Cái chết của người anh khiến Tổng thống Donald Trump ân hận gần 40 năm

Đời sốngThứ Hai, 12/08/2019 14:57:00 +07:00

Bị gia đình ép theo nghiệp kinh doanh, Fred Trump Jr. từ bỏ mơ ước làm phi công, tìm vui trong rượu và cuối cùng trả giá bằng mạng sống.

Một ngày giữa những năm 1960, Donald Trump về nhà để đọc báo cáo về giá giẻ lau và sơn. Ông chuẩn bị nối gót cha mình, Fred Trump, kinh doanh bất động sản. Tới nơi, Donald ngạc nhiên vì thấy anh trai, Fred Jr., đang đọc sách hàng không. 

Ông Fred Trump mắng mỏ con trai Fred Jr. thậm tệ vì mong ước bay trên bầu trời hơn là kế nghiệp kinh doanh của gia đình. Trong khi đó, Donald cho rằng anh trai "đang lãng phí thời gian". Áp lực kép từ phía cha và em trai khiến Fred Jr. tổn thương nặng nề.

"Đó là sức ép khủng khiếp. Cậu ấy làm mọi cách để thoát khỏi nó", David Miller, anh em kết nghĩa với Fred Jr. ở đại học, về sau thành luật sư của ông, cho biết.

Không chịu nổi áp lực, Fred Jr. dần chìm trong rượu, rồi kết thúc cuộc đời ở tuổi 42. Cái chết của ông, đến nay, vẫn ám ảnh Donald Trump. "Tôi thực sự hối hận vì tạo áp lực lên anh ấy", Tổng thống Mỹ nói trong cuộc phỏng vấn với Washington Post cuối tuần trước.

Trump rất hiếm khi thừa nhận sai lầm của mình. Tuy nhiên, cuộc đời ngắn ngủi và bi kịch của người anh đã tác động mạnh mẽ đến ông, hơn bất cứ sự kiện nào khác. Tổng thống Mỹ vẫn còn nhớ rõ gương mặt đẹp trai của Freddy dần bị hủy hoại như thế nào.

a

 Anh chị em nhà Trump. Từ trái sang: Robert, Elizabeth, Fred Jr., Donald và Maryanne. (Ảnh: Trump campaign)

Fred Trump Jr., hay Freddy như cách mọi người gọi, là con trai đầu lòng nên được đặt theo tên bố. Bạn bè kể rằng Freddy nhẹ nhàng, vui vẻ và hay đùa, trái ngược với Donald Trump.

Fred Trump cha kỳ vọng Freddy vào trường Tài chính Wharton thuộc Đại học Pennsylvania nhưng không thành. Năm 1956, Freddy trở thành sinh viên Đại học Lehigh, tạm rời xa đứa em Donald ngày ấy 10 tuổi.

Freddy nhanh chóng nổi tiếng ở Lehigh, được nhiều hội nam sinh chiêu mộ. Dù không theo đạo Do Thái, chàng sinh viên trẻ gia nhập một hội nam sinh theo tôn giáo này. Đây được coi như tuyên bố độc lập của Freddy khỏi người cha. 

Trong mắt bạn học, Freddy vừa hạnh phúc vừa may mắn và giàu có. Ông sở hữu bề ngoài cuốn hút với thân hình cao lớn, mái tóc vàng, khuôn mặt điển trai. Freddy thường mời bạn học lên xe thể thao, du thuyền và phi cơ riêng.

Năm 1960, Freddy tốt nghiệp Đại học Lehigh. Hai năm sau, ông kết hôn với tiếp viên hàng không Linda Lee Clap. Chuyển về sống tại New York, áp lực theo nghiệp gia đình càng đè nặng lên vai Freddy.

b

 Freddy thời trẻ. (Ảnh: Annamaria Forcier)

Freddy coi phi công là nghề nghiệp cao quý. Quyết tâm thực hiện giấc mơ, ông đăng ký tham gia khóa đào tạo phi công của Trans World Airlines và được nhận vào năm 1964.

Freddy từng có vài tháng làm phi công phụ. "Anh ấy rất thích bay", Donald Trump nói. "Tôi nhớ những lần phi công của Trans World Airlines đến nhà, họ sẵn sàng làm việc với Fred vì anh ấy có tài năng bẩm sinh".

Nhưng dần, 3 phi công trực tiếp hướng dẫn Freddy cho biết đã nhìn thấy dấu hiệu nghiện rượu ở nam học viên. Họ không rõ Freddy gặp chuyện gì nhưng biết chắc ông đang chịu áp lực khủng khiếp không thể giải quyết.

Trải qua một năm thử thách, Freddy đột ngột bị loại khỏi Trans World Airlines vì lý do "có vấn đề với rượu". Tuy nhiên, một người bạn của Freddy là Annamaria Forcier nghĩ rằng con trai cả nhà Trump bỏ trường phi công do gia đình ép buộc.

"Có quá nhiều căng thẳng, không chỉ giữa Freddy với bố mà còn giữa Freddy với Donald", Forcier kể. Trong một bữa tối, bà chứng kiến Donald hét lên và chỉ thẳng ngón tay vào mặt anh trai, sau đó tức giận bỏ đi, đóng sầm cánh cửa sau lưng.

Có một thời gian, Freddy tự đứng ra kinh doanh, mở một công ty giới thiệu việc làm nhưng thất bại. 

Năm 1966, Freddy đảm nhận vị trí phó chủ tịch kiêm phát ngôn viên của công ty gia đình. Cùng lúc, Donald Trump hoàn thành năm hai ở Đại học Fordham. Với sự giúp đỡ từ Freddy, Donald được chuyển sang Đại học Pennsylvania theo đúng kỳ vọng của bố. Trong suy nghĩ của Fred Trump cha, Donald đã đạt được những gì Freddy ngày trước không thể.

Vài năm sau, cái tên Fred Trump con biến mất khỏi những bài báo về gia đình Trump. Đó cũng là thời điểm tình trạng uống rượu của ông trở nặng. Nghe lời khuyên của Miller, Freddy đồng ý đi gặp bác sĩ tâm thần nhưng buổi hẹn diễn ra không suôn sẻ.

"Tôi không muốn ngừng uống", Freddy nói.

"Còn tôi không thể giúp người không muốn dừng lại", bác sĩ tâm thần đáp.

Năm 1970, Linda ly dị chồng vì không chịu nổi chứng nghiện rượu của ông. sức khỏe suy yếu, Freddy chỉ làm một số công việc khiêm tốn cho gia đình.

Cuối những năm 1970, Freddy nhập viện, dạ dày tổn thương vì rượu nên phải cắt đi một phần lớn. Theo lời bạn học James Nolan, Freddy buồn rầu nhưng vẫn giữ được sự hài hước. "Cậu ấy nói đáng lẽ phải trở thành diễn viên hài kịch", Nolan kể.

Donald Trump thường xuyên đến thăm anh và bị ám ảnh bởi sự nguy hiểm của rượu đến mức kiên quyết tránh xa đồ uống có cồn. 

Ngày 26/9/1981, Fred Trump Jr. qua đời ở tuổi 42 do lên cơn đau tim, hệ quả của nghiện rượu. 

Jack O’Donnell, cựu điều hành sòng bạc nhà Trump, mô tả cái chết của Freddy là "một bí mật gia đình đen tối", khiến các thành viên "chịu đựng nhiều nỗi hổ thẹn và đau đớn chưa thể giải quyết".

Những năm qua, Donald Trump nhiều lần đề cập đến câu chuyện của Freddy. Năm 1990, trả lời phỏng vấn Play Boy, Trump nói rằng sự ra đi của Freddy đã tác động đến mọi thứ xảy ra sau đó: "Anh ấy là đứa con trai đầu tiên của nhà Trump và tôi vô thức dõi theo những bước chân của anh ấy. Nhìn mọi người lợi dụng Fred, tôi rút ra bài học luôn cảnh giác 100%".

Cùng năm đó, trong buổi trò chuyện với CBS, Donald Trump tỏ ra tự trách bản thân về chuyện xảy ra với Freddy. "Có thể đó là lỗi của cha con tôi vì đã bắt anh ấy đi theo kinh doanh dù anh ấy chẳng giỏi cũng chẳng thích".

Donald Trump tin rằng kinh nghiệm với Freddy giúp ông giải quyết tốt tình trạng nghiện ngập trên khắp nước Mỹ. Tuy vậy, sau gần 40 năm, nhà lãnh đạo 73 tuổi vẫn ước gì có thể lấy lại những căng thẳng từng gây ra cho anh trai.

"Kinh doanh không phải thứ anh ấy thích. Tôi nghĩ rằng sai lầm lớn nhất của tôi và bố là cho rằng tất cả mọi người đều thích kinh doanh", Donald Trump nói. "Chúng tôi nhân đôi áp lực lên anh ấy".

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn