Các trường tự chọn sách giáo khoa có đảm bảo thống nhất về kiến thức, chất lượng học sinh?

Giáo dụcThứ Năm, 28/11/2019 07:56:00 +07:00

Năm học 2020- 2021 tới đây, các trường được tự chọn SGK dạy học nhưng phải đảm bảo tính phù hợp, thống nhất và chất lượng đánh giá học sinh.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa thống nhất thông qua “các cơ sở giáo dục, trực tiếp là hiệu trưởng có thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa (SGK) để sử dụng, dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh”. Ngày 22/11 Bộ GD&ĐT từng đưa thông tin trong buổi họp báo công bố SG, theo Luật giáo dục sửa đổi UBND cấp tỉnh được quyền lựa chọn SGK.

Dù ai chọn sách cũng không được xáo trộn chương trình học

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, ngày 26/11 Bộ GD&ĐT trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xin ý kiến đẩy sớm thời gian thực hiện theo Luật giáo dục sửa đổi từ ngày 1/1/2020, nhằm đảm bảo tính thống trong lựa chọn SGK cho chương trình phổ thông mới.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc ban hành thông tư theo điểm C khoản 1 Điều 32 (UBND tỉnh có quyền lựa chọn SGK) của Luật sửa đổi chưa phù hợp với hiệu lực thi hành của Luật Giáo dục (sửa đổi) vào thời điểm hiện hành.

78124199_2867375296620452_3229505683615383552_n

 Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT.

Do vậy, việc chọn SGK lớp 1 năm học tới vẫn sẽ thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Nhưng Bộ GD&ĐT không bị động vì vẫn đang trong quá trình xây dựng song song cả hai dự thảo, thông tư quy định chọn SGK. Một dự thảo thực hiện theo Nghị quyết 88, một dự thảo thực hiện theo Luật giáo dục (sửa đổi).

Ông Thành khẳng định, Bộ GD&ĐT có tính toán đến các phương án dự trù từ trước. Việc công bố dự thảo thông tư quy định chọn SGK lớp 1 (theo Nghị quyết 88) để xin ý kiến góp ý vẫn theo đúng tiến độ đề ra để kịp cho việc chuẩn bị “thay sách” từ năm học 2020 - 2021.

Chỉ có điều, thông tư này khi ban hành sẽ chỉ có hiệu lực từ 1/1/2020 đến hết tháng 30/6/2020. Vì từ 1/7/2020, Luật giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì việc chọn SGK khi ấy sẽ giao cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm; Bộ GD&ĐT sẽ ban hành một thông tư mới căn cứ theo quy định này trong Luật sửa đổi.

Cụ thể hơn, ông Thành cho biết, dự kiến trong thông tư hướng dẫn tới đây, Hội đồng chọn SGK cấp cơ sở giáo dục bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu của cơ sở giáo dục, các thành viên còn lại là hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên của các bộ môn...

Khi để các cơ sở giáo dục có quyền chọn SGK lớp 1 thì trong cùng một quận/huyện, mỗi trường tiểu học sẽ có hiện tượng chọn nhiều loại SGK khác nhau để dạy học. Tuy nhiên, theo ông Thành, dù giao cho các nhà trường chọn SGK, nhưng Phòng và Sở GD&ĐT các địa phương vẫn phải có trách nhiệm tiếp nhận báo cáo, tổng hợp số lượng, loại SGK được chọn.

Đặc biệt, trước băn khoăn của dư luận khi cùng trong một huyện/tỉnh lại có nhiều bộ SGK được đưa vào dạy, liệu sẽ có độ chênh lệch về mặt kiến thức giữa học sinh các trường với nhau?

Ông Thành chỉ ra rằng, Bộ GD&ĐT đã tính toán trước các phương án, khi có nhiều SGK thì việc đánh giá thi cử sẽ bám sát theo mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình, chứ không theo bất cứ một SGK nào.

Người học là chính, SGK là phụ

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể cho biết, phương án để cơ sở các trường hay UBND tỉnh lựa chọn SGK đều hợp lý, cơ bản nhất là hướng tới đảm bảo đúng tiến độ in ấn, phát hành và bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị cho chương trình giảng dạy từ năm học 2020- 2021.

Việc ban hành thông tư theo tinh thần Nghị quyết 88 giao quyền lựa chọn SGK cho các trường có hiệu lực trong 6 tháng đầu năm 2020 và từ năm sau sẽ quay lại đúng lộ trình của Luật Giáo dục sửa đổi. Dù là đơn vị nào được chọn sách trong những năm sau năm học 2020-2021 đều phải tuân thủ nguyên tắc kế thừa và chuyển tiếp, tuyệt đối không được thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến học sinh, trừ khi chính trường đó muốn thay đổi.

T2

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể.

GS Thuyết nhấn mạnh, trong chương trình mới không tuyệt đối hóa bất kỳ phương pháp nào hay cấm giáo viên không được tham khảo và giảng dạy các phương pháp tiến bộ mới. Hướng tới nhiệm vụ chủ chốt là tổ chức hoạt động cho học sinh, đảm bảo đạt tiêu chí đánh giá sau khi kết thúc mỗi chương trình học. Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp phải đi kèm với đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc kiểm tra hiện mới chỉ đòi hỏi kỹ năng giải bài tập, chưa đòi hỏi học sinh phải vận dụng, thực hành kiến thức. Áp lực của thi cử khiến cho các giáo viên dạy học sinh theo hướng áp đặt thiếu sáng tạo.

Cụ thể, các đề bài kiểm tra sẽ không trích dẫn từ SGK, dù bất kỳ cách làm nào, dẫn đến kết quả đúng vẫn sẽ được tính điểm. Đây là tính mở trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhằm đảm bảo nếu học sinh chuyển trường hoặc vì một lý do nào đó không được học liên tục một bộ hoặc một cuốn SGK vẫn không ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em.

Đây cũng là điểm mới được điều chỉnh tối ưu trong chương trình phổ thông mới tới đây theo hướng chủ động, sáng tạo, tư duy phản biện, SGK chỉ là phụ đạo cho người học.

Vị GS này cho rằng, dù đổi mới thế nào thì tiêu đánh giá vẫn phải bám sát tinh thần khung chương trình đã ban hành của phổ thông mới. Chúng ta không chỉ phân loại học sinh, mà còn phải xác định mức độ đáp ứng được các yếu tố cần đạt trong chương trình. Từ đó, điều chỉnh cách dạy và chương trình để cho học sinh học tốt hơn. Nói theo toán học thì là xác định tọa độ của học sinh trên sơ đồ phát triển.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn