Các VIP hầu tòa vụ rút ruột Tượng đài Điện Biên

Pháp luậtThứ Hai, 29/03/2010 12:34:00 +07:00

(VTC News)- Cáo trạng của VKSNDTC chỉ rõ, từ khâu lập dự toán đến khi thi công tượng đài Điện Biên Phủ hầu hết khâu nào cũng có sai phạm nghiêm trọng…

(VTC News) - Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) chỉ rõ, từ khâu lập dự toán đến khi thi công tượng đài Điện Biên Phủ, hầu hết khâu nào cũng có sai phạm nghiêm trọng… Xuất hiện trước vành móng ngựa có nhiều VIP đã từng giữ trọng trách của nhiều cơ quan lớn.



Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay (29/3) Ảnh : Duy Tuấn

8giờ sáng nay (29/3),TAND tỉnh Điện Biên đã mở phiên tòa công khai xét xử vụ án "Cố ý làm trái quy định Nhà nước" tại Ban Quản lý di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngay từ sáng sớm, dù trời mưa nhưng đã có rất nhiều người dân và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến dự phiên tòa. 8 bị cáo có mặt tại tòa án từ 7h sáng.

Hội đồng xét xử do ông  Phạm Văn Năm làm chủ tọa, thẩm phán Nguyễn Thị Lan cùng 3 hội thẩm nhân dân.

Sau phần thẩm tra lý lịch, các bị cáo Lương Phượng Cát, Lê Văn Viễn, Trần Quốc Hưng (đang bị tạm giam) được HĐXX cho phép tháo còng tay.

Tại phiên tòa, HĐXX đã trưng cầu 3 giám định viên từ Chi cục thuế Hà Nội, Bộ Công an và Bộ tài chính. HĐXX cũng đã triệu tập những cơ quan có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó nguyên đơn là Ban quản lý Dự án (BQLDA) di tích lịch sử Điện Biên Phủ, bị đơn là công ty Mỹ Thuật trung ương. Đại diện bào chữa cho các thân chủ, trong số 10 luật sư chỉ vắng mặt duy nhất luật sư Phạm Hồng Hải (bào chữa cho bị cáo Lương Phượng Cát ) vì lý do sức khỏe. Bị cáo Võ Thị Hồng, nguyên giám đốc công ty Mỹ Thuật trung ương mời 3 luật sư bào chữa…

Nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Điện Biên, Giám đốc BQLDA di tích lịch sử Điện Biên Phủ, Lương Phượng Cát trước vành móng ngựa. Ảnh:Duy Tuấn

Đúng 9h30, kiểm sát viên Vi Ngọc Sơn thuộc VKSND tỉnh Điện Biên giữ quyền công tố tại phiên tòa đã công bố cáo trạng. Cáo trạng của VKSNDTC chỉ rõ, từ khâu lập dự toán đến khi thi công hầu hết khâu nào cũng có sai phạm nghiêm trọng…

Rút ruột gần 50%

Theo cáo trạng, dự án đúc tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ có giá trị 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty Mỹ Thuật Trung ương - đơn vị được chỉ định thầu đã bán thầu lại cho công ty TNHH Đoàn Kết với giá chỉ còn hơn 18 tỷ đồng.

Nguyên Giám đốc Công ty Mỹ thuật TW, Võ Thị Hồng.

Cáo trạng của VKSNDTC chỉ rõ, để thi công tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, theo dự toán phần mỹ thuật được phê duyệt thì đồng nguyên chất có tỷ trọng 8,9m3 nhưng Nguyễn Trọng Hạnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết - đã mua toàn bộ loại đồng phế liệu để đúc tượng. Nhằm nâng chi phí vật tư và số lượng đồng để đúc tượng, Hạnh đã yêu cầu một số người bán đồng phế liệu viết giấy biên nhận nâng số lượng bán đồng theo nội dung đã soạn thảo trước. Cụ thể Phạm Văn Lục thực tế bán 3,5 tấn; Vũ Thanh Quang thực tế chỉ bán 20 tấn; Vũ Thanh Hưng thực tế bán 16 tấn… nhưng trong giấy biên nhận lên đến 50 tấn đồng… kết quả cho thấy, công ty nay đã mua tổng cộng hơn 141 tấn đồng phế liệu (giá trị 3,7 tỷ đồng) để đúc tượng.

