Cám cảnh hai nữ sinh côi cút bươn chải mưu sinh

Giáo dụcThứ Tư, 31/10/2012 07:06:00 +07:00

(VTC News) – Ngày mẹ qua đời vì bạo bệnh cũng là lúc cha bỏ nhà đi biền biệt. Ở cái tuổi ‘lo chưa tới’, hai chị em phải tự bươn chải kiếm sống và học hành.

(VTC News) – Ngày mẹ qua đời vì bạo bệnh cũng là lúc cha bỏ nhà đi biền biệt. Ở cái tuổi ‘lo chưa tới’, hai chị em phải tự bươn chải kiếm sống và học hành.

Đó là hoàn cảnh đáng thương của hai chị em Trương Thị Lệ Thu (16 tuổi) và Trương Thị Bích Hà (14 tuổi), ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước (Bình Định).

Mẹ mất, cha bỏ đi đ lại hai chị em Thu - Hà côi cút trong căn nhà ọp ẹp 

Cách đây 5 năm, mẹ của hai em là chị Trần Thị Ba, bị bệnh ung thư máu qua đời. Cũng từ đấy, ba em là anh Trương Văn Bảy bỏ nhà đi biệt xứ không một lần quay trở lại, bỏ mặc hai đứa con thơ bơ vơ giữa dòng đời.


“Hôm đó, ba bảo ở nhà trông em để ba đi làm kiếm tiền. Vậy mà đã 5 năm rồi ba chưa một lần quay về thăm chúng em”, vừa kể Thu vừa cúi mặt sợ để người khác thấy vẻ trách móc trong câu nói của mình.


 Nhà không bàn ghế, đèn điện nên các em phải học dưới ánh đèn dầu

Qua nhiều năm mưa gió, ngôi nhà chưa đầy 20m2 chị em Thu đang ở đã xiêu vẹo, mái tôn vỡ nát từng mng mưa dột nắng soi. Trong nhà không bàn ghế, không điện đài, tài sản đáng kể nhất là một chiếc giường tre, 2 cái đèn dầu và một chiếc xe đạp.


Sống bơ vơ côi cút, để có cơm ăn áo mặc, ngoài sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng, chị em Thu phải lặn lội làm thuê đủ thứ nghề nào là làm cỏ, bón phân cho lúa đến ra cảng nhặt cá thuê để kiếm sống qua ngày.


Bữa cơm quá đỗi đạm bạc của hai chị em 

“Do còn nhỏ nên việc đồng áng chúng em chỉ phụ giúp được những việc nhẹ nhàng nên tiền công cũng không được bao nhiêu. Còn ra bến nhặt cá thuê, mỗi ngày cũng chỉ được năm mười ngàn nên cũng chẳng bỏ bèn gì, nhưng được cái các cô các chú thương tình bữa cho mớ cá, con tôm cũng làm thức ăn qua ngày được”, Hà, cô em đang cùng chị nấu cơm chiều kể.


“Thấy hoàn cảnh hai đứa hàng xóm ai cũng đau lòng nên người chén cơm, người manh áo chung tay giúp đỡ các cháu. Những ngặt nỗi dân quê ai cũng khó khăn nên chỉ giúp được lúc ngặt không thể giúp nghèo”, chị Phạm Thị Huệ, hàng xóm của hai cô bé neo đơn cho biết.


Không bà con thân thiết, không ruộng vườn nên cuộc sống của chị em Hà luôn phải đối mặt với thiếu thốn. Công việc làm thuê thì chỉ mang tính chất thời vụ, nên hai em đã bàn nhau tìm một công việc gì đó làm để có thu nhập ổn định hơn.


Nghề mới của hai chị em 

Chợt nghĩ đến nhu cầu sử dụng nước sạch trong thôn rất lớn nhưng nguồn nước thì thiếu thốn nên hai cô bé nảy ra sáng kiến sẽ dốc hết “vốn liếng” “đầu tư” mua hai can nhựa loại 20 lít để hành nghề chở nước thuê.


Thế là hơn năm nay, hàng ngày, cứ ngoài giờ đi học, Thu và Hà đạp xe hơn 4km sang xã bên mua nước rồi chở về bán cho bà con trong thôn mình.


 Chỉ được vài ngàn một ngày nhưng việc chở nước thuê cũng giúp các em có thêm thu nhập đắp đi qua ngày

“Mỗi chuyến chúng em chở được hai can (40 lít) mua với giá 2.000 đồng về bán lại được 2.500 đồng. Một ngày thường chúng em chở được 5 chuyến cũng kiếm được mấy ngàn”, cô bé già hơn tuổi vì vừa làm chị vừa làm mẹ kể về công việc của chị em mình.


Tuy đói ăn, thiếu mặc nhưng hai chị em Thu chưa bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ học giữa chừng. Được miễn giảm các khoản đóng góp nên hai chị em luôn cố gắng trong học tập. Đầu năm học, không có tiền mua sách giáo khoa thì các em tìm đến những anh chị lớp trên để mượn sách, hết năm học lại đem qua trả.


 Tuy khó khăn trăm bề nhưng các em vẫn luôn là học sinh khá giỏi

Đến năm học này, Thu đã là nữ sinh của lớp 10A6 trường THPT Số 2 Tuy Phước còn Hà là học sinh lớp 8 trường THCS Hòa Thắng. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng trong suốt những năm học vừa qua, Thu và Hà luôn đạt danh hiệu học sinh khá giỏi của trường.

Trao đổi với phóng viên VTC News, bà Nguyễn Thị Mận, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Thắng (Tuy Phước, Bình Định), chia sẻ, ở địa phương ai cũng biết và cảm thương cho hoàn cảnh đặc biệt của chị em Thu – Hà.

Để đỡ đần các cháu, Hội vẫn thường xuyên vận động hội viên đóng góp gạo tiền, quần áo, sách vở để giúp đỡ. Có điều, ngân sách của địa phương hết sức khó khăn nên rất cần sự quan tâm của các cấp và nhà hảo tâm để giúp đỡ được nhiều hơn đối với hoàn cảnh đáng thương này.


Độc giả quan tâm, chia sẻ, xin liên hệ: Em Trương Thị Lệ Thu, học sinh lớp 10A6, Trường THPT Số 2 Tuy Phước, nhà ở xóm Đông Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Điện thoại: 01636.422.001 gặp chị Phạm Thị Huệ (hàng xóm của Thu).


Nghĩa Bình

Bình luận
vtcnews.vn