Cấm xe máy: Nghe thì thích mà làm thì khó

Kinh tếThứ Hai, 10/07/2017 12:04:00 +07:00

Dự thảo cấm xe máy vào năm 2030 của UBND Thành phố Hà Nội đang là một trong những vấn đề được bàn luận sục sôi trong thời gian vừa qua, tuy nhiên nếu nhìn xa hơn, phân tích cụ thể hơn thì vấn đề không nằm ở cơ số xe máy đó mà là...

Hà Nội hiện có hơn 6 triệu xe máy và gần 500 nghìn ô tô, chia cho hơn 7 triệu người. Tắc đường là điều thường xuyên xảy ra ở Thủ đô, nhất là trong khu vực các quận nội thành; nhưng nếu đem con số hơn 6 triệu kia ra so sánh thì cũng chưa là cái gì so với Đài Loan.

2

 Tắc đường - nỗi sợ hãi thường trực của người dân Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Đài Loan được mệnh danh là “vương quốc xe máy” với hơn 14 triệu chiếc, người dân ở đây có lẽ còn thích đi xe máy hơn cả người Việt Nam chúng ta, cho dù người Đài Loan có thu nhập khá cao, khoảng 30.000 USD/năm và số lượng ô tô ở đây cũng không phải là thấp, nhưng với những con phố bé thì xe máy vẫn chiếm ưu thế hơn.

Người đông, xe nhiều nhưng lại không bị tắc đường, không có cảnh chen lấn, lạng lách… Vậy, tại sao chúng ta không thể làm được như họ?

1

Với quy hoạch hiện tại, Hà Nội sẽ rất khó khăn để giảm thiểu ách tắc giao thông. (Ảnh: Phong Sơn)

Trước tiên, phải nói đến phương thức quản lý và cách xử phạt của họ nghiêm minh, rõ ràng và chắc chắn hơn chúng ta rất nhiều. Người dân ở đây rất chăm chỉ nghiên cứu luật giao thông, họ nắm rõ từng chiếc biển báo.

Video: Cấm xe máy để hết tắc đường, chuyên gia phân tích tính khả thi

Việc lấy bằng lái xe máy ở quốc gia này cũng không phải là chuyện dễ dàng, người dân có thể mua xe chỉ với chứng minh nhân dân nhưng để lấy được bằng lại là chuyện khác. Việt Nam thì ngược lại, có khi hơn một nửa người lái xe máy không có bằng lái xe hoặc có thì cũng không rõ luật vì học chỉ để… lúc thi thôi!

Những biện pháp trên của chính quyền Đài Loan được thực hiện với mục đích nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân, rất nhiều khoá học nâng cao sau khi lấy bằng vẫn được tổ chức để phổ biến các luật lệ mới và để người dân không quên được.

Nếu vi phạm giao thông ở Đài Loan thì chỉ trong ngày, bạn sẽ nhận được giấy báo phạt tiền, nếu bạn trả chậm 10 ngày thì số tiền đó cũng sẽ tăng và nếu chậm 1 năm thì phương tiện sẽ bị thu hồi. Mà chẳng ai muốn mất tiền hoặc mất xe nên họ luôn cố gắng tuân thủ đúng luật giao thông. Nhờ vậy mà đường phố ở đây tuy nhìn thì đông nhưng lại rất trật tự, ngăn nắp.

Thêm một ví dụ nữa cho vấn đề ý thức khi tham gia giao thông, đó là ở Cuba. Ở đây thì không có nhiều xe máy nhưng lại rất nhiều ô tô, không tắc đường, không vượt đèn, không có say xỉn khi đi xe. Chính sách của chính phủ Cuba với vấn đề giao thông luôn được phổ biến nhanh chóng và cụ thể tới từng người dân, do đó ý thức của người Cuba khi đi đường rất cao.

Ở đây, mỗi lần đi thi lái xe là cả một vấn đề lớn trong đời, như chúng ta đi thi đại học vậy. Có khi cả bố và mẹ đưa con đi thi. Đó là bởi nếu không học, không thuộc luật thì không thể qua được phần thi lý thuyết rất khó của Cục đăng kiểm, và tất nhiên nếu trượt thì đừng nói đến chuyện đi thực hành!

