Cám cảnh gia đình có 18 người không giấy tờ tùy thân ở Sài Gòn

Thời sựThứ Ba, 28/03/2017 17:00:00 +07:00

Hơn chục đứa trẻ trong gia đình 18 người của bà Dung đều không có giấy tờ tùy thân, không biết cha của chúng là ai vừa bị địa phương "đuổi khéo".

Nhà bà Trần Thị Dung ở ấp 4B, xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) nằm sâu cuối con đường nhỏ ngập đầy sình. Những ngôi mộ nằm rải rác càng làm cho quang cảnh thêm u sầu, tăm tối.

Nhà bà Dung được quây bằng những tấm tôn đã hoen gỉ, sẵn sàng bung ra bất cứ lúc nào. Xung quanh nhà được bao phủ bởi 1 con kênh nhỏ bốc mùi hôi thối khó chịu. Đó là nơi ăn ở, sinh hoạt của 18 người trong gia đình bà Dung suốt 5 năm nay.

06

Con kênh trước nhà bà Dung là nơi tắm giặt của cả gia đình.

Lay lắt sống qua ngày

Gia đình bà Dung vốn chỉ có 5 người gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con. Tuy nhiên, cách đây 8 năm, em gái bà là Trần Thị Kiều đột ngột qua đời, để lại 12 người con và 6 đứa cháu không cha, không nơi nương tựa.

Không thể nhìn những đứa trẻ ruột thịt phải chịu cảnh lang thang hay vào trung tâm xã hội, bà nhận hết về nuôi. Lúc ấy, trong nhà bà, 23 người nương tựa, bám víu lấy nhau.

01

Bà Trần Thị Dung kể về chuyện nhận nuôi con và cháu của em gái.

Ngày nhận con cháu của em gái về nuôi, bà đang ở trọ cùng gia đình tại nhà một người tên Chín. Bà Dung kể: “Thấy tui nuôi đông quá nên bà mới biểu thôi chị thương em thì chị vô trong ruộng mướn ở đỡ đi. Thấy vậy, tôi chuyển vào đây ở đến giờ”.

Dù phải chuyển vào ở nhờ trong căn chòi chật hẹp thuộc đất dự án của một công ty tư nhân, bà vẫn vững tin vào quyết định của mình và hạnh phúc khi bên cạnh có người chồng cùng sẻ chia gánh nặng, lo toan cơm áo.

Nhưng chỉ được một thời gian, chồng bà cũng không thể chịu nổi cuộc sống đói khổ, đông đúc nên quyết định ra đi.

Video: Bà Dung chia sẻ về việc nhận nuôi con và cháu của em gái

Biết không thể ép chồng chịu khổ cùng mình, bà gật đầu đồng ý. Còn lại một mình, bà cố gắng nuôi cả con, cả cháu bằng nhiều nghề khác nhau.

“Hồi xưa tui giỏi lắm, đi buôn bán cho người ta, rồi đi làm thuê, làm mướn cũng đủ tiền ngày mua 3-4 ký gạo với ít đồ ăn cho mấy đứa nhỏ. Từ hồi bệnh đến giờ, tui không làm được gì” - bà Dung chia sẻ.

04

Nơi sinh hoạt chủ yếu của gia đình bà Dung.

Sức khỏe ngày càng yếu, không thể tiếp tục làm việc nặng nhọc, bà Dung đành bất lực nhìn những đứa trẻ trong gia đình sống lay lắt như đám cỏ hoang dại trước nhà. Nhưng dù cuộc sống khó khăn thế nào, bà vẫn không bắt chúng phải bươn chải bằng mọi giá khi còn nhỏ tuổi.

Bà Dung cho biết, gia đình hiện tại cũng đã ít người hơn trước, ai lập gia đình thì chuyển ra ở riêng. Những đứa khôn lớn chưa kết hôn cũng đi làm thêm để về phụ bà nuôi đám trẻ con còn lại trong nhà. Cứ thế, gia đình 18 người không giấy tờ tùy thân này nương tựa nhau để sống qua ngày.

Những đứa trẻ không tương lai

Vì đông người nên chưa bao giờ gia đình bà có một bữa ăn trọn vẹn, đầy đủ. Ai đói thì lấy một cái tô múc cơm vào ăn, ăn xong lại đến người khác, như thế cho đến người cuối cùng.

02

 Bữa tối của mỗi đứa trẻ trong gia đình chỉ có một chén cơm và ít đồ ăn.

Tất cả trẻ con trong nhà cũng không được đến trường mà chỉ đi học ở lớp học tình thương của cô Thúy ở gần nhà. Các em nhỏ trong gia đình cũng không có bất cứ loại giấy tờ gì chứng minh sự tồn tại của chúng trên đời.

Bà Dung bùi ngùi: “Tui không biết chữ, mấy đứa lớn cũng không biết chữ nên không biết đâu mà tính. Tui với mấy đứa con thì hộ khẩu ở quận 8. Em gái tui có 2 đời chồng, một người họ Kaghim, một người họ Huỳnh nhưng khi chết không để lại giấy tờ gì. Bữa trước, xã có xuống nói làm giấy tờ cho đám trẻ mà chưa biết kết quả”.

Hằng ngày, nếu không đến lớp học tình thương, lũ trẻ nhà bà Dung lại quanh quẩn ở nhà chơi với nhau chứ ít giao du với thế giới bên ngoài. Dòng kênh hôi hám trước nhà chính là nơi bọn trẻ thích thú nhất vì được bơi lội, nô đùa thỏa thích.

Chị Kaghim Samila (31 tuổi, cháu gái bà Dung) nói: “Bình thường, nước ăn thì đi mua theo can, còn tắm rửa với giặt quần áo thì ở cái kênh này”.

05

Vì trong nhà quá chật nên chị Samila làm một cái lều để ngủ ở ngoài trời.

Có lẽ vì sống trong môi trường ô nhiễm, ẩm thấp và chật hẹp như thế nên lũ trẻ không phát triển đúng như lứa tuổi của chúng.

Bữa ăn ngày mai có khi còn đứt đoạn, lại không được học hành, chúng chưa bao giờ nghĩ tới một tương lai xa hơn.

“Em chỉ muốn lớn nhanh để được đi làm kiếm tiền phụ cả nhà”, em Đinh Ngọc Sang (12 tuổi, con trai chị Samila) chia sẻ.

Có lẽ ước mơ đủ cơm ăn, áo mặc là những điều thiết thực nhất với đám trẻ trong nhà bà Dung. Thậm chí, có đứa còn chỉ có 1 ước mơ nhỏ nhoi là được có tên họ cho riêng mình.

Chị của Samila có một con trai tên Bin. Mẹ của Bin để em lại cho bà Dung rồi đi về Tiền Giang, đã lâu lắm rồi chưa quay lại. Cậu bé nói trong nụ cười buồn: “Em không biết tên thật của mình là gì. Em cũng muốn có tên hay như Sang”.

03

Bin (thứ 2 từ trái sang) chỉ muốn được biết tên thật của mình.

Được biết, hiện cả gia đình bà đang phải đi tìm nơi ở khác vì chính quyền cùng đại diện chủ đất liên tục xuống yêu cầu gia đình bà chuyển đi khỏi căn nhà đang ở tạm. 

Liên quan đến câu chuyện của gia đình bà Dung, đại diện xã Bình Hưng cho biết, xã vẫn đang trong quá trình kiểm tra, xác minh nên chưa có thông tin cụ thể.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn