Cảm động với lớp học i tờ giữa phồn hoa Sài thành

Giáo dụcChủ Nhật, 01/09/2013 01:48:00 +07:00

Ở một nơi cách trung tâm Sài Gòn không xa luôn vang lên những tiếng i tờ của hàng chục đứa trẻ trong lớp học xóa mù chữ miễn phí.

Ở một nơi cách trung tâm Sài Gòn không xa luôn vang lên những tiếng i tờ của hàng chục đứa trẻ trong lớp học xóa mù chữ miễn phí.

Nơi ấy, từng con chữ, từng phép tính đang được gieo vào trí óc non nớt của những đứa trẻ nghèo, với hy vọng bọn trẻ sẽ làm người tốt hơn nếu biết đọc, biết viết của cặp vợ chồng già.

Lớp học của những đứa trẻ nghèo.
Lớp học của những đứa trẻ nghèo. 
Gieo chữ nơi… nhà trọ

Rời mảnh đất chôn rau cắt rốn là Vũng Tàu, ông Đoàn Minh Hùng (51 tuổi) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Kim Chi (49 tuổi) lên thành phố lập nghiệp, mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Là người nhà quê, không có lấy một đồng vốn lận lưng, nên dù cày cuốc cật lực với đủ thứ nghề, kiếp ở nhà thuê cứ bám lấy ông bà như một định mệnh.

Phiêu bạt là vậy, bôn ba là vậy, nhưng ông bà lại nuôi cho mình một ước mơ tưởng chừng như quá sức: dạy chữ, nuôi cơm cho những đứa trẻ lang thang đầu đường xó chợ vốn chẳng thân thích gì với mình.

Cách đây khoảng 3 năm, ông cùng vợ và 2 con chuyển đến khu trọ ở quận Bình Tân để bám lấy cái chợ mới mở mưu sinh. Nơi ông ở có hàng chục đứa trẻ nheo nhóc tứ phương đổ về theo cha mẹ. Ban ngày, đứa thì đi bán vé số, đứa đi đánh giày, có đứa đi ăn cắp vặt để kiếm cơm. Đêm về, chúng chạy nhảy, đánh chửi nhau rồi văng tục ồn ào… Chuyện con trẻ sinh chuyện người lớn, tình làng nghĩa xóm vì thế cũng có lúc sứt mẻ trong cái xóm ngụ cư bé nhỏ, phức tạp.

Đau đáu vì bọn trẻ “mới tí tuổi đầu đã thế, mai này lớn lên rồi chúng sẽ tệ tới đâu”, sau những đêm trường trằn trọc, ông Hùng nảy sinh ý định tập hợp chúng lại, dạy cho chúng biết đọc, biết viết trong chính căn phòng chật chội của gia đình. “Ý tưởng thì đã có, nhưng đau đầu nhất là vợ có đồng ý hay không, lại còn mấy đứa con phản ứng như thế nào? Rồi sách vở, bàn ghế đâu, liệu cha mẹ đám trẻ có cho con đến học hay không?”.

Hàng loạt khó khăn đó mau chóng được giải tỏa khi vợ ông cùng 2 con gật đầu ưng thuận. Hàng xóm vui mừng khi biết con mình được dạy chữ mà không tốn đồng nào đã động viên ông mau sớm thực hiện. Khệ nệ mang về những chồng sách cũ, những cuốn tập mới tinh và hơn chục cái ghế nhựa, buổi đầu tiên đứng làm thầy, ông dạy con chữ đầu tiên cho 10 đứa trẻ trong tiếng ê a, cả xóm trọ vui mừng như ngày hội.

Rồi cứ thế, ban ngày bọn trẻ tỏa đi tứ phương kiếm sống cùng cha mẹ, đêm về lại sang lớp học của ông Hùng để học sống hiếu nghĩa, thật thà. Những đứa trẻ cách đó mấy hôm còn đánh chửi nhau nay đã xem nhau như bạn. Tiếng chửi thề ngày nào nay đã thay bằng tiếng “dạ”, “thưa”. Những nét chữ đầu tiên, dưới là bàn tay của con trẻ, trên là bàn tay ông, dìu dắt những nét thẳng, nét cong, dần thành hình hài.

Cuộc sống đổi thay theo từng con chữ, từ đàn chim non hoang dã, chúng dần “lột xác” thành những đứa trẻ ngoan hiền, có đứa còn bỏ luôn cả tật ăn cắp vặt ngày nào.
Ông Hùng - người chăm lo cho hàng trăm đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở lớp học tình thương.
Ông Hùng - người chăm lo cho hàng trăm đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở lớp học tình thương. 
Gian nan duy trì lớp học tình thương

Hay tin về lớp học tình thương của vợ chồng ông Hùng, rất nhiều người ở khu vực lân cận đã mang con em đến nhờ ông giúp đỡ. Vậy là, từ 10 học sinh ban đầu, căn phòng chật hẹp của gia đình ông phải tiếp nhận thêm 6 học sinh mới. Vợ chồng ông dọn hết đồ đạc sang một bên để các cháu có chỗ học.

Thế nhưng, cái phòng thì không thể to ra được, mà học sinh thì ngày một tăng, nên “chú Hùng quyết định bàn với vợ đi kiếm một chỗ nào đó rộng rãi hơn để sắp nhỏ có chỗ học hành” – chị Xuân, có con đang học tại đây, bộc bạch.

Bà Kim Chi tâm sự, tuy ban đầu bà không phản đối thiện ý của chồng, nhưng nhà 4 miệng ăn, lại lo cho 2 con đi học, liệu tiền đâu mà đi thuê nguyên cả căn nhà. “Bàn đi tính lại nhiều lần, tôi để ổng về quê, nói với anh em trong nhà về chuyện bán mảnh đất gia tiên để lại lấy tiền đi thuê nhà, lo cho mấy đứa học trò.

Thấy ông làm việc nghĩa, mấy anh em đồng tình liền. Cầm trong tay số tiền hơn 200 triệu đồng, ổng đi thuê căn nhà ở đường Liên Khu 5-11-12 ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân để mở rộng thêm lớp học, đồng thời để có chỗ mở quán cơm chay, kiếm thêm thu nhập đắp đổi qua ngày”.

Từ ngày có chỗ mới, lớp học của vợ chồng ông Hùng lại có thêm nhiều học sinh. Có lúc sĩ số của lớp lên đến con số 80, thậm chí cao hơn nữa. Là vùng đất mới được mở mang nên dân ngoại tỉnh về đây cư ngụ khá nhiều, nhiều đứa trẻ không được vào trường học hành vì không có hộ khẩu tại địa phương. Thương lũ trẻ, ông Hùng chẳng ngại ngần tiếp nhận cả những đứa đã 12-13 tuổi vào lớp.

“Nói thật, chi phí để duy trì lớp học đã khó, nói chi đến miếng ăn” - ông Hùng bộc bạch. “Nhưng thấy có nhiều đứa trẻ không cha không mẹ được mấy bác xe ôm mang đến nhờ giúp đỡ, vợ chồng tôi cầm lòng không đặng, đã nhận lời nuôi nấng”. Vậy là ngoài làm thầy cho mấy chục đứa trẻ, vợ chồng ông Hùng lại làm cha mẹ nuôi của 8 đứa trẻ không nơi nương tựa.

Tiền nuôi trẻ mồ côi, lại dạy chữ, cho cơm miễn phí cho ngần ấy đứa trẻ, ông bà trông chờ cả vào quán cơm chay bán với giá 8.000 đồng/suất mở ở khoảng sân 2 ngôi nhà mới thuê. Ngoài quán cơm, ông còn tranh thủ đi bán đĩa dạo, mài dao mài kéo để kiếm thêm thu nhập.

Vợ ông buổi sáng ra chợ bán thêm mớ rau con cá để kiếm thêm mấy đồng trang trải. Hai đứa con thì phụ giúp cha mẹ dọn quán, rửa chén. Cả nhà làm việc quên hết nhọc nhằn cũng chỉ kiếm được vài trăm nghìn, chẳng bù được khoản chi gần 700.000 đồng một ngày lo bọn trẻ và lớp học.

“Từ ngày tôi thuê 2 căn nhà này với giá 7 triệu đồng một tháng, lại bù thêm một ngày gần 500 nghìn đồng tiền ăn cho mấy cháu thì ngoài sức lao động của gia đình, còn phải trích thêm tiền bán đất để bù vào, không thì mấy cháu lấy gì mà học, mà ăn” – nói chuyện khó khăn, vất vả như vậy mà ông coi cứ như là chuyện nhẹ tựa lông hồng.

Chông chênh với nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày, nên dù mới hơn 50 tuổi nhưng tóc ông Hùng đã bạc trắng. Nhìn ông tay cầm cây thước, dạy từng con chữ cho lũ trẻ cơ hàn trong căn phòng chật chội, ai cũng biết rằng ông đang thực hiện ước mơ không chỉ cho bản thân mà cho cả hàng chục, thậm chí hàng trăm thân phận không may có được cơ hội bình đẳng như bao đứa trẻ khác.

Niềm vui con chữ xóm nghèo


Ngày cuối tuần, trời đã nhá nhem tối, ánh sáng đèn tuýp hắt ra từ ngôi nhà trọ của ông làm cho con đường tối được chiếu sáng một đoạn. Bước chân vào trong, tiếng nói cười xôn xao của nhóm trẻ hòa cùng âm thanh xèo xèo phát ra từ chiếc chảo, nơi ông Hùng đang nấu đồ ăn cho khách. Phía trong, mấy chục đứa trẻ đang tập trung ở phòng khách chờ giờ vào lớp.

Thấy có khách đến thăm, đám trẻ vòng tay đồng thanh: “Chúng cháu chào chú ạ”. Có 2 lớp được ông chia ra, căn nhà bên trái – nơi có quán cơm, gần 20 đứa trẻ đang tập viết, tập đọc với sự hướng dẫn của “cô giáo” là con út của ông Hùng, tên là Đoàn Nguyễn Thiên Ngân, đang là học sinh lớp 6. Kế bên là lớp dành cho các cháu đã biết đọc, biết viết đang học nâng cao với sự hướng dẫn của Đoàn Nguyễn Bách Tùng - con trai lớn ông Hùng, đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học.

“Em đứng lớp được 3 năm rồi. Từ ngày được các em gọi là “thầy”, em cảm thấy tự hào lắm. Nhìn các em tiến bộ nhanh chóng, từ không biết chữ, cư xử ngang tàng đến bây giờ đã biết chữ, biết nghe lời cha mẹ, ông bà em cũng thấy vui lây. Có ngày bận, không được giảng bài, dạy toán cho các em là thấy buồn và nhớ lắm” – Tùng tâm sự.

Buổi học kết thúc lúc đồng hồ chỉ 19h30 phút tối. Ông Hùng và vợ lại tất bật chuẩn bị bữa ăn cho bọn trẻ. Tiếng cười, tiếng nói ngập tràn ngôi nhà.




Theo Lao Động
Bình luận
vtcnews.vn