Cafe tối: World Cup cũng thường thôi

Thể thaoThứ Năm, 12/06/2014 05:43:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều người hy vọng World Cup có thể giải quyết được những vấn đề quan trọng ngoài bóng đá, nhưng sự thực có phải như vậy.

(VTC News) - Nhiều người hy vọng World Cup có thể giải quyết được những vấn đề quan trọng ngoài bóng đá, nhưng sự thực có phải như vậy.

Không còn nghi ngờ gì nữa, World Cup 2014 sẽ trở thành sự kiện thể thao lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Theo đánh giá của CNN, nó sẽ thu hút 3,6 tỷ lượt người xem qua truyền hình, tăng 12% so với 4 năm trước ở Nam Phi và cân bằng kỷ lục của Olympic Bắc Kinh 2008.
World Cup dẫn tới nhiều hệ lụy cho Brazil
 World Cup dẫn tới nhiều hệ lụy cho Brazil

Về mặt kinh tế, World Cup 2014 sẽ giúp số lượng khách du lịch tới thăm Brazil tăng 79%, tương đương gần 3 triệu người. Báo cáo của hãng kiểm toán Ernst & Young dự tính World Cup 2014 sẽ giúp nền kinh tế Brazil có thêm 13,6 tỷ USD và 3,63 triệu việc làm mới trong năm nay.


Bên cạnh việc mang lại lợi ích về kinh tế, World Cup cũng là cơ hội vàng cho những sự giao lưu về văn hóa và hòa giải sắc tộc. Năm 1998, đúng vào thời điểm căng thẳng giữa hai nước Mỹ và Iran lên tới đỉnh điểm, các cầu thủ của hai đội tuyển này vẫn vui vẻ khoác vai nhau chụp ảnh lưu niệm sau trận đấu tại vòng bảng World Cup trên đất Pháp. Điều tương tự đã diễn ra tại World Cup 2010, khi đội tuyển Triều Tiên xuất hiện tại ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới trong bối cảnh đất nước đang rất căng thẳng và khó khăn.

Nhưng nếu dựa vào những con số thống kê và sự kiện lịch sử ở trên để đặt lên vai bóng đá nói chung hay World Cup nói riêng những nhiệm vụ nặng nề thì có vẻ như hơi khiên cưỡng. Hình ảnh các tuyển thủ Argentina cùng nhau giơ tấm biểu ngữ đòi chủ quyền với quần đảo Malvinas đang tranh chấp với Anh trong trận giao hữu với Slovenia cuối tuần trước là một ví dụ điển hình.
Chính trị bị kéo vào bóng đá
Cầu thủ Argentina đòi chủ quyền quần đảo được cho là bị người Anh chiếm

Kể từ năm 1982, những cuộc đối đầu giữa Anh và Argentina trên sân cỏ luôn được đẩy lên mức căng thẳng cao nhất, do ảnh hưởng từ những tranh chấp về chủ quyền. Ngay trước thềm World Cup 2014, tờ New York Times có tổ chức một cuộc thăm dò dư luận ở 32 nước có đội tuyển đến Brazil xem ai là đối thủ mà họ “căm thù” nhất.

Và dù có luôn so kè với Brazil trong bóng đá, nhưng vẫn có tới 19% người dân Argentina chọn Anh là câu trả lời cho câu hỏi trên. Một điểm đáng chú ý nữa từ cuộc thăm dò trên, có tới 3 quốc gia coi Iran là đối tượng thù địch là Tây Ban Nha, Hà Lan và Đức.


Rõ ràng là dù FIFA đã rất nỗ lực để đưa bóng đá trở về với đúng ý nghĩa của môn thể thao này và không bị nhuốm màu sắc chính trị, nhưng với sức ảnh hưởng quá rộng lớn của bóng đá như hiện nay, việc lợi dụng bóng đá để truyền đạt những thông điệp khác là điều không thể tránh khỏi. Đêm nay ở Sao Paulo, World Cup 2014 sẽ chính thức khai mạc với trận đấu giữa đội chủ nhà Brazil và Croatia, khởi đầu một tháng ăn ngủ cùng trái bóng tròn trên khắp hành tinh.

Nhưng ở rất nhiều nơi bên ngoài sân, những cuộc biểu tình vẫn lan rộng, trẻ em vẫn bị bạo hành và những người lính vẫn chĩa mũi súng vào nhau từ hai bên chiến tuyến. World Cup cũng thường thôi.

Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn