Cải tạo chung cư cũ không khác gì húc vào đá

Kinh tếThứ Tư, 13/08/2014 07:50:00 +07:00

(VTC News) - Việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội hiện nay như húc phải đá do doanh nghiệp làm khó có lãi vì bị giới hạn bởi độ cao.

(VTC News) - Việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội hiện nay như húc phải đá do doanh nghiệp làm khó có lãi vì bị giới hạn bởi độ cao.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về vấn đề cải tạo chung cư cũ chiều 12/8.

Việc cải tạo chung cư cũ hiện nay tại Hà Nội đang vấp phải vấn đề lớn đó là quy hoạch tầng cao. Theo đó, trong 4 quận nội đô khi cải tạo nhà chung cư cũ ngoài việc tuân thủ quy hoạch thì tầng cao bị giới hạn 9 tầng trở xuống.
 

Trong khi đó, người dân đòi tái định cư tại chỗ với hệ số k cao ở mức cao 1,5 -2,5. Do vậy, doanh nghiệp mất cân đối tài chính, làm không có lãi vì vậy không doanh nghiệp nào mặn mà tham gia cải tạo chung cư cũ.

Tại Hà Nội đang có khoảng 1.100 khu chung cư cũ trong đó số lượng khu chung cư nguy hiểm mức độ C, D cần cải tạo là 68 khu. Trong đó, gần 10 năm qua Hà Nội mới chỉnh trang được 6 khu như I1, I2, I3 Thái Hà, khu Nguyễn Công Trứ, khu 51 Huỳnh Thúc Kháng…

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nêu rõ, vướng mắc lớn nhất trong vấn đề cải tạo chung cư cũ đó là việc cân bằng lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Do vậy, để kêu gọi được nhà đầu tư, thì Nhà nước phải điều chỉnh lại chỉ tiêu quy hoạch  để doanh nghiệp có lãi. Sở quy hoạch kiến trúc từng kiến nghị làm quy hoạch 1/500 trước, công khai kêu gọi nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, Lãnh đạo Sở Tài Chính cho rằng, khi làm dự án doanh nghiệp phải cân đối được tài chính tuy nhiên do  tầng cao bị giới hạn vì vậy doanh nghiệp bị mất cân đối tài chính do vây UBND TP Hà Nội cần xét xét hệ số tái định cư, quỹ nhà tái định cư và tính toán phương án tài chính phù hợp mới có thể khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Vị này đưa ra ví dụ, thí điểm cải tạo nhà N3 Nguyễn Công Trứ, ban đầu tổng mức đầu từ 503tỷ đồng. Dự kiến kinh phí thu hồi lại từ dân là hụt mất 322 tỉ đồng. Bài toán tài chính mất cân đối lớn khi chỉ có hơn 300 hộ nhưng Thành phố đã phải bù hơn 300 tỉ đồng. Do đó, cần phảiđánh giá, rút kinh nghiệm nhiều vấn đề nhất là về hỗ trợ kinh phí cho các dự án; vấn đề định giá cho các hộ dân.

Đại diện Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội cũng cho rằng, bất cứ 1 dự án nào thì nhà đầu tư phảitính toán cân đối tài chính, bởi nếu hạn chế tầng cao, họ sẽ mất cân đối tài chính. Mặc dù có một số ưu đãi như tiền sử dụng đất nhưng không thấm vào đâu so với mức độ mất cân đối tài chính. Hiện chưa có cơ chế hỗ trợ mất cân đối tài chính này.

Do vậy, thành phố buộc phải cho thực hiện dự án khu khác để bù vào. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp dài hạn. Vị này cho rằng, để doanh nghiệp có lãi it nhất tầng cao các khu chung cư phải được xây dựng là 11 tầng.


Tại buổi họp chiều nay, sau khi nghe ý kiến các Sở, ngành, đại diện doanh nghiệp, Bộ trưởngXây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, vấn đề cải tạo chung cư cũ cần phải được quan tâm đặc biệt. Nhất là trong bối cảnh, Chính phủ phê duyệt chung quy hoạch Thủ đô trong đó yêu cầu giảm mật độ dân số 4 quận nội đô từ 1,2 triệu dân xuống 800.000 dân/km2.

Thực tế cho thấy, do thiếu cơ chế chính sách nên lợi  ích của cả người dân, doanh nghiệp, nhà nước không được hài hòa. Do vậy, vấn đề cải tạo chung cư cũ gặp rất khó khăn.  Thêm vào đó, Hà Nội chưa có khu tái định cư ở vị trí tương xứng nên không tạo được sức hút của người dân trong vấn đề dời tái định cư….

Bộ trưởng Xây dựng đề xuất với Hà Nội nghiên cứu cơ chế mới trong vấn đề cải tạo chung cư cũ. Đó là thay vì để doanh nghiệp tự đứng ra thỏa thuận với dân, Nhà nước sẽ đứng ra giải phóng mặt bằng sau đó giao cho doanh nghiệp làm.

Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng cơ chế chính sách riêng về vấn đề này và sắp tới Bộ sẽ kiến nghịChính phủ xem xét cho nâng tầng cao dựa trên các cơ sở khoa học.

Liên quan đến một số chung cư cũ đang xuống cấp nghiêm trọng, Bộ trưởng yêu cầu các sở ngành phải tiến hành gia cố khẩn trương để đảm bảo an toàn cho người dân đang sinh sống.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng, tới đây thành phố sẽ đề xuất với Chính phủ về những vấn đề liên quan đến cải tạo, tái thiết lại các khu chung cư cũ.

Hà Nội và Bộ Xây dựng sẽ cùng thống nhất về một số nội dung đề xuất với Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội là nơi có quỹ nhà chung cư lớn nhất cả nước.

Hầu hết các nhà xây dựng thời kỳ 1960, nhiều nhà xuống cấp đến mức độ nguy hiểm như B6, C1 Giảng Võ và hiện nay là C8. Việc tái thiết lại là nhiệm vụ quan trọng, được thành phố quan tâm. Sự đồng thuận, nhận thức đang là rào cản, thách thức cho quá trình thực hiện cải tạo chung cư cũ.

"Đề nghị, thống nhất quan điểm coi việc xây dựng, tái thiết nhà chung cư cũ là trách nhiệm của nhà nước, chính quyền các cấp và của người dân, không đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp", ông Thảo nhấn mạnh.

Ông Thảo cũng đề nghị Chính phủ ban hành quy định về trách nhiệm của chính quyền trong tái thiết, đối tượng là nhà chung cư do nhà nước xây dựng, đã bán, cho thuê, bây giờ tiến hành xây dựng lại khi nhà xuống cấp, nguy hiểm, hết tuổi thọ.

Khi đã là quy định bắt buộc về trách nhiệm thì kể cả người dân ở tầng 1 hay tầng trên đều phải có trách nhiệm. Nhà hết tuổi thọ, nguy hiểm, xuống cấp, cần xem xét điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn mới về cấp độ, trong đó tính đến yêu cầu về chống động đất. lấy quy chuẩn về chống động đất để áp vào chung cư cũ vì hiện nay tất cả các chung cư cao tầng đều phải tuân thủ quy định về chống động đất.

Đề nghị ban hành phương thức cải tạo, tái thiết nhà chung cư cũ, hiện chỉ có một phương thức – doanh nghiệp phải có quỹ nhà tạm cư, đây là điều kiện không thể thực hiện với đại bộ phận doanh nghiệp, quy trình này quá gò bó.


Cần quy định phương thức đa dạng, nên chăng việc di dời thực hiện theo quy hoạch, xây dựng khu đô thị mới để di dời, mua lại diện tích nhà cũ theo cơ chế thị trường, có kiểm định giá của cơ quan chuyên môn.

"Để làm khu Nguyễn Công Trứ, lúc đầu thành phố đã thống nhất hỗ trợ tái tạo cho hạ tầng của toàn khu; bù chi phí cho việc không được xây dựng cao tầng, không cho gia tăng dân số, thành phố Hà Nội phải bù ra 1.800 tỷ đồng", ông Thảo dẫn chứng.

Châu Anh 
Bình luận
vtcnews.vn