Cảm động chuyện tình người chồng ngoại quốc với người vợ Việt bị bắt giam

Thời sựThứ Ba, 05/05/2015 04:41:00 +07:00

Câu chuyện tình nghĩa vợ chồng của ông Byron đối với người vợ việt Nam kể từ khi bà bị bắt giam khiến nhiều người cảm động.

Chúng tôi quan tâm chuyện tình cảm của ông - một người Dominicana làm việc tại Việt Nam và cưới vợ Việt!

Cuối tháng 4/2015, một người ngoại quốc đến toà soạn Tiền Phong “kêu cứu”. Ông đi cùng một nữ phiên dịch rất trẻ. Trông ông mỏi mệt. Ông tên là Byron Scott Mc Laughlin, sinh năm 1954, hiện là Tổng giám đốc Cty cổ phần chế biến và đóng gói thủy hải sản (USPC), trụ sở tại Khu công nghiệp Bình Dương.

Ông đến nhờ PV tìm hiểu vụ “tranh chấp thương mại” giữa công ty ông và một công ty khác liên quan chuyện làm ăn trong lĩnh vực thuỷ sản. Vụ tranh chấp này đã khiến vợ ông bị bắt tạm giam và nhà máy (có 700 công nhân, ở Bình Dương) phải tạm đóng cửa, Công an Bình Dương đang điều tra vụ án.

Ông Byron: 'Ngày trước tôi đẹp trai lắm, giờ thế này đây…'. Ảnh: Mai Xuân Tùng. 

Ông Byron đã đầu tư, làm ăn tại Việt Nam 17 năm. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Minh Trang (sinh năm 1975, Phó tổng giám đốc USPC) bị tạm giam ngày 18/11/2014. Từ đó đến nay ông “như người mất hồn”!

PV đã làm việc, trao đổi với đại diện UBND tỉnh, Công an tỉnh, Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương và được xác nhận câu chuyện ông Byron và việc vợ ông - bà Mai Trang đang bị tạm giữ liên quan một vụ án. Tuy nhiên, thông tin vụ án vẫn bí mật vì “đang trong quá trình điều tra”.

Chúng tôi tạm chưa quan tâm khía cạnh pháp lý của câu chuyện, vì việc này công an đang làm, đúng sai sẽ có kết luận, sẽ được xét xử công bằng. Chúng tôi muốn nói về tấm lòng của một người chồng, về tình nghĩa vợ chồng trong hoạn nạn, nguy khốn.

Ông thường rất buồn khi nhắc đến vợ. Ảnh: M.T. 

Có thể gọi chuyện ông Byron là bi kịch gia đình!

Có mặt tại trụ sở báo Tiền Phong, khi PV chụp ảnh, ông chỉnh sửa áo cho đỡ xộc xệch, nhún vai, nở nụ cười: “Trước tôi đẹp trai lắm, giờ thì thế này đây”. Đằng sau câu nói hỏm hỉnh ấy là chất chứa những lo lắng, dằn vặt, hối hận, yêu thương mà ông nén lại, trải qua từ khi vợ ông bị tạm giam.

Được PV lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm với câu chuyện liên quan tình nghĩa vợ chồng, ông Byron mắt ngấn lệ khi nói về vợ mình. Từ khi bà Minh Trang bị tạm giam, ông chưa hề được gặp vợ.

Nhà máy 700 công nhân tạm dừng vì ông Byron còn mải lo tìm cách được gặp vợ. Ảnh: L.A.T. 

Ông thương nhớ Trang vô cùng! Lòng ông như lửa đốt vì không thể biết “người đầu gối tay ấp” (chữ của Byron) đang sống thế nào! Ông nói về tình cảnh này, nói về việc bao lâu không được gặp vợ với tất cả cảm xúc dâng trào xen lẫn sự bất lực. Ông cứ nhìn sâu vào mắt phóng viên, tự đặt câu hỏi, rồi im lặng một lúc… như có cái gì nghẹn lại.

Ông cho rằng, vợ mình là người cương trực, nóng nảy nhưng lại được công nhân yêu quý vì tốt bụng. Ông kể: Thời gian Trang làm ăn với công ty khác, ông thấy một số điều chưa hợp lý nên đã trao đổi gay gắt với vợ.

Vợ ông không nghe. Vợ chồng cứ thế cãi nhau liên miên. Mệt mỏi, căng thẳng, bất mãn, ông bỏ sang nhà máy khác (vợ chồng ông có 3 nhà máy) sống và làm việc một thời gian. Thế rồi một ngày tháng 11/2014, khi ông đang ở nhà máy thì nhận được tin vợ mình - bà Minh Trang bị bắt.

Ông sụp xuống! Trấn tĩnh lại, ông chạy về công ty gặp vợ. Sau ngày đó, họ không gặp nhau nữa. Cũng từ đêm vợ bị bắt tạm giam, cảm giác “tội lỗi” xâm chiếm trái tim Byron. Ông nói, ông đã bỏ rơi vợ mình trong lúc khó khăn. Đáng lẽ ông phải ở lại với vợ cùng giải quyết thì lại chọn cách bỏ đi…

Vì day dứt, ân hận, có lần ông đã đến trụ sở công an la hét. Tại cuộc họp do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức trao đổi thông tin liên quan vụ việc của ông, nhiều người khuyên ông phải bình tĩnh, nhưng rồi ông cũng nổi nóng.

Ông mất kiểm soát cảm xúc vì thời gian cứ thế trôi mà ông lại không làm được gì trong khi vợ vẫn ở lao lý. Ông nói: “Sao không bắt tôi mà bắt Trang? Tôi là Tổng giám đốc, có lỗi gì tôi phải chịu chứ?”.

Khi PV hỏi: “Ông day dứt là vì ân hận về việc làm không phải với vợ hay vì yêu vợ? Ông nói: “Tôi rất yêu Trang! Tôi sẵn sàng làm tất cả như bảo lãnh, khắc phục hậu quả… để Trang được tại ngoại. Tôi và Trang sẽ ra khỏi mớ hỗn độn này”.

Ông muốn Công an Bình Dương hiểu cho tâm trạng này của ông, chứ ông không phàn nàn gì, ai có tội thì phải chịu, công an cứ điều tra. “Nếu không gặp được Trang, tôi sẽ kết thúc cuộc sống của mình”, Byron - người đàn ông 61 tuổi buồn bã nói.

Kết thúc câu chuyện với phóng viên, ông Byron vẫn đặt nhiều câu hỏi: “Sao không bắt tôi mà bắt Trang? Tôi là Tổng giám đốc, tôi phải chịu trách nhiệm cao nhất về tất cả. Sao phải bắt Trang? Vì sao không cho Trang tại ngoại?”.

Nguồn: Giang Sáng(tamguong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn