Cái Tết 'có miếng bánh, miếng thịt thơm nức' của tộc người chỉ có 600 nhân khẩu

Đời sốngThứ Hai, 27/01/2020 11:00:00 +07:00
(VTC News) -

Có tiền để ăn mừng năm mới một cách thịnh soạn, người Brâu, dân tộc ít người sống ở vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, bắt đầu mơ đến cuộc sống đủ đầy hơn.

Những ngày Tết, các nẻo đường thôn Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) tươi hơn bởi những đóa mai rừng. Hương rượu cần phảng phất tỏa ra từ nhà của ông Thao La - căn nhà sàn có mái dốc cao của người dân tộc Brâu - như dẫn lối chúng tôi.

Thấy có người ghé thăm, ông Thao La đon đả mời chào, và gọi thêm một vài người hàng xóm đến cùng tiếp chuyện. Bên hiên nhà, hàng chục bao lúa xếp chồng lên nhau gọn gàng, họ cùng nhâm nhi ché rượu cần mới ủ và tâm sự về năm qua.

Cái Tết 'có miếng bánh, miếng thịt thơm nức' của tộc người chỉ có 600 nhân khẩu  - 1

Vợ chồng ông Thao La chuẩn bị rượu và cơm nếp đãi khách.

Vừa mời khách thưởng thức rượu cần do chính tay mình ủ, ông Thao La vừa bộc bạch: “Mùa vụ cà phê năm nay thu hoạch xong rồi nên nhà mình chuẩn bị ủ thêm mấy ché rượu cần để chuẩn bị đón xuân sớm. Nhiều năm qua, có nguồn thu từ cây cà phê mang lại nên nhà mình làm tết to hơn để con cháu, người thân đến chúc tết ăn uống.

Mỗi mùa xuân đi qua, mình luôn ước mong đời sống ngày càng tốt đẹp hơn. Mong cho mưa thuận gió hòa để người dân còn làm ăn phát triển kinh tế, để những mùa xuân sau có tiền chuẩn bị Tết mà không phải đi vay mượn, con cháu được ăn thêm miếng bánh ngon với miếng thịt thơm phức”.

Chàng trai trẻ Thao Phước (người dân thôn Đăk Mế) ngồi cạnh đó tiếp lời: “Ngày trước người dân tộc Brâu đón xuân vào cuối tháng Chạp ăn mừng hết năm, đón chào năm mới. Nhưng từ ngày tiếp cận với người Kinh, người Brâu dần dần chuyển sang ăn tết vào mùng 1 tháng Giêng. Từ lúc mình sinh ra đã ăn Tết giống người Kinh rồi. Nhà nào cũng gói bánh chưng xanh để cảm nhận được không khí xuân sang, thức thâu đêm trông bánh bên bếp lửa vui lắm”.

Cái Tết 'có miếng bánh, miếng thịt thơm nức' của tộc người chỉ có 600 nhân khẩu  - 2

Người Brâu cùng nhau thưởng thức rượu cần.

Brâu là một trong những dân tộc ít người nhất của Việt Nam. Theo điều tra dân số năm 1999, dân tộc này chỉ có 397 người, sống tập trung ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y. Đến nay sau hơn 20 năm, tại thôn Đăk Mế có 165 hộ người Brâu với 570 khẩu, sống chung với đồng bào Xê Đăng, Ba Na...

Những năm qua, nhờ sự quan tâm Nhà nước, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và ý chí vươn lên của chính mình, tộc người này không chỉ có xu hướng tăng rõ rệt về nhân khẩu mà còn khởi sắc về đời sống kinh tế. Có tiền để ăn mừng năm mới, người dân bắt đầu dám mơ về cuộc sống đủ đầy hơn.

Cái Tết 'có miếng bánh, miếng thịt thơm nức' của tộc người chỉ có 600 nhân khẩu  - 3

Hoạt động văn hoá được tổ chức tại nhà rông của dân tộc Brâu.

Bên mái nhà rông truyền thống của người Brâu, bà Y Pan, 90 tuổi, già làng của thôn Đăk Mế, người nắm rõ những thăng trầm trong lịch sử dân tộc của người Brâu, trải lòng: “Dân nơi đây có được cuộc sống với nhiều đổi thay như hôm nay cũng nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nhiều năm qua, các cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được xây dựng, làm thay đổi bộ mặt thôn rất nhiều. Người dân nhờ đó cũng từng bước rời bỏ hủ tục, chăm chỉ hơn, biết tu chí làm ăn để có đồng tiền trang trải cho cuộc sống, già vui lắm”.

Mỗi độ xuân về, mang lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, người Brâu thả hồn vào tiếng chiêng và những điệu múa xoang. Vui xuân hết 3 ngày, họ lại trở về cuộc sống thường nhật, lên rẫy làm ăn để có năm mới ấm no hơn. 

HIỀN MAI - THANH HẢI
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp