Cái chết oan lạ lùng của Lữ Anh Dồi: 'Diện kiến' Tổng bí thư để kêu oan

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 08/11/2016 07:30:00 +07:00

Chuyển biến mới cho vụ án oan này, là khi bà Mai có cơ duyên “diện kiến” lãnh đạo cao nhất của đất nước.

9 năm sau vụ án, những kẻ liên quan đến cái chết, sự oan khuất của Lữ Anh Dồi vẫn chưa bị công lý trừng phạt. Hành trình kêu oan cho chồng của vẫn chưa dừng lại. Chuyển biến mới khi bà Mai có cơ duyên “diện kiến” lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Những năm tháng công lý bị vùi lấp

Vì kêu oan cho chồng, bà Nguyễn Thị Mai buộc phải rời khỏi ngành giáo dục, bà trở về nhà cha mẹ, sống cuộc đời thầm lặng. Đó cũng là thời gian khủng khiếp nhất khi bà phải đối diện với dư luận. Những người thân trong gia đình hết lời khuyên ngăn bà, mọi người đều nhìn thấy “ngõ cụt” mà bà Mai đang đi.

Nhưng, những câu hỏi: “Ai giết anh Dồi? Tại sao lại giết anh Dồi?” cứ lẩn vẩn trong đầu, lời thề trước mộ chồng vẫn trong tâm trí bà. Đều đặn mỗi năm, những đơn thư kêu oan của bà vẫn được gửi đến các cơ quan chức năng, từ Trung ương đến địa phương.

2 năm sau ngày nghỉ dạy, vì trường thiếu giáo viên, bà Mai được gọi trở lại trường làm việc dưới hình thức hợp đồng. Bà Mai kể: “Tôi lao vào công việc, tôi không để bản thân mình được rảnh rang. Bởi mỗi lần không làm việc gì thì hình ảnh của anh Dồi cứ hiện hữu trong đầu tôi. Thời gian cứ trôi qua, vụ án của chồng tôi vẫn chìm trong nỗi tuyệt vọng”.

Trở lại với công việc, bà Mai có cơ hội tiếp xúc với nhiều thông tin có lợi cho việc kêu oan cho chồng. Vụ án của Lữ Anh Dồi lúc ấy lại được nhiều người biết tới. Nhiều người đồng cảm, ủng hộ bà Mai kêu oan cho chồng.

Một trong những sự ủng hộ đó là từ Báo Minh Hải, đó cũng là thời điểm mà vụ án đã trôi qua được 8 - 9 năm. Bài báo đầu tiên được tờ báo này đăng tải trong mục báo chí công khai với tựa đề: “Tiếng kêu thống thiết của chị Nguyễn Thị Mai”.

Nội dung được đăng tải là lá đơn đẫm nước mắt của bà Mai. Hàng trăm câu hỏi được đặt ra, đau đáu suốt gần 1 thập kỷ qua. Nhà báo Dương Thanh Long và Trần Thành Nên của Báo Minh Hải, là 2 cây bút được phân công để điều tra, tìm hiểu vụ án còn nhiều điểm nghi vấn này.

Sát cánh bên bà Mai chính là nhà báo Dương Thanh Long, ông đã không quản ngại khó khăn, vất vả để lao vào cuộc chiến tìm công lý.

1476422620_vu-an-oan-la-lung-cua-lu-anh-doi-1

Lữ Anh Dồi và bà Mai sau ngày cưới 

Ông Long chia sẻ: “Lúc mới nhận đơn thư của bà Mai, với linh cảm của nghề nghiệp tôi nhận thấy vụ án này còn nhiều uẩn khúc. Lúc ấy tôi chỉ mới vào nghề, chập chững vài năm, vụ án Lữ Anh Dồi tôi đã từng nghe qua nhưng chưa bao giờ được tiếp xúc trực tiếp hồ sơ”.