Tỷ lệ người vi phạm giao thông ở Cuba rất ít, nếu chẳng may có bị bắt thì trước tiên, cảnh sát giao thông phải thông báo bằng bộ đàm về trung tâm, nói rõ trường hợp này vi phạm ra sao, xe gì, biển số gì và cách xử phạt. Sau đó, trung tâm sẽ thông báo lại là xe này, người này đã từng vi phạm hay chưa… Đó là một cách làm việc rất hay, rất minh bạch, rõ ràng tránh việc cảnh sát giao thông phạt bậy.

Vấn đề quy hoạch giao thông cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng. Trong khi Đài Loan, Cuba họ quy hoạch đâu ra đó, rõ ràng đến mức người tham giao giao thông bắt buộc phải đi đúng, thì ở Việt Nam, việc đó lại rối rắm, lộn xộn. Đúng như nhiều người nói, ở Việt Nam có muốn đi đúng cũng không được!

Đơn cử như chỗ đỗ xe, chỉ mới cách đây có vài tháng thôi, chúng ta sục sôi dẹp vỉa hè lấy chỗ cho người đi bộ, lấy chỗ đỗ xe, giảm thiểu ùn tắc dưới lòng đường. Nhưng được bao lâu thì đâu lại hoàn đó? Ý thức của chúng ta quá kém là một chuyện, nhưng quy hoạch của chúng ta còn kém hơn.

Chung cư, nhà cao tầng mọc lên như nấm trong các quận nội đô ở Hà Nội, nâng mật độ dân số lên cao, trong khi đường xá thì chật hẹp, xiên xẹo, cũ kỹ… Vậy tại sao chúng ta không làm những bãi đỗ xe công cộng cho người dân, thay vì làm chung cư và trung tâm mua sắm? Nhưng cái đó có thể tập trung xây dựng phía ngoại thành cũng đâu có ảnh hưởng đến ai?

À nhưng không! Đại đa số người Việt vẫn có suy nghĩ trên phố là nhất. Người ta ùn ùn kéo vào các quận nội đô, tính sơ sơ thì có khoảng 150 nghìn người ngoại tỉnh trở thành “cư dân” Hà Nội!

Rồi hệ thống phương tiện giao thông công cộng của chúng ta còn quá vớ vẩn, chưa thực sự trải rộng. Đó là chưa kể những dự án có nhiều khả năng sẽ không ai sử dụng bởi chất lượng kiểu “chưa dùng đã hỏng”.

Và bây giờ chúng ta muốn quy hoạch lại thành phố cho “lề thông hè thoáng”, nhưng đây là điều thật sự rất khó. Khó từ trên xuống dưới, khó từ từng cá nhân rồi khó cho đến tập thể.

Vậy nếu cứ khó mãi thế này thì đến bao giờ người dân Hà Nội còn phải chịu cảnh chen chúc?

Thiết nghĩ, tại mấy quận nội đô của Hà Nội chỉ nên để lại các cơ quan hành chính quan trọng, còn các trung tâm thương mại, chung cư cao cấp hay thấp cấp nên di dời ra ngoại thành. Điều này nếu thực hiện được sẽ giải quyết được hai vấn đề.

Thứ nhất là giảm thiểu ùn tắc giao thông. Thứ hai là có chỗ mà xây dựng, quy hoạch lại dần dần, chứ chúng ta không thể tiếp tục quy hoạch trong tình trạng này, nay đập chỗ này, mai xây chỗ kia để đường phố trở nên nhem nhuốc, lộn xộn không ra đâu vào đâu rồi lại ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Dự thảo cấm xe máy của UBND TP Hà Nội nằm trong những giải pháp chống ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên cần phải xem lại vấn đề quy hoạch của chúng ta đã thật sự thuận lợi cho người dân tham gia giao thông bằng các phương tiện công cộng chưa? Rồi các biện pháp quản lý hộ tịch, các phương tiện giao thông cá nhân của chúng ta đã rõ ràng, minh bạch, có thật sự chặt chẽ?

Phong Sơn
Bình luận
vtcnews.vn