suốt 79 năm sống ở đời, bà chỉ có một niềm say mê duy nhất là điêu khắc, một mối tình duy nhất với nhà điêu khắc người Pháp Augustin Rodin (1840-1917).

Cha bà là Louis-Prosper Claudel là một công chức rất thành công làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, mẹ cô xuất thân trong một gia đình Thiên Chúa Giáo ngoan đạo có tiếng về nghề làm rượu vang. Camille còn có một em trai và một em gái. Từ nhỏ, mặc dù không được ai dạy bảo nhưng Camille say mê nặn tượng dựa trên mẫu là người thân trong nhà.

Sau khi rời nhà đến Nogent sur Seine, bà được nhà điêu khắc trẻ Alfred Boucher nhận làm học trò, dìu dắt vào con đường điêu khắc. Ảnh hưởng của người thầy đầu tiên được thể hiện qua tác phẩm Paul Claudel 13 tuổi (1881) là bức tượng đồng về em trai cô (sau này là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Pháp). Khi Camille 18 tuổi, Boucher đột ngột rời Pháp đi Italy, giới thiệu cô với một nhà điêu khắc tên tuổi ở Paris - Auguste Rodin.

anh1

Camille Claudel. 

Rodin lúc đó 42 tuổi, đang sống với Rose Beuret và có người con chỉ kém Camille hai tuổi. Cuộc gặp gỡ đã cuốn hai nghệ sĩ tài năng vào cơn lốc của cuộc tình vụng trộm mãnh liệt. Bàn tay của Camille in dấu trên rất nhiều tác phẩm của ông trong giai đoạn này. Nàng là học trò tận tụy, là đồng nghiệp tài năng, là người mẫu xinh đẹp lý tưởng, và là người tình say đắm của Rodin.

Nàng truyền cho ông cảm hứng làm nên những tác phẩm ấn tượng mà một trong những tác phẩm xuất sắc, giúp ông hoàn thành nhiều đơn đặt hàng quan trọng, trong đó có phần tác phẩm lớn nhất của đời ông: Cánh cổng địa ngục. Rodin coi Camille Claudel là một người mẫu lý tưởng mà ông hằng tưởng tượng và ao ước có được, với bờ vai trắng ngần, thân hình thon thả, eo thắt gọn gàng, cặp đùi thon dài.

Claudel vừa là tình nhân, vừa là học trò của Rodin, một học trò cực kỳ tài năng, kém ông 24 tuổi. Cô coi Rodin vừa là cha, vừa là bạn, vừa là người tình, và cả là một người anh trai. Cặp thầy trò rất tâm đầu ý hợp cả trong phong cách sáng tác lẫn đam mê nghệ thuật.  Rodin từng làm người mẫu cho nàng thực hiện bức Tượng bán thân Rodin... Bản thân Camille cũng cho ra đời khá nhiều tác phẩm, nhưng các tác phẩm của nàng bị chìm đi vì Rodin quá nổi tiếng.

a 5

 Auguste Rodin với Camille Claudel.

Bị dư luận miệt thị, đàm tiếu về mối quan hệ không chính đáng. Bị và gia đình phản đối, xa lánh và nhất là khi Rodin không thể bỏ rơi người vợ của ông là Rose Beuret, Camille Claudel chủ động chia tay người tình. Bà sống khép mình trong căn nhà vừa là xưởng điêu khắc, sống cô độc và nghèo khó; còn Rodin đang choáng ngợp với những đơn đặt hàng tầm cỡ thế giới.

Chia tay với Rodin, nữ nghệ sĩ dồn hết tâm huyết, tài năng vào các tác phẩm điêu khắc. Thời gian này, Camille Claudel  khẳng định mình bằng nhiều tác phẩm: Cô bé Châtelaine (1896), Con sóng (1897), Trầm mặc, Gia tài (1900), Người đàn bà thổi sáo (1904), Bỏ rơi (1905)...

Các tác phẩm được thực hiện với nhiều phiên bản bằng các chất liệu khác nhau như thạch cao, đá hoa, đồng, và nàng cũng không ngần ngại sử dụng chất liệu quý hiếm như cẩm thạch để tạo sự khác biệt với Rodin. 

Tuy nhiên tài năng của cô không được công nhận xứng đáng vì cái bóng quá lớn của Rodin, thậm chí cô còn bị nghi ngờ mạo danh tác giả những bức tượng do Rodin tạc.

tacpham 4

Tác phẩm miêu tả mối tình tay ba giữa Rodin và hai người đàn bà, trong đó một phụ nữ trẻ khỏa thân, tuyệt vọng quỳ gối, vươn cánh tay cầu xin tình yêu như để nói về chính Camille Claudel.

Năm 1913, Camille Claudel bị mất trí hoàn toàn, và được đưa vào bệnh viện tâm thần Ville Evrard. Bà mất ngày 19/10/1943 sau ba mươi năm giam hãm.

Khôi Minh
Bình luận
vtcnews.vn