Cách phân biệt sốt xuất huyết với sốt virus và sốt phát ban

Sức khỏeThứ Bảy, 10/08/2019 17:04:00 +07:00

Sốt xuất huyết có nhiều dấu hiệu gần giống sốt phát ban hay sốt virus, do đó, làm sao để phân biệt chính xác từng bệnh rất quan trọng.

Bệnh sốt xuất huyết (viral hemorrhagic fever) là bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm đối với con người. Bệnh do siêu vi trùng Dengue được lây nhiễm thông qua muỗi vằn. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường gặp và bùng phát mạnh nhất là vào mùa mưa (tháng 7,8 dương lịch).

Bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhẹ thì: đau đầu, đau mắt, sốt cao (38 – 40,5 độ), sốt không giảm kéo dài, đau cơ, đau lưng, nổi ban đỏ, đau khớp, buồn nôn và ói mửa. Một số người bị sốt xuất huyết có thể chảy máu ở dạng nhẹ kèm theo tổn thương mạch máu, mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu dưới dạng vết bầm, tím.

Ở thể nặng, người bệnh bị sốt xuất huyết có đầy đủ các triệu chứng kể trên nhưng kèm theo chảy máu trong, sốc, huyết tương thoát khỏi mạch máu, xuất huyết dưới da, huyết áp thấp… và thậm chí thiệt mạng.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nặng và nguy hiểm nhất là trẻ em và người già do sức đề kháng yếu. Ngoài ra, bệnh cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, dẫn đến việc nhiều người điều trị sai cách, khiến bệnh ngày càng trầm trọng, thậm chí có những trường hợp mất mạng chỉ vì thiếu hiểu biết. Do vậy, việc tìm hiểu thông tin để nâng cao kiến thức, phòng và phân biệt sốt xuất huyết với các bệnh khác là vô cùng quan trọng.

11

 Dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp.

Phân biệt sốt xuất huyết với bệnh khác

Phân biệt sốt xuất huyết với sốt phát ban:

Sốt phát ban có nhiều nguyên nhân gây bệnh nhưng chủ yếu là do virus sởi hay virus Rubella gây ra.

Bệnh nhân sốt phát ban hầu hết triệu chứng ban đầu thường: sốt cao từng cơn 39-40 độ C, ho, đau họng, nghẹt mũi, nôn mửa và phát ban đỏ…

Thông thường, bệnh nhân sốt phát ban sẽ hết sốt bắt đầu từ ngày thứ 4 trở đi, da có thể nổi mẩn, phát ban 3-5 ngày rồi lặn. Còn đối với sốt xuất huyết, sốt cao có thể kéo dài hơn và sốt không giảm.

Đáng chú ý, khác với sốt xuất huyết, bệnh nhân bị sốt phát ban còn bị: kết mạc, mắt đỏ, nổi hạch ở đầu hoặc cổ... Nguyên nhân do virus đường tiêu hóa gây ra.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, cách phân biệt đơn giản nhất giữa 2 căn bệnh này là chú ý vào vùng phát ban trên da. Để phân biệt, dùng ngón tay cái và trỏ cùng bên căng vùng da quanh nốt phát ban. Nếu thấy chấm đỏ mất đi, buông tay ra thì chấm đỏ hồi phục ngay, là sốt phát ban. Còn nếu vẫn thấy chấm li ti, hoặc sau 2 giây màu đỏ mới xuất hiện lại, là sốt xuất huyết.

Phân biệt sốt xuất huyết với sốt virus

Các bệnh nhân sốt virus thường sốt theo từng đợt từ 38-39 độ. Còn sốt xuất huyết thường sốt đột ngột vào khoảng từ 39-40 độ rất khó hạ sốt .

Bên cạnh đó, sốt virus còn kèm theo các kiệu chứng như: chảy nước mũi, nghẹt mũi, viêm đường hô hấp, mắt đỏ, chảy nước mắt, đau nhức khắp cơ thể, phát ban da…

Sốt virus thường không quá nguy hiểm, bệnh nhân thường khỏi sau 2-7 ngày. Thậm chí, một số người tuy bị sốt virus những vẫn có thể đi lại, sinh hoạt bình thường.

Còn với sốt xuất huyết, bệnh thường sốt cao, sốt kéo dài không giảm. Bệnh nhân thường khá mệt mỏi, kèm thêm dấu hiệu xuất huyết dưới da, huyết áp tụt nhanh.

22

 Cần phân biệt đúng sốt xuất huyết với các bệnh khác để có phương pháp điều trị bệnh chính xác và hiệu quả. (Ảnh: Vinmec)

Cách chăm sóc bệnh nhân bị sốt xuất huyết

  Khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết thường lưu ý :

- Thường xuyên thử nhiệt độ để phòng sốt quá cao hay có sự biến đổi về thân nhiệt.

- Nên dùng khăn ấm lau cơ thể bệnh nhân. Khi sốt cao có thể đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt.

- Nên uống nhiều nước và chọn những quần áo mỏng, mát .

- Chỉ trong trường hợp sốt cao trên 38.5 độ thì mới được dùng thuốc hạ sốt và lượt dùng phải cách nhau ít nhất 4-6 tiếng.

Bệnh nhân bị sốt xuất huyết cần lưu ý gì?

Trong trường hợp bị bệnh, việc tắm rửa có thể có nhưng tốt nhất bệnh nhân nên lau qua người bằng khăn ướt thay cho tắm vì khi sốt bị hạ tiểu cầu những hành động kì cọ mạnh sẽ gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ, cực kì nguy hiểm.

Lưu ý trong thời gian từ 3-7 ngày sốt sẽ giảm bớt nhưng không phải vì thế là căn bệnh suy giảm đi nên người nhà không được chủ quan. Một số biến chứng khác như giảm tiểu cầu, tăng tính thấm của thành mạch sẽ suất hiện và gây ra xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau.

Chính vì vậy không nên tắm gội trong thời gian này vì nó có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân. Trong trường hợp bất khả kháng cần phải tắm, bệnh nhân chỉ tắm qua bằng nước ấm, tuyệt đối không dùng nước lạnh vì sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng dãn ra gây nguy cơ tử vong rất cao.

Theo các chuyên gia, việc phân biệt chính xác sốt xuất huyết để có hướng điều trị đúng phương pháp là rất quan trọng. Tuy nhiên, dù là dấu hiệu bất thường của bất cứ bệnh nào nêu trên, người dân không nên chủ quan mà việc cần làm sớm nhất là nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện để thăm khám và điều trị cụ thể, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Dịch sốt xuất huyết trên cả nước đang vào mùa cao điểm, 63 tỉnh thành đã ghi nhận hơn 125.000 ca mắc, trong đó có 15 trường hợp bệnh nhân thiệt mạng, riêng TP. HCM có 7 trường hợp. Các địa phương đang là điểm nóng của dịch là Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, TP HCM...

Video: Xuất hiện chủng virus sốt xuất huyết hiếm gặp tại Hà Nội

 

Thanh Hà - Diệu Linh
Bình luận
vtcnews.vn