Cam Ranh sẽ làm dịch vụ cho tàu ngầm nước ngoài

Thời sựThứ Năm, 03/04/2014 07:13:00 +07:00

Thủ Tướng cho biết, hiện Việt Nam đang tìm đối tác xây dựng cơ sở dịch vụ cho cả trong, ngoài nước kể cả tàu ngầm.

Thủ Tướng cho biết, hiện Việt Nam đang tìm đối tác xây dựng cơ sở dịch vụ cho cả trong, ngoài nước kể cả tàu ngầm.

Làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 2/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ đã phân vùng khai thác vịnh nước sâu Cam Ranh. Theo đó, bên cạnh khu vực quân sự sẽ có cảng dịch vụ hậu cần, kỹ thuật cho tàu nước ngoài.

“Vừa rồi, xưởng đóng tàu của Vinashin ở Cam Ranh đã làm dịch vụ sửa chữa cho tàu Hạm đội 7 của Mỹ. Ta công khai cả. Hiện ta đang tìm đối tác xây dựng cơ sở dịch vụ cho cả trong, ngoài nước kể cả tàu ngầm. Như Singapore, họ cũng làm dịch vụ cho tàu ngầm” - Thủ tướng nói.


Với tiềm năng, địa thế đặc biệt của Cam Ranh, Chính phủ đang chỉ đạo quy hoạch khai thác cả trên đất liền và vùng vịnh. Hiện đang triển khai cầu cảng, cơ sở kỹ thuật trên bờ làm dịch vụ. Kèm theo đó, sẽ phát triển hạ tầng xã hội trên bờ, chuẩn bị đón đầu dịch vụ cho thủy thủ các tàu nước ngoài. Phía Nga đang rất quan tâm, muốn đầu tư vào lĩnh vực này.
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với phi công lái chiếc thủy phi cơ tại căn cứ Cam Ranh
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Chiến Thắng, đề nghị chuyển giao cảng Nha Trang, hiện thuộc Vinaline cho tỉnh quản lý và chuyển đổi cảng hàng hóa này sang cảng khách, đủ sức đón tàu du lịch cỡ lớn.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công không phản đối nhưng cho biết cảng biển mà chỉ đón khách sẽ không hiệu quả. Ngay như Đà Nẵng, đón tàu du lịch quốc tế 2.000 khách đỗ ba ngày mà chỉ thu được 100 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với tàu container, tàu hàng. Do đó, chắc chắn không có nhà đầu tư nào chấp nhận trừ phi họ được các ưu đãi khác của địa phương.

Ngoài ra, theo ông Công, Vinaline đang trong quá trình tái cơ cấu. Một số tài sản, trong đó có cảng Nha Trang có thể được cổ phần hóa, thu tiền về giải quyết nợ nần cho doanh nghiệp. Do đó, nếu Khánh Hòa muốn nhận cảng về thì cần tính toán, trao đổi với Bộ về kinh phí chuyển đổi, đảm bảo nguồn tiền tái cơ cấu Vinaline. Ngoài ra, có thể vẫn cổ phần hóa như kế hoạch nhưng ưu tiên nhà đầu tư chiến lược của Khánh Hòa.

Kết luận nội dung này, Thủ tướng đồng ý yêu cầu tỉnh và bộ bàn với nhau, giải quyết hài hòa nhu cầu của địa phương cũng như nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp của trung ương.

Cũng liên quan đến quan điểm phát triển kinh tế biển của Khánh Hòa, Thủ tướng cho biết kế hoạch phát triển Vân Phong thành cảng trung chuyển hàng hóa trước đây nay không còn phù hợp.

Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế các địa phương cần tính toán thực tế, không thể duy ý chí, phải bắt kịp thay đổi của thị trường. Với Khánh Hòa, hướng phát triển mới chính là Cam Ranh, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, vừa có thể thành mũi nhọn kinh tế trong tương lai, khi nơi đây trở thành nơi cung cấp dịch vụ hậu cần, kỹ thuật cho các tàu quân sự của các nước.

Kết thúc buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa, chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ hải quân tại căn cứ Cam Ranh.

» Khám phá tàu ngầm TP.HCM
» Cận cảnh lai dắt tàu ngầm TP.HCM vào quân cảng Cam Ranh
» Hạ thủy tàu ngầm Kilo TP.HCM ở cảng Cam Ranh


Theo Pháp luật TPHCM
Bình luận
vtcnews.vn