Cái Tết xa nhà ngậm ngùi của du học sinh Việt

Giáo dụcChủ Nhật, 29/01/2017 07:57:00 +07:00

Trong không khí náo nức tết đến xuân về, vẫn có những người con đi học xa nhà không được hưởng tết đoàn viên, có bạn phải làm việc trong phòng thí nghiệm, có người Tết vẫn trong phòng thi.

Thèm Tết… 'xịn'

Lê Hồng Hạnh đang làm tiến sĩ năm thứ nhất (PhD student) về ngành Hóa phóng xạ tại Pháp cho biết: "Tết năm nay là cái Tết thứ 3 em xa nhà. Tết năm nay cũng có một chút đặc biệt hơn 2 năm trước bởi vì năm nay Tết rơi vào cuối tuần.

Hong_Hanh_1_CGKS

Hồng Hạnh rất nhớ Tết quê nhà

Năm đầu tiên trên đất Pháp, Tết em đang làm việc trong phòng thí nghiệm, năm thứ 2 thì em đang trong phòng thi. Năm nay em sẽ có nhiều thời gian hơn để gọi điện về nhà, cũng như là cùng bạn bè chuẩn bị một chút gì đó có hương vị Tết”.

Với Hạnh, Tết Nguyên đán với em là một thứ rất truyền thống và rất gia đình. Tết là dịp để các thành viên trong gia đình được sum họp đầu đủ sau một năm làm việc ở khắp nơi.

“Ngày Tết mọi người cùng gói bánh chưng, đi chợ mua hoa, chậu quất hay cành đào để trang trí nhà cửa. Tết trong tâm trí em còn là mùi hương trầm thoảng thơm trong cái se se lạnh của những ngày đầu xuân”- Hạnh bày tỏ.

Hạnh cho biết, ở bên Pháp, mọi người vẫn cố gắng giữ gìn nét văn hóa Việt. Hội sinh viên thường tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, múa lân, làm bánh chưng, nấu các món ăn Việt Nam để những người xa quê bớt nhớ nhà.

“Tuy nhiên, ở đây không có không khí Tết giống ở Việt Nam. Mọi người vẫn phải đi học, đi làm, nói chung là… không phải Tết "xịn"”- Hạnh chia sẻ.

Ở Hàn Quốc không… có Tết

Trịnh Thị Thảo, thạc sĩ ngành kỹ sư môi trường tại trường đại học quốc gia Pusan (Hàn Quốc) cho rằng, môi trường sống và làm việc ở bên này rất tốt. Ngoài ra văn hóa và thắng cảnh ở đây rất phong phú, phương tiện đi lại thuận tiện nên những hoạt động vui chơi giải trí cuối tuần và khám phá các đặc sắc văn hóa ở Hàn có thể thực hiện một cách dễ dàng.

Thảo cho biết: "Có một năm em không ăn tết ở nhà là năm 2015 khi em đang rất háo hức được sang đây học nên đã sang trước Tết 3 tuần. Còn tết năm 2016 và năm nay em đã có kế hoạch về thăm nhà.

Tết đối với em là một dịp lễ quan trọng, một nghi thức thiêng liêng mà không thể bỏ bằng mọi giá. Tết khiến mọi người trong gia đình xích lại gần nhau hơn, là cơ hội để thể hiên những tình cảm chân thành nhất vì thế nên dù sẽ quay lại sau 1 tháng, em vẫn quyết định đặt vé về ăn tết vì chẳng có gì vui hơn cảm giác ngồi quây quần ấm cúng bên mâm cơm gia đình ngày tết, nhìn thấy niềm hạnh phúc của người thân”.

Cũng theo Thảo, ở Hàn Quốc, mọi người chỉ được nghỉ 3 ngày vào dịp Tết: “Ở Hàn Quốc ngày Tết không có cái rạo rực khi nhìn thấy hoa mai hoa đào. Nói chung ở đây không phải Tết”.

Làm thêm vào ngày Tết

Nguyễn Chí Cương, học viên tiếng Nhật tại Viện Giáo dục Quốc tế Aoyama (Nhật Bản), cho biết, đây là tết đầu tiên em xa nhà. Dù tết rơi vào cuối tuần nhưng việc học và làm thêm của Cương vẫn diễn ra bình thường trên đất Nhật.

Cuong

 Nguyễn Chí Cương (bên phải): Tết vẫn đi làm thêm

"Tết năm nay em vẫn đi học suốt và làm thêm nên ít thời gian để nhớ đến Tết ở nhà. Em vẫn đi làm thêm, đi chơi và tụ tập bạn bè cùng làm vài món truyền thống để có chút không khí của Tết dù xa quê hương.

Thời khắc giao thừa em sẽ gọi điện về hỏi thăm bố mẹ anh chị để vơi đi nỗi nhớ nhà”- Cương chia sẻ.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn