Các vận động viên Triều Tiên chịu áp lực thế nào khi dự Olympic?

Thế giớiThứ Hai, 15/08/2016 10:29:00 +07:00

Có được chiếc vé tham dự Olympic và đem về huy chương cho tổ quốc là điều không hề dễ dàng, nhưng với các vận động viên Triều Tiên, áp lực đó còn lớn hơn gấp bội.

Họ không chỉ mang trên mình gánh nặng mang vinh quang về cho tổ quốc và trên hết trọng trách của những vận động này là giới thiệu với thế giới về một Bình Nhưỡng đang vươn lên từng ngày.

Tầm quan trọng

Triều Tiên từ trước đến nay vẫn luôn được biết đến là một quốc gia tách biệt và bí ẩn nhất thế giới. Họ không mấy mặn mà với chuyện thiết lập quan hệ với các chính phủ khác và cũng không hứng thú với việc mở cửa chào đón thế giới bên ngoài, Washington Post nhận định.

Tuy nhiên, Olympic là một trong số ít những ngoại lê. Từ năm 1972, Triều Tiên vẫn đều đặn gửi các vận động viên tới tham dự đại hội thể thao lớn nhất hành tinh diễn ra 4 năm một lần (ngoại trừ hai năm là 1984 ở Los Angeles và năm 1988 ở Seoul).

MTZSPDEC71NL9VSI_768x432

 Đoàn thể thao Triều Tiên năm nay tham dự với 49 vận động viên

Tính từ thời điểm đó, các vận động viên nước này đã 49 lần mang vinh quang về cho nước nhà ở các nội dung cử tạ và đấu vật. 

Christopher Green, nhà phân tích về các vấn đề Triều Tiên cho rằng Thế vận hội là một phép thử quan trọng trong việc khẳng định bản thân trên một sân khấu lớn, nhưng ở Triều Tiên, người ta còn kỳ vọng nhiều hơn thế.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng làm rõ một điều rằng, dù luôn tự hào về thành tích của thể thao nước nhà trên đấu trường quốc tế, nhưng ông vẫn muốn nhiều hơn thế.

“Năm 2012, đội tuyển Triều Tiên rời London với 4 huy chương vàng và trở về như những người hùng tại quê nhà. Năm nay, ông Kim muốn nhiều hơn thế. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đặt ra mục tiêu cho các vận động viên nước này phải ít nhất 5 lần đứng ở vị trí cao nhất trên bục trao huy chương”, ông Green viết trong một email.

Người dân Triều Tiên biết về Thế vận hội, đó là điều chắc chắn. Chỉ có điều, nhiều khả năng họ chỉ được theo dõi diễn biến các nội dung có vận động viên Triều Tiên tham gia tranh tài. 

Ví dụ, tấm huy chương bạc của vận động viên Yun-Chol ở nội dung cử tạ 56 kg dành cho nam được nhắc đến liên tục trong các bản tin của đài truyền hình của Triều Tiên.

Nhưng có một điều lạ là mặc dù nội dung thi đấu này diễn ra vào ngày 7/8 nhưng phải mãi cho đến 21:40 ngày 10/8, nó mới được phát sóng trên sóng truyền hình.

Cơ hội đào tẩu?

Mùa hè năm 2008, phóng viên thể thao của tờ Washington Post có buổi phỏng vấn với các vận động viên của Triều Tiên về kỳ Olympic năm đó và bản thân anh cũng tỏ ra rất bất ngờ với câu trả lời.

“Chúng tôi không được phép đến những nơi mà vận động viên các nước khác thường hay lui tới”, Wang Ok Gyong, vận động viên người Triều Tiên chia sẻ và nói thêm rằng giao tiếp với người lạ không phải là một điều mà họ được khuyến khích.  

Video về cuộc sống ở Triều Tiên 

Điều này có vẻ như cũng xảy ra tương tự ở Rio mùa hè năm nay. Theo Đài Á châu tự do, các quan chức Triều Tiên từ chối cung cấp những chiếc Galaxy 7 miễn phí được Samsung tài trợ cho tất cả các vận động viên tranh tài tại thế vận hội năm nay.

Washington Post cho rằng, đây có thể là cách mà Triều Tiên tránh việc báo giới tiếp cận với vận động viên của họ và cũng có thể là để tránh cho những người mang trọng trách đem vinh quang về cho quốc gia nuôi mộng đào tẩu.  

Cẩn tắc vô áy náy, đó có lẽ là những điều mà Bình Nhưỡng rút ra được sau những trường hợp bỏ trốn hay xin tị nạn của kha khá các vận động viên nước ngoài từng xảy ra trước đây.

Điển hình như trường hợp 45 cầu thủ người Eritrea đã cố gắng trốn khỏi đất nước nhân một chuyến du đấu nước ngoài. Hay gần đây nhất là Olympic London, có không ít vận động viên đột ngột mất tích vì muốn được sống một cuộc sống thứ hai ở một đất nước khác.

Cho đến nay, vẫn chưa ghi nhận bất cứ trường hợp vận động viên Triều Tiên nào bỏ trốn khỏi các kỳ Olympic. Đó có thể là do công tác kiểm soát ngặt nghèo và sự trừng phạt đáng sợ với người thân ở quê nhà với bất cứ ai có ý định đào tẩu.

54BD0900-BB7D-47C1-92ED-723ECD4882C3_cx0_cy2_cw0_w987_r1_s_r1

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đặt ra mục tiêu cho các vận động viên nước này phải giành được ít nhất 5 tấm huy chương vàng trong đại hội thể thao lần này

Với những mối đe dọa như vậy, rõ ràng ai cũng có thể nhận ra rằng, thay vì ôm mộng bỏ trốn với nguy cơ thành công không cao, họ nên tập trung vào thi đấu để cố gắng mang lại vinh quang về cho dân tộc.

Cùng với đó, trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng cũng có những tưởng thưởng xứng đáng cho những tấm huy chương giành được ở sự kiện thể thao này.

“Những người có thành tích thi đấu tốt trong mùa Olympic sẽ được chính quyền trao tặng những phần thưởng xứng đáng với những nỗ lực của họ. Đó có thể là những căn nhà mới khang trang hơn, cũng có thể là những món quà mang giá trị lớn về vật chất”, chuyên gia Green cho biết.

Vậy nên với các vận động viên Triều Tiên, Olympic không chỉ là nơi cọ xát, học hỏi kinh nghiệm và giao lưu với bạn bè quốc tế, đó còn là cái đích mà họ vươn tới nếu muốn kiếm tìm một cuộc sống sung túc hơn ở quê nhà.

Song Hy (Nguồn: Washington Post)
Bình luận
vtcnews.vn