Nghiêm trọng hơn, trước khi dự án được giao cho công ty Mỹ thuật Trung ương, Võ Thị Hồng (Giám đốc công ty Mỹ thuật Trung ương) đã tự ý ký hợp đồng với Nguyễn Trọng Hạnh thi công việc đúc tượng đài một cách tùy tiện. Trong qua trình thi công, công ty Mỹ thuật Trung ương không cử cán bộ xuống kiêm tra, không biết Nguyễn Trọng Hạnh đã sử dụng loại đồng gì. Theo kết luận của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an thì số lượng đồng bị thiết hụt là gần 98 tấn (tương đương gần 50% khối lượng bị rút ruột). Trong đó xác định, khối lượng đồngtrong tượng đài là hơn 120 tấn, tuy nhiên dự toán được nghiệm thu thanh toán là hơn 218 tấn.

Võ Thị Hồng xác nhận, việc để công ty TNHH Đoàn Kết đúc tượng đài không đúng dự toán, không đảm bảo về khối lượng, chất lượng theo dự toán đã dẫn đến tượng đài bị hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trong gây bất bình dư luận.

Nhận hối lộ, bao che sai phạm

Quá trình thi công xây dựng tượng đài, các ông Lương Phượng Cát (Giám đốc BQL), Lê Văn Viễn (PGĐ BQL) không kiểm tra năng lực tài chính của công ty Mỹ thuật Trung ương trước khi chỉ định thầu nên không phát hiện công ty này không có xưởng đúc đồng phải bán thầu lại cho công ty khác. Đặc biệt nghiêm trọng là ông Cát biết công ty Mỹ thuật Trung ương đúc tượng không theo dự toán đã không có biện pháp ngăn chặn mà còn tiếp tay cho các sai phạm.

Cụ thể, sau khi hoàn thành công trình tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Cát cùng thuộc cấp tìm đơn vị tư ván giám sát khống, làm lại hồ sơ nghiệm thu phần kỹ thuật và hồ sơ thanh toán theo yêu cầu của kho bạc nhà nước tỉnh Điện Biên. Tiếp sức cho ông Cát, bị can Lê Huyên (nguyên hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội), Nguyễn Đức Sứng (nguyên chủ nhiệm khoa tạo dáng của trường) dù không thực hiện việc giám sát thi công cũng ký hợp đồng tư vấn giám sát và hồ sơ nghiệm thu được lập khống để chiếm hưởng tiền chi phí tư vấn giám sát. Trong đó, Nguyễn Đức Sừng cao nhất là gần 98 triệu đồng, lần lượt còn lại là:  Lê Huyên (65 triệu đồng), Lương Phượng Cát (18 triệu đồng), Lê Văn Viễn (15 triệu)…

Chưa dừng lại tại đây, trong quá trình thi công tượng đài Lương Phượng Cát còn "vòi" Võ Thị Hồng, Giám đốc công ty Mỹ thuật Trung ương đưa 500 triệu đồng để chi cho BQLDA và quan hệ, cảm ơn cán bộ, lãnh đạo các ban ngành trong tỉnh. Thực chất Cátchiếm hưởng 50 triệu đồng, Lê Văn Viễn 40 triệu đồng. Còn lại 365 triệu đồng, Cát khi đưa cho cán bộ lãnh đạo các ban ngành trong tỉnh nhưng những người Các khai đều không thừa nhận.

Chiều nay, tòa dự kiến chuyển sang phần xét hỏi đối với các bị cáo.

Ngày 30/4/2004, công trình tượng đài Điện Biên Phủ hoàn thành, sau đó xuất hiện tình trạng sụt lún sân hành lễ và đổ vỡ đá kè, tượng đài bị hoen gỉ...

Ngày 7/6/2007, cơ quan điều tra (C37) Bộ Công an đã khởi tố vụ án cố ý làm trái làm trái quy định Nhà nước tại Ban Quản lý di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày 7/6/2007, C37 đã khởi tố bị can đối với Lương Phượng Cát, Lê Văn Viễn, Trần Quốc Hưng, Nguyễn Văn Chính về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản.

Ngày 7/6/2007, C37 khởi tố bị can đối với Lê Thị Hồng về tội tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Ngày 7/6/2007, C37 khởi tố bị can đối với Lê Huyên, Nguyễn Đức Sứng về tội tham ô tài sản.

Ngày 12/6/2008, C37 khởi tố bị can đối với Nguyễn Trung Kiên về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng

Ngày 12/6/2008, C37 khởi tố bị can đối với Lương Phượng Cát về tội nhận hối lộ.

Ngày 12/6/2008, C37 khởi tố bị can Lê Thị Hồng về tộiđưa hối lộ

Ngày 20/8/2008, C37 khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Be, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên sau đó ông Be được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 29/3/2010, TAND tỉnh Điện Biên mởi phiên tòa công khai xét xử vụ án án cố ý làm trái làm trái quy định Nhà nước tại Ban Quản lý di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ


Duy Tuấn

Bình luận
vtcnews.vn