Cấm Nga dự Thế vận hội mùa đông: Chiến tranh lạnh của thể thao thế giới?

Thể thaoThứ Bảy, 16/12/2017 11:36:00 +07:00

Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) đã cấm Nga tham dự Olympic mùa đông 2018 vì doping nhưng đằng sau quyết định này không chỉ là cuộc chiến chống doping mà IOC theo đuổi mà còn là những vấn đề chính trị giữa phương Tây và Nga.

Chưa từng có tiền lệ

Cứ hai năm một lần, Olympic mùa hè và mùa đông đan xen diễn ra một lần. Thế nhưng, Olympic Movement, với biểu tượng là năm vòng tròn lồng chéo vào nhau, thì không có ngày nghỉ và triết lý của Olympic Movement là nằm xây dựng một thế giới hòa bình, tốt đẹp hơn. Vì thế, khi các quốc gia đi ngược lại với sứ mệnh đó, họ sẽ bị cấm tham dự Olympic và thực tế sự trừng phạt này đã được áp dụng với những nước gây ra chiến tranh hoặc vi phạm quyền con người.

Ngược thời gian thì trước Nga, nhiều quốc gia đã bị cấm tham dự Olympic. Sớm nhất và nổi tiếng nhất là các nước gây ra Chiến tranh thế giới thứ nhất. Năm 1920, 5 nước - Áo, Hungary, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria - không được mời tham dự Olympic tại Antwerp, Bỉ. Khi đó, việc mời các nước dự Olympic do thành phố chủ nhà đưa ra, còn bây giờ, vai trò này thuộc về IOC.

Cũng vì thế mà năm 1948, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức và Nhật Bản không tham dự Olympic. Nên nói thêm là trong nhiều thập kỉ, chẳng hạn như ở Anh, người ta vẫn giữ nguyên cảm giác hận thù vì cách đối xử thô bạo của Nhật Bản đối với tù nhân chiến tranh.

olympic

 

Đến năm 1964, Nam Phi không được dự Olympic Tokyo vì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid. Lệnh cấm này tồn tại gần 30 năm. Hay gần đây, Afghanistan bị cấm dự Olympic Sydney 2000 vì sự phân biệt đối xử của chế độ Taliban đối với phụ nữ.

Ngoài ra thì năm 1984, Liên Xô lúc đó đã tẩy chay Olympic Los Angeles để đáp lại việc Mỹ tẩy chay Olympic Moscow 1980 vì sự can thiệp của Liên Xô vào Afghanistan.

Hay Olympic London 2012 và Sochi 2014, Ấn Độ bị cấm vì tình trạng tham nhũng trong Liên đoàn Olympic Ấn Độ. Tương tự như vậy, tại Olympic Rio 2016, Kuwait bị cấm do sự can thiệp của chính phủ vào các vấn đề Olympic.

Cũng vì thế mà quyết định cấm Nga tham dự Olympic mùa đông 2018 do chính phủ Nga ủng hộ việc sử dụng doping có hệ thống là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Theo Philip Barker, thành viên của ủy ban điều hành International Society of Olympic Historians thì vấn đề ở đây là rất nghiêm trọng. Nói như chủ tịch IOC, Thomas Bach, thì hệ thống doping của Nga “đã ảnh hưởng đến sự trong sạch của Olympic và thể thao.”

Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là liệu quyết định của IOC có xóa được văn hóa doping trong tương lai hay không?

Cuộc chiến của IOC

Mất khá nhiều thời gian và cuối cùng, Nga đã bị gạt khỏi Olympic. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2015 khi hai vận động viên điền kinh của Nga tiết lộ những thông tin về điều mà người ta nghi ngờ bấy lâu nay về sự hậu thuẫn của chính phủ nước này với doping tại Olympic London 2012.

Ngay sau đó là một bản báo cáo độc lập về doping tại Olympic mùa đông Sochi 2014. Và giờ, IOC buộc tội Nga tài trợ cho chương trình doping có liên quan đến hơn 1.000 vận động viên từ năm 2011. Hệ quả là Nga bị cấm tham dự Olympic mùa đông tại PyeongChang, Hàn Quốc vào tháng 2-2018, mặc dù những vận động viên Nga chứng tỏ họ trong sạch có thể tham dự dưới lá cờ trung lập.

olympic2

 Tranh biếm hoạ trên báo Sputnik (Nga) phê phán chính người Mỹ cũng sử dụng doping.

Thông báo này được Chủ tịch IOC, Thomas Bach, đưa ra trong cuộc họp báo ở Lausanne, Thụy Sĩ, sau cuộc điều tra kéo dài 17 tháng của Samuel Schmid, cựu thành viên của Hội đồng liên bang Thụy Sĩ. “Bản báo cáo đã chỉ rõ một cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ vào sự trong sạch của Olympic và thể thao,” Bach nói. “Tôi lấy làm tiếc cho những vận động viên trong sạch đã bị ảnh hưởng bởi sự gian dối này.”

