Cấm để tiền trong cốp xe!!!

Thời sựThứ Năm, 05/01/2012 10:31:00 +07:00

Dạo này cháy xe nhiều hơn cháy nhà, cho nên người ta đưa ra rất nhiều kinh nghiệm phòng chống cháy nổ, áp dụng với xe cộ.

Dạo này cháy xe nhiều hơn cháy nhà, cho nên người ta đưa ra rất nhiều kinh nghiệm phòng chống cháy nổ, áp dụng với xe cộ.

Nhưng có một kinh nghiệm mà trên toàn thế giới chưa có ai áp dụng: Ấy là đừng cất bất cứ đồ đạc gì quý khi đi xe máy. Sáng qua, chiếc xe máy Air Blade mang BKS 73E1- 03.988 bị cháy tan tành ở Quảng Bình. Vụ cháy không gây chết người nhưng đã khiến dân tình xôn xao vì hơn 200 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ quan trọng cất trong cốp xe đã thành tro bụi.

Quả thật, đây là thiệt hại không chỉ của riêng chủ xe mà của cả Nhà nước nữa, vì tiền tệ là “tài sản quốc gia”. Hủy hoại tiền tệ là hủy hoại tài sản của Nhà nước.

Cứ đà cháy như thế này thì để bảo vệ tài sản của Nhà nước có lẽ phải có thêm quy định “cười ra nước mắt” nữa là cấm để tiền mặt trong cốp xe, hoặc vận chuyển tiền mặt trong xe phải để trong…két chống cháy.

Cảnh sát có mặt tại hiện trường, nơi chiếc xe máy Air Blade mang BKS 73E1- 03.988 bị cháy.  

Con ngựa sắt thân thiết với mỗi người dân Việt Nam giờ đây không còn là nơi chốn an toàn nữa. Nó không những bỗng dưng phát hỏa, mà còn có thể “hóa vàng” tất cả những thứ quý giá cõng trên mình (kể cả con người). Trong khi đó, đa số người đi xe máy đều cất đồ đạc quý giá trong cốp xe, thậm chí coi đó là nơi an toàn nhất khi di chuyển trên đường phố (vì không lo bị giật đồ). Những chiếc xe ga cốp rộng được ưa chuộng ở Việt Nam chính là vì lẽ đó.

Với ô tô, nguy cơ đó còn lớn hơn bởi đa số chủ xe đều coi chiếc xế hộp của mình như ngôi nhà di động, thường biến cốp trước cốp sau của xe như cái nhà kho để chứa những đồ đạc hay những giấy tờ thông dụng, kể cả tiền bạc. Từ xưa đến nay có ai mang theo két chống cháy trong ô tô bao giờ.

Tất nhiên những chiếc xe còn chở theo cả con người nữa, và không chỉ một người, mà cả một gia đình. Khi nó cháy, nó không chỉ ảnh hưởng tới người ngồi trên xe, mà còn đe dọa đến tính mạng của rất nhiều người, nhà xưởng và đồ đạc xung quanh nữa (nếu cháy xe ở đám tắc đường, ở gara hay ở gần cây xăng…).

Những chiếc xe đột nhiên bốc cháy đã thành hiện tượng gây hoang mang nhất năm 2011 và vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2012.

Thông tin về một cây xăng ở Mai Dịch (Hà Nội) có hàm lượng methanol trong xăng quá lớn (chiếm tới 15,3% thể tích) khiến dư luận mừng rú, tưởng rằng có thể quy ngay được thủ phạm. Nhưng chẳng qua chỉ là “chết đuối vớ phải… cây xăng” mà thôi. Cuộc kiểm tra cây xăng này không phải là để nhằm truy tìm nguyên nhân của hiện tượng cháy nổ, và các cuộc kiểm tra lấy mẫu xăng ở nhiều nơi trên toàn quốc cho thấy, hoàn toàn chưa có bằng chứng gì để đổ tội cho các đơn vị xăng dầu hay một cây xăng bất kỳ nào.

Cứ tình trạng “cháy cái gì… ra cái này” như thế này, ngoài việc phải bố sung biện pháp hạn chế để đồ quý trong cốp xe, sẽ phải update (cập nhật) thêm các khẩu hiệu mới như: “Đoạn đường bắt buộc phải mang bình cứu hỏa”, “Đã ngồi trên xe là đeo bình cứu hỏa”, “Bình cứu hỏa - hạnh phúc cho cả nhà”.

Trước mỗi thảm họa hay sự cố bất thường, người dân đều trông chờ vào các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhiệm vụ của họ là phải đưa ra khuyến cáo, thông tin trấn an người dân càng sớm càng tốt, đấy cũng là cách quản lý, điều hành xã hội. Còn việc nêu những “nguyên nhân và giải pháp” chung chung chỉ phù hợp để cho những bảng tổng kết, báo cáo thành tích cuối năm. Mỗi năm báo cáo lại xóa con chữ cũ đi chèn số liệu mới vào, nó không phù hợp với những sự cố hay thảm họa xảy ra bất thường và bất kỳ.

Hy vọng Tết năm nay, người dân không phải đi du Xuân trong nỗi hoang mang mang tên: cháy nổ xe.

Theothethaovanhoa.vn

Bình luận
vtcnews.vn