Càng lắng nghe bà Mai, ông Long càng trân quý sự can đảm, kiên trung của người phụ nữ này. Gần 10 năm qua, bà Mai chưa bao giờ nguôi ngoai tâm nguyện giải oan cho chồng. Nhiệt huyết ấy khi gặp được người biết lắng nghe đã có khả năng truyền tải vô cùng ấn tượng. Ông Long sau khi nắm hết sự tình đã hạ quyết tâm, sát cánh cùng bà Mai trong hành trình truy tìm sự thật này.

Năm 1988, sau một thời gian tìm hiểu, ông Long biết được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có sinh sống ở Sài Gòn. Biết được địa chỉ, ông Long bàn với bà Mai và 1 người bạn, cả 3 người chuẩn bị tư trang lên Sài Gòn. Họ ở nhờ nhà người quen để tìm cơ hội gặp Tổng Bí thư.

Chờ đợi suốt nhiều tuần mà không có kết quả, cả 3 người lại trở về Minh Hải. Từ đó, bà hạ quyết tâm, bằng mọi giá phải gặp được người lãnh đạo cao nhất để kêu oan.

Được người rước tới gặp Tổng bí thư

Dịp may hiếm có, trong năm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dành thời gian đến Minh Hải để thăm và làm việc. Nhận được tin này từ nhà báo Long, bà Mai rối bời tìm cách để gặp Tổng Bí thư.

Bà Mai không giấu được hồi hộp, kể: “Tôi có đăng ký gặp bác Linh, nhưng mấy anh bên ủy ban bảo rằng đợt làm việc này bác Linh không có kế hoạch tiếp dân. Nhưng nếu bỏ lỡ cơ hội này, tôi sẽ không còn cơ hội nào tốt hơn nữa để kêu oan cho chồng, tôi quyết nắm bắt lấy”.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà báo Long, bà Mai đi từ cửa sau của UBND tỉnh Minh Hải, vượt qua nhiều trạm gác để tiến vào phía trong. Nhưng khi còn cách Tổng Bí thư đúng 1 cánh cửa thì bà Mai bị lính gác giữ lại. Nhìn thấy bà Mai tay cầm di ảnh chồng, đầu quấn khăn trắng, lính gác hoảng hồn đưa bà Mai ra khỏi ủy ban.

1476421429_cai-chet-cua-lu-anh-doi-4

Bà Mai hạ quyết tâm bằng mọi giá phải gặp được người lãnh đạo cao nhất để kêu oan 

“Tôi buộc phải trở về, nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi về tính lại, phải có cách nào đó để gặp được bác Linh, đó là hy vọng cuối cùng của tôi”, bà Mai kể.

Trong lúc thất thểu trên đường ra về, bà Mai được nhiều phụ huynh học sinh và người dân nhận ra. Họ hiếu kỳ kéo theo bà Mai suốt một đoạn đường dài. Thông tin bà Mai đi gặp Tổng Bí thư để kêu oan cho chồng được lan rộng nhanh chóng, hàng trăm người dân cùng kéo theo bà Mai để bảo vệ cho bà.

Việc này, khiến Công an phường 2 của thị xã Cà Mau lúc bấy giờ vô cùng khó xử. Họ cho xe ra rước bà Mai vào trụ sở để người dân ra về. Nhưng chính vì hành động này, người dân cho rằng bà Mai đi kêu oan cho chồng bị bắt khiến họ càng nhốn nháo lên.

“Họ kéo đến vây kín trụ sở Công an phường 2, đòi công an thả tôi ra. Mấy chú công an lúc đó cũng phát hoảng, tôi mới nói với mấy chú cho tôi ra giải thích với bà con rằng tôi không bị bắt. Có như vậy, bà con mới chịu tin và ra về. Tôi được mấy anh công an đưa về tận nhà”, bà Mai kể chuyện.

Trở về nhà, bà Mai đang lo lắng suy nghĩ không biết bằng cách nào để gặp được Tổng Bí thư thì bất ngờ 3 ngày sau, có chiếc ô tô chạy đến đỗ trước nhà bà. Các cảnh vệ, công an tìm gặp bà thông báo Tổng Bí thư cho gọi bà đến gặp.

Suốt đoạn đường ngồi trên xe tới ủy ban, bà vừa mừng vừa lo, những cảm xúc lẫn lộn đan xen. Sau này bà Mai biết được, để có buổi gặp mặt “lịch sử” này là nhờ vào các lãnh đạo tỉnh Minh Hải lúc bấy giờ đã khéo léo sắp xếp, an bài.

Đến nơi, bà Mai ngồi chờ ở phòng khách ủy ban ít phút. Tổng Bí thư xuất hiện giản dị, gần gũi trong chiếc áo trắng, khuôn mặt hiền hậu.

Bà Mai xúc động nhớ lại: “Bác chủ động chào tôi trước, hỏi thăm sức khỏe tôi. Bác rất nhẹ nhàng, dịu dàng như bậc cha chú trong gia đình vậy. Điều đó khiến tôi an tâm hơn rất nhiều. Sau khi thăm hỏi xong, bác bảo tôi có 30 phút để trình bày việc của mình”.

Trong 30 phút ấy, vị lãnh đạo cao nhất của dân tộc đã lắng nghe hết sức chăm chú còn bà Mai cũng đã trút hết nỗi lòng chất chứa suốt 9 năm qua. Câu chuyện kết thúc với lời động viên của Tổng Bí thư. Và, quan trọng hơn là lời hứa sẽ sớm đưa vụ việc ra xét xử.

Bà Mai trở về nhà, lòng nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân. Sau gần 10 năm, đây là lần đầu tiên vụ án của Lữ Anh Dồi có một chuyển biến lớn như vậy.

Lại nói về Thái Văn Hùng, kẻ bắn chết Lữ Anh Dồi. Sau khi vụ án xảy ra, Hùng được lên lon thiếu úy vì lập công lớn. Nhưng kề sau quyết định lên chức cũng chính là quyết định tạm giam để điều tra vụ án. Trong quá trình điều tra, Hùng một mực khẳng định đã làm tròn chức trách của mình. 

Mọi người đều trông đợi 1 bản án công tâm, pháp luật được thực thi để kẻ có tội phải đền tội và người chết oan lấy lại danh dự.

1476421552_vu-an-oan-la-lung-cua-lu-anh-doi-4

Vụ án Lữ Anh Dồi được Báo Minh Hải in thành tập san 

Trước đó, Thái Văn Hùng đã khai nhận hành vi bắn Lữ Anh Dồi là thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Ngọc (tức Nguyễn Văn Thụ) trung tá, Phó ty Công an Minh Hải lúc bấy giờ.

“Ông Ngọc có trách nhiệm rất lớn trong cái chết của chồng tôi. Nhưng sau khi chồng tôi chết, ông ấy lên chức rồi đi học ở nước ngoài. Suốt 10 năm, ông ấy vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”, bà Mai bức xúc nhớ lại.

Theo bản án sơ thẩm, Hùng ngoan cố cho rằng, Lữ Anh Dồi là kẻ phản quốc móc ráp với quân ngụy để đưa người vượt biên. Sự việc này đã bị người khác phát giác và báo cho ông Ngọc, nên ông Ngọc quyết định cài Hùng vào làm nội gián để phục bắt Lữ Anh Dồi.

Xét thấy vai trò của ông Ngọc trong vụ trọng án này, cơ quan công tố đã yêu cầu phía Ty Công an Minh Hải có hồ sơ về cái chết của Lữ Anh Dồi. Để trót lọt, Ngọc chỉ đạo cho cấp dưới làm hồ sơ khống (báo cáo 005) gọi là “Vụ án chính trị nội bộ” để vu khống cho Lữ Anh Dồi tội phản quốc.

1476640328_vu-an-oan-cua-lu-anh-doi-1

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Đào Ngọc Dung (thứ 3 từ trái sang) và tiếp ông Cung (thứ 2 từ trái sang) và bà Mai 

Đồng thời Ngọc thêm vào đó những chứng cứ giả để xác nhận có 1 vụ vượt biên mà Lữ Anh Dồi chuẩn bị cho 53 người lên chuyến tàu 3209. Thực chất đây là kế hoạch do Ngọc và Hùng đã xếp đặt từ trước để đưa Lữ Anh Dồi vào kịch bản phản quốc!

Trên cơ sở tình tiết và các đánh giá tính chất của vụ án, sự thật đã tỏ bày! Tòa án Quân sự Quân khu 9 đã tuyên Nguyễn Ngọc 15 năm về tội “Giết người”, 3 năm về tội “Vu khống”; Thái Văn Hùng chung thân về tội “Giết người”.

Trước đó, Viện Kiểm sát cùng cấp truy tố Nguyễn Ngọc hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” chứ không phải “Giết người”. Tuy nhiên, tòa cùng cấp vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Kết thúc phiên tòa không lâu, Nguyễn Ngọc có đơn kháng cáo bảng án sơ thẩm.

Sau đó, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cũng có kháng nghị đề nghị đổi tội danh “Giết người” của Nguyễn Ngọc sang tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Báo chí thời điểm đó cũng ghi nhận, trong phiên tòa sơ thẩm này, 2 bị cáo Ngọc và Hùng vẫn quanh co không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hơn ai hết, Ngọc là người trong ngành, là lãnh đạo của ngành công an vũ trang lúc bấy giờ, ông thừa biết khai những gì để có lợi cho bản thân mình.

Hơn nữa, sự thăng quan tiến chức của Ngọc sau cái chết của Lữ Anh Dồi, sự trốn tránh gần 1 thập kỷ mà không bị lôi ra trước ánh sáng công lý của Ngọc thể hiện một điều có những “bàn tay vô hình”, bao bọc lấy bị cáo này.

Cuộc chiến pháp lý về tội danh của Nguyễn Ngọc vẫn chưa dừng lại ở đó. Tháng 4/1989, Tòa án Quân sự Trung ương xét xử phúc thẩm, tại phiên tòa này kiểm sát viên giữ quyền công tố đã rút kháng nghị, đồng tình với tội danh “Giết người” của Nguyễn Ngọc.

Bà Mai nhớ lại: “Sau phiên tòa sơ thẩm, không chỉ ông Ngọc mà tôi cũng có đơn kháng cáo. Tôi không đồng tình với mức án của ông Ngọc, tội của ông ấy phải chịu mức án cao hơn”.

Kết thúc, tòa tuyên Thái Văn Hùng được giảm án còn 18 năm tù về tội “Giết người”. Nguyễn Ngọc tăng án 20 năm cho tội “Giết người”, 3 năm tội “Vu khống”.

1476640273_vu-an-oan-cua-lu-anh-doi-2

Nơi ông Lữ Anh Dồi bị bắn 

Những tưởng tội danh của Nguyễn Ngọc và Thái Văn Hùng đã rõ, nhưng vụ án vẫn chưa thể kết thúc. Sau phiên tòa sơ thẩm, Viện trưởng VKS tối cao lúc bấy giờ đã có kháng nghị giám đốc thẩm, cho rằng Nguyễn Ngọc chỉ phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vu khống”.

Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao đã bác kháng nghị này, và giữ nguyên bản án phúc thẩm. Sau đó, VKS Tối cao có kháng nghị lần thứ 2 (luật thời điểm đó cho phép) nhưng vẫn bị hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tiếp tục bác kháng nghị.

Vụ án Lữ Anh Dồi chính thức được khép lại, nhưng hậu quả của nó thì cho đến ngày nay vẫn chưa thể khắc phục. Lữ Anh Dồi đã trong sạch, nhưng danh dự của ông thì bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn ai hết, bà Mai - vợ Lữ Anh Dồi chính là người biết rõ điều đó nhất. Để lấy lại danh dự cho chồng, người phụ nữ này tiếp tục dấn thân vào một cuộc chiến khác.

Hành trình thứ 2 kéo dài 27 năm

Sau bản án dành cho Nguyễn Ngọc và Thái Văn Hùng, bà Mai đã phần nào nhẹ lòng. “Bao nhiêu năm kiên trì kêu oan cho chồng, lúc đó tôi nghĩ mình đã có thể ngủ ngon giấc. Trong những bản án tòa tuyên, có kiến nghị giải quyết, phục hồi chế độ cho chồng tôi.

Tôi cũng nghĩ rồi mọi việc sẽ tốt đẹp. Có ngờ đâu, từ đó đến nay đã 27 năm, chồng tôi vẫn không có một danh phận nào ngoài bản án đã tuyên không phản bội tổ quốc”, bà Mai xót xa trình bày.

Theo lời bà Mai, sau khi nộp hồ sơ xin công nhận liệt sĩ cho chồng, đều đặn mỗi năm 1 đến 2 lần, bà đều đến Sở LĐTB&XH tỉnh để hỏi thăm tình hình. Đáp lại những thắc mắc của bà Mai, sở ngành liên quan đều cho rằng vụ việc này phải chờ rất lâu mới có kết quả.

Vài năm sau, bà Mai tiếp tục đi hỏi nữa thì có khá hơn, khi nhận được câu trả lời đã gửi hồ sơ về Trung ương, bà hãy yên tâm chờ. Thấm thoát, bà Mai cũng đã chờ đợi được… 27 năm. Hồ sơ để công nhận 1 chiến sĩ công an như Lữ Anh Dồi là liệt sĩ thực chất cần những gì? TAND Tối cao đã có kiến nghị phục hồi chế độ chính trị và giải quyết chế độ chính sách cho ông Dồi.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Minh Hải từ năm 1991 cũng đã có giấy báo tử thể hiện Lữ Anh Dồi đã hy sinh và xác nhận trường hợp của ông Dồi là được phân công đi công tác. Hồ sơ của các ngành liên quan đã thể hiện rõ, thế nhưng tấm bằng liệt sĩ của ông Dồi vẫn chưa thể đặt cạnh di ảnh của ông.

Đó là sự nhức nhối của bà Mai và những người thân trong gia đình ông Dồi phải chịu đựng suốt mấy chục năm qua.

Bà Mai thiết tha tâm sự: “Tôi mong chồng tôi được công nhận là liệt sĩ không phải vì mong được hưởng chế độ gì từ ông ấy. Điều quan trọng đó chính là cách duy nhất chứng minh sự trong sạch của chồng tôi, cũng là cách để chồng tôi lấy lại danh dự.

Tôi chờ đợi bao năm qua, liệu tôi có thể chờ mãi được không? Cha mẹ, anh chị em của anh Dồi đã nhiều người cũng mong có ngày chồng tôi được công nhận liệt sĩ mà cho đến khi nhắm mắt vẫn không thấy được điều đó”.

Sự chờ đợi của bà Mai cứ mỏi mòn từ năm này qua năm khác. Cuộc sống của bà cũng diễn ra trầm lặng như mọi ngày. Từ lúc chồng mất, bà Mai vẫn cố sống vì lời thề máu trước mộ chồng. Lý tưởng của cuộc đời bà chỉ xoay quanh người chồng đã mất.

Để khỏi cô đơn lúc về già, bà nhận nuôi 1 đứa cháu con của người chị ruột và xem như con đẻ. Về công việc, bà Mai vẫn gắn liền với bảng đen, phấn trắng và cống hiến hết tâm huyết của mình vào sự nghiệp giáo dục ấy.

Hiện bà Mai đã nghỉ hưu được vài năm qua. Chính ở thời gian nghỉ hưu này, những suy nghĩ về người chồng đã khuất lại trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng người phụ nữ này. Mỗi lần ngước nhìn bàn thờ chồng, bà Mai lại đau đáu về danh phận của người đàn ông mang tên Lữ Anh Dồi ấy.

Cuối cùng, động cơ giết Lữ Anh Dồi của Nguyễn Ngọc là vì lý do gì? Hành trình tìm lại danh dự cho Lữ Anh Dồi của bà Mai có biến chuyển không? Liệu vụ án này có kết thúc có hậu? Cuộc sống của những kẻ có tội với Lữ Anh Dồi hiện giờ ra sao? 

Vì sao Lữ Anh Dồi chết oan?

Đó là câu hỏi của rất nhiều người dân Minh Hải và cho đến nay là 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, vẫn còn thắc mắc. Nhà báo Dương Thanh Long, 1 cây bút điều tra xuất sắc của báo Minh Hải thời điểm đó ý kiến: “Rất khó để làm rõ động cơ giết Lữ Anh Dồi của Nguyễn Ngọc”.

Tuy nhiên, theo ông Long, dư luận thời điểm đó cho rằng, nguyên do Lữ Anh Dồi chết là vì có thể biết được những việc làm sai trái của Ngọc. Cụ thể là chính Ngọc đã móc nối để tổ chức nhiều cuộc vượt biên trái phép để lấy vàng của người dân.

Những vụ vượt biên này không chỉ mình Ngọc thực hiện mà còn liên quan đến một số “sếp” thời ấy. Chuyện động trời này bị Lữ Anh Dồi phát hiện. Biết không thể giấu được mãi, Ngọc quyết đinh ra tay trước. Để bảo đảm cho sự an toàn của mình, Ngọc quyết định “hạ thủ” Lữ Anh Dồi để bịt đầu mối.

Theo bản án sơ thẩm, Lữ Anh Dồi và Thái Văn Hùng có quen biết nhau từ năm 1977. Vào khoảng tháng 2/1979, trong một lần gặp nhau, Dồi đề nghị Hùng cho mượn tàu để bắt những người vượt biên trốn ra nước ngoài. Hùng đáp lại, phải báo cáo lên cấp trên.

Sau đó vài ngày, Hùng về báo cáo lại với cấp trên với một nội dung hoàn toàn khác. Hùng báo cáo rằng Lữ Anh Dồi có quan hệ móc nối với sĩ quan ngụy và một số phần tử khác trốn đi nước ngoài.

Lúc này Nguyễn Ngọc là thủ trưởng trực tiếp quản lý và chỉ đạo công việc cho Lữ Anh Dồi. Hùng có sang báo cáo cho Ngọc nội dung rằng Lữ Anh Dồi có quan hệ móc nối với sĩ quan ngụy. Ngay hôm sau, Ngọc triệu tập cuộc họp Đảng ủy và Ban Chỉ huy để nghe Hùng báo cáo về nội dung đó.

Không ai có ý kiến gì, và Ngọc nhận sẽ giải quyết vụ việc này. Để hợp thức, Ngọc có báo cáo lên Trưởng Ty Công an Minh Hải lúc bấy giờ là ông Nguyễn Viết Thống, rằng Lữ Anh Dồi có tư tưởng tiêu cực, sa sút nhân phẩm, có hành vi phản bội, có ý định cùng Thái Văn Hùng móc nối với sĩ quan ngụy và cha cố để cướp tàu, cướp vũ khí trốn đi nước ngoài.

Ngọc đề nghị cho Hùng cài bẫy theo bắt Dồi và những người vượt biên. Nghe xong, ông Thống có ý kiến, nếu Dồi có sai sót gì thì gọi về để kiểm điểm, giáo dục! Nhưng Ngọc bất chấp, không nghe.

Sau đó, ông Ngọc chỉ đạo cho Hùng chủ động móc nối, tổ chức vượt biên để lừa người dân, đưa Lữ Anh Dồi vào bẫy. Về phần Ngọc, ông tiếp tục tung lên cấp trên những thông tin sai trái về thiếu úy Lữ Anh Dồi, về cuộc đào tẩu, cướp tàu để đi nước ngoài…

Những thông tin Ngọc tung ra đã phát huy hiệu quả, nhưng Dồi thì không biết gì. Riêng Dồi nghe ngóng được và 2 lần báo cáo lên Đại đội trưởng Đại đội cơ động Công an vũ trang, rằng có người móc nối đi vượt biên, đề nghị cho bắt. Đại đội trưởng báo cáo lên với Nguyễn Ngọc, Ngọc gạt tay mà nói rằng người tổ chức, móc nối đi vượt biên chính là Dồi!

Ông Trương Hoàng Danh, Trợ lý Bảo vệ Công an vũ trang khi nghe tin báo Dồi phản quốc thì gặp ông Ngọc đề nghị đặt máy ghi âm để kiểm tra, xác minh, nhưng Ngọc không chịu. Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang thời ấy cũng đã cử người xuống nhắc nhở rằng không dùng người nội bộ cài bẫy đánh người nội bộ.

Và Bộ Tư lệnh đề nghị Ngọc cho gọi Dồi về để kiểm điểm, giáo dục. Nhưng đối với Ngọc, để thực hiện âm mưu đê hèn của mình, vẫn bất chấp bỏ ngoài tai. Ngọc tuyên bố, đây là việc của địa phương, địa phương sẽ chịu trách nhiệm.

Do đó, ông Trương Hoàng Danh gặp Thái Văn Hùng, dặn dò cẩn thận phải bắt sống Lữ Anh Dồi, nhưng Hùng vẫn tỏ thái độ sẽ bắn chết Dồi. Ông Danh báo việc này cho Ngọc, Ngọc đáp lại: “Nếu nó (chỉ Dồi - PV) ngoan cố thì bắn chết”. Như vậy, bước đầu Ngọc và Hùng đã hợp thức hóa được cái chết trong tương lai của Lữ Anh Dồi.

Lữ Anh Dồi chết như thế nào?

Sau mội thời gian chuẩn bị, Ngọc và Hùng quyết định thực hiện kế hoạch vào lúc 1 giờ chiều, ngày 27/3/1979. Trước khi thực hiện, Ngọc cho họp Ban Chỉ huy, báo kế hoạch vây bắt. Ngọc chỉ đạo cho thuộc cấp và nhóm vây bắt gồm 12 người mai phục sẵn quanh cửa hàng thu mua hải sản, nơi Hùng và Dồi sẽ có mặt ở đó.

Ám hiệu là khi Hùng bỏ mũ xuống là tàu đã đến, Hùng đội mũ lên là khách đã lên tàu, lúc đó nhóm này sẽ lao ra bắt. Trước đó, trong cuộc họp, Hùng đặt vấn đề nếu có sự chống cự thì xử lý như thế nào, thì 1 đồng chí cho phép Hùng bắn bị thương.

Nhưng Ngọc thì công bố phải bảo vệ lực lượng bằng được, và bắn tiêu diệt! Hùng và Ngọc thực chất đã hiểu nhau trước đó, lần này phải bắn chết Lữ Anh Dồi để trừ hậu họa, bởi Dồi đã biết quá nhiều.

1476421289_vu-an-oan-la-lung-cua-lu-anh-doi-3

Thái Văn Hùng chuẩn bị hầu tòa 

Kế hoạch đã chuẩn bị xong, “thiên la địa võng” đã được bày bố. Ngọc cũng thông báo với Ban Lãnh đạo Ty Công an, rằng việc này sẽ thực hiện trong 15 phút. Ngọc cũng lên xe, có mặt tại Hộ Phòng, gần nơi thực hiện kế hoạch.

Sau khi 53 người vượt biên đã xuống tàu, Hùng và Dồi vẫn đi lại quanh khu vực bến tàu. Lúc này xe của Ngọc cũng vừa tới, Hùng vẫy tay cho xe quay lại. Đúng lúc này, Hùng đội mũ lên đầu ra ám hiệu hành động.

