Cảm thức chiều cuối năm

Giáo dụcThứ Sáu, 27/01/2017 12:58:00 +07:00

Những cảm xúc chiều cuối năm bao giờ cũng rất khác lạ.

Không phải là những góc phố đông vui náo nhiệt. Không phải những góc làng rộn rã tiếng nói cười của trẻ nhỏ ríu ran. Nơi đây là không gian của sự lặng im. Và khói nhang. Và lòng thành kính tưởng nhớ…

chieu-cuoi-nam

 

Chào đón tôi đầu tiên là hai hàng phi lao thẳng tắp dẫn vào nghĩa địa. Bao năm rồi những hàng phi lao ấy vẫn hồn nhiên yên ca hát, ru giấc bình yên.

Chúng đứng đó, và đã chứng kiến không biết bao nhiêu những cuộc tiễn đưa, đã thấm khô những dòng lệ thương tiếc để viết thành lời ca ru giấc những người đi xa, ru dịu niềm thương nỗi nhớ trong trái tim những người ở lại.

Chúng chạy dài vào sâu bên trong, nơi những nấm mồ câm lặng nằm san sát bên nhau, nơi kẻ nghèo hèn nằm với người giàu sang, bên nhau không khoảng cách.

Chúng nói về những công danh, những bon chen, ân oán, tình thù của hàng trăm người nằm dưới lòng đất sâu kia khi còn sống. Tất cả rồi cũng mong manh như khói như sương, tan về phía hư vô, chỉ còn lại một sự thanh thản, bình an, kết nối và giao thoa.

Nắm hương bùng cháy, đỏ rực trên tay. Tôi cắm ba nén ở ban thờ chính của nghĩa địa, cúi lạy, rồi tìm về bên khu mộ của gia đình và dòng họ. Cụ tổ đời thứ nhất, đời thứ hai, rồi đời thứ ba, các ông, bà, chú bác… đều sum họp về đây.

Dẫu vẫn còn nắm xương cốt của một người chú liệt sĩ đang lưu lạc ở mãi tận chiến trường miền Đông trong cuộc chiến đấu chung của toàn dân tộc, nhưng cũng vẫn có một tấm bia ghi tên tưởng nhớ…

Tất cả khoảng không gian ấy, nền đất ấy, bia mộ ấy và chút ít xương cốt lẫn trong đất mẹ còn sót lại nằm sâu phía dưới đất lạnh kia, dẫu có những người tôi quen thân, biết mặt, hoặc không thể biết mặt, hoặc chỉ nghe kể và hình dung trong tưởng tượng…

Họ là gia đình, là tổ tiên, nguồn cội của tôi, cho tôi cảm giác bình yên mỗi khi tìm về, sau những đua chen, vấp ngã và lầm lỡ giữa cuộc đời. Không một câu nói, không một lời đối thoại, nhưng nhìn sâu vào phía sau khói nhang lượn vòng bay lên từ mỗi ngôi mộ, rồi nhắm mắt lại, lặng im…

Tôi cảm nhận được sự vỗ về thương yêu cùng những lời nhắc nhở, động viên về trách nhiệm và bổn phận của mình khi là một đứa con đứng trong dòng họ.

Tôi rưng rưng dừng lại, ngồi xuống thật lâu bên phần mộ của bà nội. Trong khoảnh khắc hình ảnh bà hiện lên, rồi kéo theo đó là tất cả quãng đời khổ cực của bà như cuốn phim chầm chậm dội về… Một đời nội cam chịu, hết lòng cho con cho cháu, nhận mọi cay đắng và thua thiệt về mình.

Còn mãi và ám ảnh trong tâm trí tôi là hình ảnh nội với mái tóc bạc trắng phất phơ, lưa thưa trong nắng chiều, lưng còng gánh chuối ra chợ làng bán, rồi được đồng nào lại dành dụm mua đồng quà, tấm bánh, một mình đi bộ hơn 3 cây số mang lên cho hai anh em tôi.

