Cái Tết cuối cùng của dân khu ổ chuột ‘treo’ trên di sản thế giới ở Huế

Đời sốngThứ Sáu, 24/01/2020 20:05:00 +07:00
(VTC News) -

Những người dân khu Thượng Thành – Eo Bầu tự nhủ sẽ ăn Tết Nguyên đán thật to trước khi về nơi ở mới, trả lại cảnh quan cho Kinh thành Huế.

Theo kế hoạch của chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong quý I/2020, tỉnh sẽ bắt đầu đợt 1 cuộc di dân khu Thương Thành – Eo Bầu đến nơi ở mới. Như vậy, với nhiều người dân khu vực này, đây là cái Tết cuối cùng của họ trong những căn nhà ổ chuột “treo” trên di sản thế giới mấy chục năm qua.

Những cái Tết buồn ở ‘khách sạn ngàn sao’

Những ngày cuối năm 2019, chúng tôi lại tìm về khu Thượng Thành – Eo Bầu để xem không khí Tết của người dân ở đây ra sao. Điều khác biệt so với mọi năm là trên khuôn mặt họ có vẻ rạng rỡ hơn khi ra Tết Nguyên đán nhiều người trong số họ sẽ có chỗ ở mới để “an cư, lạc nghiệp”.

Tuy vậy, trong ký ức của nhiều người, họ vẫn chẳng thể quên những cái Tết nghèo ở nơi họ gọi vui là "khách sạn ngàn sao". Đó là cuộc sống ở khu mà bị người đời gọi là ổ chuột, chật chội và ô nhiễm.

Cái Tết cuối cùng của dân khu ổ chuột ‘treo’ trên di sản thế giới ở Huế - 1

Cuộc sống tại khu ổ chuột "treo" trên di sản thế giới nghèo nàn, ô nhiễm với những căn nhà mà người dân gọi vui là "khách sạn ngàn sao". (Ảnh: Đào Hằng)

Đó còn là những căn nhà tạm bợ lợp sơ sài bằng những tấm tôn hoen rỉ. Một số nhà khá khẩm xây được nhà tường gạch nhưng theo thời gian, những bức tường cũ phủ rêu xanh, một số vị trí còn nứt toác và thấm dột trong những ngày mưa bão.

Nhiều người muốn sửa sang lại những căn nhà để các thành viên trong gia đình an toàn hơn trong mùa mưa bão nhưng cái nghèo cứ bám lấy họ từ năm này sang năm khác khiến họ chẳng thể thực hiện.

Cứ như vậy, họ chấp nhận sống qua ngày và mỗi lúc tối xuống họ lại được ngắm nhìn bầu trời ngàn sao. Bên ngoài họ tỏ ra lạc quan và nói vui, tếu táo là vậy nhưng sâu thẳm bên trong là những nỗi lo gánh nặng áo cơm và một khao khát “an cư, lạc nghiệp”.

Cái Tết cuối cùng của dân khu ổ chuột ‘treo’ trên di sản thế giới ở Huế - 2

Ký ức buồn của những người cao tuổi sống ở khu Thượng Thành - Eo Bầu là những cái Tết không có người thân, con cái ở bên. (Ảnh: Đào Hằng)

Với những người dân khu Thượng Thành – Eo Bầu, Tết là dịp để họ gặp lại những người thân quanh năm suốt tháng mưu sinh nơi xứ người. Do đó, dù nghèo đến đâu, họ vẫn cố gắng để sắm sửa một cái Tết sao cho sung túc nhất.

Họ làm vậy để tạo niềm vui cho chính họ và những người thân trong gia đình để quên đi cuộc sống nghèo túng thường ngày. Thế nhưng, ở cái khu ổ chuột nghèo nàn ấy vẫn có những người nhiều năm phải đón Tết trong cảnh con cái, người thân không về xum vầy.

Đối với nhưng người cao tuổi như ông Hầu Văn Hiếu (74 tuổi) thì việc mong đến Tết được sum vầy với con cái là hạnh phúc lớn lao. Tuy nhiên, không phải cái Tết nào ông cũng được hưởng niềm vui ấy một cách trọn vẹn.

“Tết thì cũng phải làm mâm cơm cúng ông bà, phải đón Giao thừa cho có không khí Tết để cho ấm cúng gia đình… Con cái tiện thì mới về còn không thì chỉ có hai ông bà đón Tết với nhau thôi. Cuộc sống cũng vất vả, chật trội nên cũng phải hiểu cho hoàn cảnh các con”, ông Hiếu chia sẻ.

Ở Huế, mỗi dịp Tết đến Xuân về thì dù nhà nghèo đến đâu cũng phải có chậu cúc để chơi Tết nhưng với những người dân khu ổ chuột “treo” trên Kinh Thành Huế thì việc này có vẻ là điều xa xỉ. Đến cả việc trang trí ban thờ cũng khá sơ sài và cũng chẳng có điểm gì nổi bật hơn so với ngày thường.

Rất nhiều hộ ở khu Thượng Thành – Eo Bầu đón Tết trong cảnh không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn thiếu thốn về tinh thần. Do hoàn cảnh nên họ cũng chẳng than thân trách phận mà chỉ biết nén những tiếng thở dài, chấp nhận đón Tết trong cảnh nhàm chán và buồn tẻ.

Sẽ ăn Tết to trước khi về chỗ mới

Năm nay, những căn nhà của người dân khu ổ chuột Thượng Thành – Eo Bầu vẫn thế nhưng người dân có vẻ phấn khởi hơn, ai ai cũng t bật dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết Canh Tý.

Cái Tết cuối cùng của dân khu ổ chuột ‘treo’ trên di sản thế giới ở Huế - 3

Ra Tết, nhiều hộ dân khu Thượng Thành - Eo Bầu sẽ có nơi ở mới và đây là cái Tết cuối cùng của họ ở khu ổ chuột nghèo. Trong ảnh là cảnh ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế dẫn người dân Thượng Thành - Eo Bầu đi tham quan nơi ở mới.

Tâm trạng của người dân giờ đây là sự hỗn độn, họ vui vì sắp có chỗ ở mới để “an cư, lạc nghiệp” nhưng cũng buồn khi hoài niệm về cuộc sống nghèo nơi khu ổ chuột “treo” trên Kinh thành Huế: “Nhiều kỷ niệm lắm. Chưa đi đã thấy nhớ, huống chi mai này đi rồi, chắc buồn lắm”.

Là một trong những hộ đầu tiên lên ở Thượng Thành (đoạn gần cửa Đông Ba), đến nay, gia đình ông Đặng Văn Tố có ba thế hệ cùng sinh sống ở đây. Với ông Tố, ở đây, dù nhà cửa còn tạm bợ, con đông nhưng lại thuận tiện cho việc giao thương. Do gần chợ Đông Ba, gần đường Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng nên bà con mưu sinh thuận lợi. Nhưng ông cũng than "ở tạm bợ mãi cũng khổ".

“Lúc mới lấy vợ, tôi mua căn nhà này giá một chỉ vàng, đến nay hơn 30 năm. Nghe nói qua Tết sẽ đi, bà con ở đây phấn khởi lắm, đón Tết to hơn năm trước vì sắp có nhà mới.

Riêng tôi, dù khó khăn, cũng sẽ cúng một mâm tất niên thật lớn để báo cáo ông bà, tổ tiên cũng như thổ thần nơi đây, vì sắp phải rời đi. Cả nhà tôi sẽ tụ họp, chụp ảnh lưu niệm, để sau này nhắc nhở con cháu về một thời gia đình từng sống khó khăn ở đây”, ông Tố chia sẻ. 

Cách nhà ông Tố chừng 300m, nhà bà Nguyễn Thị Kim Cúc trên đường Xuân 68, gần cửa Thượng Tứ đang trang trí chậu hoa Tết bên hiên nhà. Năm nay 75 tuổi, sống ở Thượng Thành hơn 30 năm, bà Cúc nói: “Người dân chúng tôi đồng thuận di dời, miễn sao có chỗ ở mới ổn định là được”. 

Các hộ dân sắp được di dời trong đợt 1 chủ yếu làm lao động phổ thông, có đời sống khó khăn; nhiều thế hệ phải chung sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp, vệ sinh môi trường không đảm bảo, nên đã vui vẻ đồng thuận dời tới nơi ở mới để ổn định cuộc sống lâu dài.

Cái Tết cuối cùng của dân khu ổ chuột ‘treo’ trên di sản thế giới ở Huế - 4

Người dân khu Thượng Thành - Eo Bầu vui mừng khi giấc mơ "an cư, lạc nghiệp" của họ sắp trở thành hiện thực. (Ảnh: Đào Hằng)

Ông Trần Lượng (77 tuổi) kể, quê ông ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, ông đến TP. Huế vào những năm 1960 để bán bánh mì. Năm 1967, ông lấy vợ rồi sinh sống ở Thượng Thành này.

“Trước nay, qua bao nhiêu đời chủ tịch tỉnh, chúng tôi đã nghe nói chuyện di dời, tái định cư nhưng ngóng mãi không thấy. Phải đến bây giờ, dân mới tin vì tận mắt thấy chủ tịch tỉnh dắt dân ra coi nơi ở mới.

Ở đây quá khó khăn, nhếch nhác nhưng lâu nay không đi đâu sống được vì không có tiền. Mỗi lần dựng vợ, gả chồng cho con là thấy tội, vì tụi nó ở nơi nhà không ra nhà, mưa xuống là lấm lem bùn đất. Bởi vậy, bà con mong di dời sớm chừng nào hay chừng đó”, ông Lượng chia sẻ.

NGUYỄN VƯƠNG – ĐÀO HẰNG
Bình luận
vtcnews.vn