Đồng thời, Hùng cũng rút khẩu K54 trong cạp quần, súng cướp cò, nổ xuống sàn. Dồi giật mình nhìn ngang thì Hùng đã chĩa súng ngang mặt, Dồi đưa tay rồi chỉ kịp thốt lên: “Mày bắn tao sao Hùng?”.

Hùng lạnh lùng bắn 1 phát đạn xuyên qua tay Dồi rồi găm thẳng vào gáy. Dồi ngã xuống, Hùng bắn thêm 2 phát nữa, khiến Dồi chết ngay tại chỗ…

Về phần cái chết của Lữ Anh Dồi, Ngọc sai người đem đi chôn cất tạm bợ và không lập bất cứ một biên bản hiện trường nào. Và phải 2 ngày hôm sau, Ngọc mới sai người báo cho Viện Kiểm sát biết.

Sau này, ông Nguyễn Hoàng, Nguyên Viên trưởng VKSND Minh Hải lập luận rằng, vụ án này Ngọc vi phạm pháp luật 4 vấn đề:

Vụ án chính trị phản động phải có hồ sơ ban đầu để khi tình huống xấu xảy ra phải bắt đối tượng. Tại sao ông Ngọc không xin phép VKS? Sau khi vụ án xảy ra, Ngọc cho xóa bỏ hiện trường, không cử Hội đồng Giám định xử lý. Năm lần VKS mượn hồ sơ vụ án, Ngọc không cho. Một vụ án chính trị phản động thì phải bắt sống để khai thác chứ không giết chết.

Cũng theo ông Hoàng, đây là vụ án mà Ngọc được bao che từ “những bàn tay vô hình”. Sau báo cáo 05 của Nguyễn Ngọc, Hùng được thăng cấp lên làm thiếu úy, Ngọc cũng được thăng cấp, tăng lương và chuẩn bị rút về Bộ Nội vụ.

Hơn 1 năm sau, nhờ sự kiên trì không biết mệt mỏi của bà Mai, Thái Văn Hùng đã bị bắt tạm giam, nhưng Ngọc thì đã được đi Liên Xô du học. 3 năm sau, hồ sơ vụ án được chuyển qua Phòng Điều tra án hình sự Quân khu 9 để xử lý. Bộ Quốc phòng sau đó giao cho các cơ quan pháp lý Quân khu 9 lập hồ sơ hình sự đưa vụ án ra xét xử.

Ngày 25/8/1986, Phòng Điều tra hình sự có quyết định khởi tố Nguyễn Ngọc, cơ quan này cũng có công văn gửi tới Bộ Nội vụ đề nghị đưa Ngọc về địa phương để xử lý. Nhưng cũng phải mất thêm 2 năm nữa, sau chỉ đạo cứng rắn của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Ban Bí thư, Nguyễn Ngọc mới có mặt trong trại tạm giam ở Cà Mau.

Một nguồn tin riêng của PV TT&ĐS cho biết, ông Ngọc sau khi lãnh án tù 20 năm thì chỉ ở hơn 10 năm rồi được đặc xá. Ông trở về quê ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) sinh sống, được vài năm thì cũng qua đời sau một cơn đột quỵ.

Trước đó, vợ của ông cũng mất vì bệnh ung thư. Một câu chuyện rùng rợn, mang màu sắc tâm linh được nhiều người dân Cà Mau biết tới là lúc ông Ngọc trở về nhà, trong một cơn mưa dông, 1 tia sét đã bất ngờ đánh thẳng xuống bàn thờ gia đình ông.

Về phần Thái Văn Hùng, hiện ra tù đã lâu và có cơ ngơi làm ăn khá lớn cũng ở huyện Trần Văn Thời.

Nguồn: Nhóm PV Báo Tuổi trẻ đời sống

Bình luận
vtcnews.vn