Theo bản báo cáo của Schmid, đã có dấu hiệu gian lận trong những chai nước tiểu xét nghiệm doping của Nga. Đây là loại chai Bereg-kit do Thụy Sĩ sản xuất, rất chắc chắn và mất hai tháng, các nhà điều tra Thụy Sĩ mới mở được niêm phong, qua đó phát hiện bên trong chai đã có dấu hiệu cạy mở trước đó mà mắt thường không thấy được. Nói ngắn gọn, đây là bằng chứng cho thấy người Nga đã làm giả các mẫu thử doping tại Olympic Sochi 2014.

Thống kê cho thấy hơn 1/4 mẫu thử nước tiểu của bị hỏng hoặc có sự tráo đổi so với mẫu thử được lấy từ cùng những vận động viên trong nhiều tháng trước đó. Ngoài ra, báo cáo của Schmid cũng phát hiện các mẫu thử nước tiểu có chứa hàm lượng muối rất cao, thậm chí cao hơn hàm lượng trong cơ thể con người, nhằm làm thay đổi các thành phần trong nước tiểu.

olympic2 3

 Các VĐV Nga vẫn có thể dự Olympic mùa đông, nhưng không đại diện cho đoàn thể thao Nga.

Theo Mark Johnson, một phóng viên người Mỹ chuyên viết về doping trong thể thao, người Nga đã mua những mẫu thử này từ các hiệu thuốc bởi một vận động không thể mở được một cái chai như vậy nếu không có giúp đỡ về tiền bạc và khoa học mà ở đây là chính phủ Nga.

Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi rằng, việc IOC cấm Nga tham dự Olympic 2018 hay một hệ thống kiểm tra doping mới ra đời sẽ tạo ra sự khác biệt ở những Olympic tương lai. Bởi thành tích, kỉ lục của vận động viên, dù họ dùng chất kích thích hay áp dụng những công nghệ, kĩ thuật gien, đều nhằm thu hút người xem truyền hình, các nhà quảng cáo và vị thế quốc gia.

Cuộc chiến chính trị

Với những người trong cuộc, quyết định cấm Nga tham dự Olympic 2018 là hệ quả của cái gọi là Russophobia (tật ghét Nga) lâu nay của phương Tây, về ảnh hưởng rộng lớn của Nga ở Syria và mối đe dọa của Nga đối với tham vọng bá chủ của Mỹ.

Không phải vô cớ mà sau khi IOC thông báo quyết định, những Russophobes hay còn gọi là những người ghét Nga như thượng nghị sĩ John McCain đã kêu gọi FIFA tước quyền đăng cai World Cup 2018 của Nga. Đây rõ ràng là bằng chứng về việc làm sống lại thời kỳ Chiến tranh lạnh, chứ không phải là chuyện doping. Có cảm giác phương Tây luôn có “Cuộc chiến vô tận” nhằm khiến Nga bị cô lập, bẽ mặt Nga và bị cấm tất cả. Và thể thao chỉ là một mặt trận trong chiến dịch tấn công của họ.

russia-moscow-putin-rally-ru184388 5

Tổng thống Putin công khai bày tỏ nghi ngờ có động cơ chính trị phía sau quyết định cấm Nga dự Olympic mùa đông.

Sau cùng thì truyền thông phương Tây luôn có cái lí của họ, còn sự thật bao nhiêu không chỉ có họ biết. Vì thế, nói Nga là “quốc gia doping” không hẳn đã cho thấy tất cả sự thật như IOC khẳng định. Như ngạn ngữ phương Tây có câu, nếu anh chỉ một ngón tay về phía trước, có ba ngón tay sẽ chĩa lại phía anh.

Ở đây, nếu IOC cho rằng, các vận động viên Nga sử dụng doping có hệ thống thì từ năm 2003, Wade Exum, cựu giám đốc của cơ quan kiểm soát chất kích thích của Uỷ ban Olympic Mỹ, đã trao hơn 30.000 trang tài liệu cho tạp chí Sports Illustrated và Orange County Register, trong đó cho biết hơn 100 vận động viên của Mỹ có dương tính với chất kích thích trong giai đoạn 1988-2000 nhưng vẫn được thi đấu.

Đi xa hơn là trận chung kết World Cup 1954. Đội bóng xuất sắc nhất thế giới lúc đó là Hungary bất ngờ bị Tây Đức đánh bại 3-2 ở trận chung kết dù ở vòng bảng, họ đè bẹp đối thủ 8-3. Làm thế nào mà cái gọi là “Điều thần kì của Bern” lại xảy ra?

Trong nhiều năm liền, người Hungary tin rằng họ đã bị gian lận. Bằng chứng là năm 2013, bản báo cáo của Liên đoàn thể thao Olympic Đức mà người đứng đầu không ai khác là Thomas Bach, tiết lộ không chỉ các cầu thủ Tây Đức đã được tiêm chất methamphetamine Pervitin mà Tây Đức đã tài trợ cho chương trình doping trong 20 năm liền. Và các quan chức, các vận động viên của họ đều biết rõ điều này.

Thế mới nói, quyết định cấm Nga tham dự Olympic 2018 của IOC hoàn toàn là vấn đề chính trị, thay vì là mục tiêu làm trong sạch Olympic như họ quyết tâm theo đuổi.

(Nguồn: Thể Thao Văn Hóa)
Bình luận
vtcnews.vn