Cấm bán rượu, bia trên mạng Internet liệu có giúp kiểm soát việc lạm dụng đồ uống có cồn?

Sức khỏeThứ Ba, 09/04/2019 19:14:00 +07:00

Quy định cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng Internet đang gây nhiều tranh cãi.

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia đang được hoàn thiện và sẽ được đưa ra biểu quyết tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có khá nhiều ý kiến tranh cãi về một số nội dung trong dự luật, trong đó có điều khoản quy định việc “cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng Internet”.

Thực tế quy định cấm bán rượu qua Internet đã có từ Nghị định 94/2012/ND-CP ngày 12/11/2012 về sản xuất và kinh doanh rượu, và tiếp đó là trong Nghị định 105/2017/ND-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 có quy định cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên trên Internet.

Tuy nhiên, theo Báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu tính theo độ cồn nguyên chất trên đầu người của nhóm tiêu dùng trên 15 tuổi, rượu vang và rượu mạnh hợp pháp tại Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 3% trong tổng lượng tiêu thụ đồ uống có cồn hợp pháp.  

Trong khi rượu nằm ngoài kiểm soát như rượu thủ công, rượu giả và rượu nhập lậu… lại chiếm gần 70% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn. Như vậy, vấn đề đặt ra là liệu cấm bán các sản phẩm chỉ chiếm chưa đến 3% tổng lượng tiêu thụ đồ uống có cồn có giúp kiểm soát vấn đề lạm dụng đồ uống có cồn hay không?

biaruou1

 

Theo nhiều chuyên gia, quy định trên chỉ hạn chế những hoạt động bán hàng hợp pháp và chính thống, trong khi người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng tìm và mua các sản phầm đồ uống có cồn trên mạng. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ đánh giá nào về tác động và hiệu quả của điều khoản cấm này đối với việc kiểm soát tiêu thụ các sản phẩm rượu.

Trong khi đó, khá nhiều quốc gia trên thế giới cho phép bán rượu, bia trên Internet, không phân biệt nồng độ cồn. Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương có Trung Quốc, Campuchia, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia, Philppines, và Singapore... Hay như những quốc gia phát triển khác như Pháp, Đức, Anh, và Mỹ cũng không cấm bán rượu, bia trên Internet.

Theo ý kiến của các hiệp hội trong ngành, việc cho phép bán rượu, bia qua Internet giúp cải thiện tính minh bạch và hỗ trợ công tác thu thuế khi giao dịch thanh toán được thực hiện bằng thẻ ngân hàng hoặc chuyển khoản, và từ đó, góp phần nâng cao tính minh bạch của hệ thống thuế. Sử dụng Internet cũng giúp phát hiện và ngăn chặn những trường hợp người mua đồ uống có cồn chưa đủ tuổi bằng cách sàng lọc thông tin của người mua và những giao tiếp hay tương tác của họ với người khác trên Internet.

Chính bởi vậy, quy định cấm này khiến hầu hết đại biểu Quốc hội tỏ ra lo ngại và đề nghị xem xét lại. Đại biểu Hà Thị Lan, đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang kiến nghị: “Tôi yêu cầu cân nhắc lại quy định này, vì quy định này không phù hợp với trào lưu phát triển của thương mại điện tử. Hơn nữa, tính khả thi của quy định này là không cao. Đề nghị thay vì cấm thì nên bổ sung quy định về các điều kiện chặt chẽ, kèm theo việc bán rượu, bia trên internet thì như thế nào để phù hợp hơn.”

Cần tăng cường công cụ quản lý, giám sát

Theo bản góp ý của Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh thuộc Hiệp hội thương mại Châu Âu, thay vì cấm thì Chính phủ nên cân nhắc cho phép nhưng gắn với các điều kiện kinh doanh cụ thể.

Theo đó, hoạt động bán rượu trên mạng Internet chỉ được phép áp dụng đối với các đối tượng đáp ứng các điều kiện về kinh doanh rượu, có giấy phép kinh doanh rượu và việc thanh toán cho các giao dịch mua bán phải được thực hiện bằng thẻ thanh toán ngân hàng hoặc chuyển khoản.

Các trang điện tử bán hàng cần có các công cụ xác minh độ tuổi của người mua hàng và người giao hàng phải chịu trách nhiệm kiểm tra giấy tờ tùy thân để xác minh độ tuổi của người nhận hàng. Các giao dịch phải đảm bảo tính minh bạch, thuận tiện để các cơ quan hữu quan thanh kiểm tra khi cần.

Hiện tại, Dự Luật đang được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ bảy Quốc hội khoá XIV diễn ra vào tháng 5 tới.

Trước đó, tại các cuộc thảo luận nhóm của các đại biểu Quốc hội vào ngày 12/11/2018 đã có 25/27 ý kiến của các đại biểu không đồng tình với quy định cấm bán rượu, bia trên Internet. Tương tự, 8/10 ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 16/11/2018 đề nghị xem xét lại việc cấm bán rượu, bia trên Internet vì quy định này thiếu tính khả thi và không phù hợp với xu hướng quốc tế. Chỉ có duy nhất một đại biểu đề nghị xem xét cấm bán rượu, bia có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên trên mạng Internet.

Minh Minh
Bình luận
vtcnews.vn