Ngày đó hai anh em còn đang đi mẫu giáo (thực ra là một nhà giữ trẻ trong một gian chùa bỏ trống). Tôi ghét lớp, dẫn em bỏ trốn về. Mẹ tôi cầm roi định đánh vào hai bàn chân, bắt quay lại.

Chưa kịp đánh, nhác trông thấy dáng nội tôi từ xa là em tôi liền khóc lên to hơn, và hai chân giậm giậm xuống đất, gọi nội, vì bao giờ nội cũng binh hai anh em tôi. Và chắc chắn có mặt nội là sẽ không bao giò bị ăn đòn.

Mới đó mà đã gần hai mươi năm, ký ức còn nguyên, tươi mới tưởng chừng như mới hôm qua. Tôi học trường Chuyên của Tỉnh, xa nhà từ nhỏ, ngày nội mất tôi không về kịp, bận rộn cho kỳ thi cuối cấp cũng không thể về đưa tang nội…

Vậy mà trên nấm mồ câm lặng này, biết bao mùa xuân đã đi qua, lắng đọng những tâm tư, những niềm ăn năn, trăn trở, những ký ức vui buồn trong từng sắc cỏ bâng khuâng cứ xanh lên, mơn man trong gió vĩnh hằng.

Dù năm tháng trôi, đưa bước chân tôi đi qua biết bao nhiêu vùng đất khác nhau của dải đất hình chữ S thân thương này; dù mùa xuân có tìm đến trong ánh đèn hoa rực rỡ của những phố phường hay bên ngọn lửa hồng tí tách của nồi bánh chưng nơi mỗi làng quê, thì cũng xin cho tôi được về thăm nghĩa địa làng mình một chiều cuối năm. Chim có tổ, người có tông...

Từ nơi đó có tôi, tôi ra đi và tôi cần trở về. Nơi đó có người bạn tuổi nhỏ của tôi trẻ mãi ở tuổi mười lăm bên khóm hoa ngần trắng khi sẵn sàng cứu bạn trên sông quê mùa nước lũ; có đám cỏ xanh nói với tôi về bà cụ hàng xóm nhà bên, âm thầm lặng lẽ ra đi trong một đêm mùa Đông nín lặng khi gió Bấc tràn về căn nhà trống đơn côi, có bà con xóm giềng của cha tôi, mẹ tôi, của ông bà tôi.

Dẫu rằng có những người tôi chưa nhớ mặt và chưa biết mặt nhưng khi trở về vẫn luôn cắm cho mỗi người một nén hương theo lời cha tôi dặn: “Con người ta sống với nhau là bằng nghĩa bằng tình”.

Và ở nơi đó với tôi, mùa xuân mãi mãi ở lại, trong cỏ xanh, lá xanh, trời xanh; trong khói hương trắng thơm nồng bình yên; trong lòng người thanh thản, dịu dàng và sống thật nhất với những cảm xúc, chiêm nghiệm, nghĩ suy tự sâu thẳm trái tim mình.

Cuộc sống biến động, làn gió đô thị hóa thổi về trên những miến quê vốn ngàn năm vẫn thanh bình và trầm lắng sau mỗi lũy tre xanh. Nhiều công trình, nhiều dự án được đặt ra, và đất đai trở nên đắt đỏ.

Những thửa ruộng dần mất đi. Bước chân trở ra về, tôi bất chợt rùng mình khi nhận thấy hàng phi lao bao quanh nghĩa địa mỗi năm cứ dần thưa, dần thưa. Hẳn rồi chúng sẽ biến mất, lời ru cho giấc ngủ vĩnh hằng của người đi xa và lời ru dịu nỗi nhớ thương cho người ở lại sẽ dần xa, mãi xa…

Và khi đó, mùa xuân có còn ở lại, nơi đây có còn là nơi tìm về nguồn cội của những tâm hồn trong mỗi chiều cuối năm?

Một cơn gió mang theo hơi lạnh thoảng qua vai…

Phải tiếng thở dài của đất mẹ, của những nấm mồ, và của mùa Xuân?

Lương Đình Khoa
Bình luận
vtcnews.vn