'Cấm cửa' Huawei, Mỹ vô tình thúc đẩy Trung Quốc phát triển công nghệ mới?

Thế giớiThứ Ba, 21/05/2019 17:04:00 +07:00

Chuyên gia cho rằng khi bị Mỹ cắt nguồn cung, Trung Quốc có thể sẽ tập hợp các "đại gia công nghệ nội" vào một cơ chế mới để phát triển những gì còn thiếu.

Chính quyền Tổng thống Trump tuần trước ban hành sắc lệnh cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm cho Huawei mà không có giấy phép của chính phủ.

Các quan chức Mỹ trước đó cảnh báo trong nhiều tháng rằng Huawei có thể bị chính phủ Trung Quốc sử dụng cho hoạt động gián điệp - mặc dù một số chuyên gia cho rằng chính Mỹ cũng có lịch sử lạm dụng công nghệ và biến nó thành cỗ máy gián điệp.

Ngày 20/5, Google và một loạt "ông lớn" công nghệ Mỹ thông báo thực hiện sắc lệnh của chính phủ. Cho đến nay, có vẻ như các thiết bị Huawei được mua sẽ tiếp tục được cập nhật bảo mật và ứng dụng, nhưng các thiết kế mới của điện thoại Huawei sẽ mất quyền truy cập vào một số ứng dụng của Google. Và khi phiên bản Android mới nhất xuất hiện, nó có thể không khả dụng trên các thiết bị Huawei.

huawei-Google

 (Ảnh: Reuters)

Lệnh cấm xuất phát từ Google làm dấy lên suy đoán rằng các đối tác khác (ngoài nước Mỹ) của Huawei cũng sẽ cắt đứt quan hệ, cản trở nỗ lực trở thành thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu trên thế giới của ông lớn viên thông Trung Quốc.

Cho đến nay, một số công ty công nghệ lớn của Mỹ tiếp bước Google, thực hiện lệnh cấm Huawei của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu các công ty công nghệ trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông có sẵn sàng đi theo con đường tương tự, cắt đứt một nguồn doanh thu đáng kể hay từ bỏ sự lựa chọn của một nhà cung cấp chi phí thấp như vậy hay không, Howard Yu - một giáo sư về quản lý và đổi mới tại IMD Business School ở Thụy Sĩ nói.

Các mối lo ngại của Mỹ đối với Huawei có thể không giống các quốc gia khác, ông Yu nhận xét. Washington có thể sẽ tiếp tục gây áp lực với các quốc gia khác để áp đặt lệnh cấm tương tự đối với Huawei, nhưng điều đó sẽ khó thực hiện hơn so với trước đây, vì nhiều quốc gia có một sự nghi ngờ nhất định đối với Mỹ trước những rào cản thương mại Washington đưa ra hoặc đe dọa sẽ đưa ra.

Ông Yu cũng cho rằng, Tổng thống Trump có thể sẽ sử dụng lệnh cấm Huawei như một "con bài mặc cả" để thương lượng, trong nỗ lực buộc Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa.

Nhà phân tích chính trị độc lập Alessandro Bruno nhận định, đây không phải là vấn đề quá lớn đối với Huawei khi họ có thể tìm được những nhà cung cấp khác ngoài Mỹ. Ông chỉ ra rằng thị trường Bắc Mỹ đã bão hòa và hầu hết sự tăng trưởng mới là ở Trung Quốc và các khu vực khác ở châu Á.

Nguy cơ cuộc chiến thương mại leo thang

Dù vậy, các động thái mới nhất của chính quyền ông Trump tạo ra nguy cơ thực sự của một cuộc chiến thương mại toàn diện và khả năng gây bất ổn cao giữa hai nước - Tiến sĩ David O'Brien, học giả tại Đại học Nottingham Ningbo China, nói với RT.

O'Brien nói rằng ông Trump là người đang ở "chế độ bầu cử", Huawei và các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc là vấn đề đối với ông. Một mặt, ông Trump muốn được coi là một nhà đàm phán vĩ đại.

Hơn nữa, vẫn có những lực lượng có ảnh hưởng trong chính phủ của ông tin rằng chủ trương chống Trung Quốc mạnh mẽ sẽ có lợi cho bầu cử - chuyên gia O'Brien nhận xét.

Bắc Kinh sẽ xem xét Mỹ muốn đẩy vấn đề Huawei đến mức nào và sẽ có bao nhiêu công ty theo bước Google cắt đứt quan hệ với Huawei. 

Nếu cuộc chiến thương mại "nóng" hơn, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không muốn bị xem là đang nhường bước và điều đó có thể dẫn đến sự bất ổn gia tăng, O'Brien nhận định.

Trung Quốc và Huawei sẽ làm gì tiếp?

Bắc Kinh có khả năng sẽ đưa tất cả các đại gia công nghệ nội địa vào một tập đoàn công nghiệp để phát triển các mảng công nghệ còn thiếu, ông Yu nói, nhớ lại rằng Mỹ sử dụng chiến lược tương tự trong thời chiến để đẩy nhanh phát triển công nghệ. Bản thân Huawei không có khả năng trả đũa trực tiếp, ông Yu nói thêm.

Nếu chính phủ Trung Quốc đáp trả bằng cách đưa các công ty hàng đầu trong ngành lên cấp độ hợp tác cao hơn và phát triển công nghệ mới, ông Trump có thể thấy rằng sự đàn áp cực đoan của mình đối với Huawei phản tác dụng, và đẩy nhanh tiến bộ công nghệ từ một quốc gia mà Mỹ lo ngại nhất, chuyên gia Yu cảnh báo.

Theo chuyên gia Bruno, về mặt lý thuyết, Trung Quốc cũng có thể ngăn chặn các nhà sản xuất nước này cung cấp cho các công ty Mỹ, nơi thường sử dụng chip và các thành phần khác được sản xuất tại Trung Quốc trong các thiết bị của họ.

Ông tin rằng Google sẽ không "bước ra khỏi chuyện này mà không hề hấn gì" và lưu ý rằng Huawei có hệ điều hành riêng có thể điều chỉnh cho thị trường quốc tế. Nếu điều đó hiệu quả, Huawei thậm chí có thể phá vỡ sự độc quyền thế giới ảo (của Google), ông Bruno nói.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn