Cafe tối: Những người hùng bị lãng quên

Thể thaoThứ Ba, 03/06/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - World Cup luôn chỉ ghi danh các cầu thủ nổi tiếng, và thường bỏ qua rất nhanh những người hùng thầm lặng

(VTC News) - World Cup luôn chỉ ghi danh các cầu thủ nổi tiếng, và thường bỏ qua rất nhanh những người hùng thầm lặng.


Nhắc đến World Cup là người ta nghĩ ngay đến Pele, người duy nhất từng giành 3 chức vô địch thế giới cho đến thời điểm này. Người ta cũng sẽ nhớ đến Diego Maradona với chiến công một mình giúp Argentina giành cúp vàng năm 1986, cũng như 2 pha lập công đáng nhớ của ông trong trận tứ kết gặp ĐT Anh: bàn tay của Chúa, và pha solo qua 5 hậu vệ xứ sương mù.

Không nhiều người biết rằng Klose sẽ trở thành người ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử World Cup, nếu anh có ít nhất 1 bàn thắng tại Brazil 

Người ta cũng sẽ nhớ đến Johan Cruyff dưới cương vị nhà phát minh ra lối đá tổng lực ở World Cup 1974, hay Franz Beckenbauer, người nâng tầm vị trí libero lên mức huyền thoại. Gần hơn nữa, có thể kể đến vũ điệu ru con nổi tiếng của Bebeto ở World Cup 1994, cái đầu hói của Zinedine Zidane khi ghi 2 bàn vào lưới Brazil ở World Cup 1998, và húc thẳng vào mặt Marco Materazzi ở World Cup 2006. 

Cũng sẽ chẳng ai quên những pha đảo chân đã trở thành thương hiệu của Ronaldo "béo" khi đối mặt với thủ môn, và cú sút phạt thần sầu của Ronaldinho khiến David Seaman chết lặng ở tứ kết World Cup 2002.

Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh luôn chỉ ghi dấu những gì tinh túy nhất, đẹp nhất, và phần nào đó bóng bẩy nhất. Những người hùng thầm lặng sẽ nhanh chóng bị rơi vào lãng quên.

Ví dụ như ai cũng biết Ronaldo "béo" đang nắm giữ kỷ lục ghi nhiều bàn nhất qua các kỳ World Cup (15 bàn), nhưng ít ai để ý rằng Miroslav Klose ở tuổi 36 hoàn toàn có thể xô đổ kỷ lục ấy. Chân sút kỳ cựu của ĐT Đức đã có 14 pha lập công, và chỉ cần 2 bàn nữa, anh sẽ thành huyền thoại.

Hay như Yordan Lechkov của ĐT Bulgaria ở World Cup 1994. Chẳng ai nhớ đến cú đánh đầu của ông loại ĐKVĐ Đức ở tứ kết, mà hầu như chỉ nhắc đến phong độ chói sáng của những Hristo Stoichkov và Krasimir Balakov.

Carlos Alberto, người đội trưởng huyền thoại của ĐT Brazil ở World Cup 1970 đã ghi một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử World Cup với cú sút đại bác từ ngoài vòng cấm địa. Tuy nhiên, nếu không có pha rê dắt như diễn xiếc của Clodoaldo trước đó, có lẽ cơ hội đã không đến với hậu vệ phải huyền thoại của Seleccao.

Tương tự như vậy là Amarildo, người đã đến World Cup 1962 bằng tư cách đóng thế cho Pele. Dù chỉ có 20 lần khoác áo vàng xanh và 7 bàn thắng ít ỏi, nhưng vai trò của ông là cực lớn ở giải đấu trên đất Chile. Đầu tiên là cú đúp ông ghi được vào lưới Tây Ban Nha ở vòng bảng, giúp Seleccao lách qua khe cửa hẹp để vào bán kết. Sau đó là bàn gỡ hòa quý như vàng trong trận chung kết với Tiệp Khắc, tạo điều kiện cho Zito và Vava ghi liên tiếp 2 bàn trong hiệp 2, giúp Brazil bảo vệ ngôi vô địch.

World Cup là ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, nơi tôn vinh những giá trị và kết tinh cao quý nhất của môn thể thao vua. Nhưng cũng chính sân chơi ấy, tự nó đã lãng quên đi rất nhiều thứ mà người ta chẳng mảy may để ý đến.


Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn