Các trường đại học sẽ được mở rộng quyền tự chủ thế nào?

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 07/01/2020 15:40:00 +07:00
(VTC News) -

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Luật số 34 mở rộng quyền tự chủ của các trường rất cao, dù vẫn thực hiện chế độ chủ quản, nhưng theo cách rất khác.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34) ngày 6/1, đại diện nhiều đại học phản ánh những vướng mắc, băn khoăn về thực hiện tự chủ nhưng các cơ quan chủ quản còn can thiệp nhiều vào quyết sách của trường.

Chấm dứt việc văn bản nọ “đá” văn bản kia

Trước thực trạng đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, không nên có quan điểm tuyệt đối hóa việc loại bỏ vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp mới là thực hiện tự chủ đại học. Cơ quan chủ quản có vai trò đại diện cho quyền sở hữu nhà nước trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả các tài sản công tại các cơ sở giáo dục đại công lập như hiện nay.

 
Nghị định số 99/2019 hướng dẫn chi tiết những vấn đề trong Luật số 34 quy định, đặc biệt là thực hiện chủ trương mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Những nội dung hướng dẫn trong Nghị định 99 nói rất chi tiết về quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của các trường đại học. Những vấn đề liên quan đến nhân sự, tài chính, các trường thực hiện theo những quy định chung của Luật số 34, nghị định này và các quy định hiện hành.

Đặc biệt, bà Phụng nhấn mạnh: “Nghị định 99/2019 cũng mở rộng quy định cho cơ sở giáo dục đại học công lập có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng không được làm tăng số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương, phụ cấp từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp”.

Theo Vụ trưởng thông tin, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các nghị định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị; về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Các trường đại học sẽ được mở rộng quyền tự chủ thế nào? - 1

Bà Nguyễn Thị KIm Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT.

Theo đó, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ được quy định đồng bộ. Sẽ không có tình trạng văn bản nọ “đá” văn bản kia vì các Nghị định đều do Chính phủ ban hành.

Tuy nhiên, bà Phụng cho rằng, việc cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia hội đồng trường, công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường không làm giảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.

Vì hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Sự tác động của một số cá nhân không có yếu tố ảnh hưởng nếu không được tập thể hội đồng trường đồng thuận.

Buộc đơn vị chủ quản làm theo Luật 34

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Luật số 34 mở rộng quyền tự chủ của các trường rất cao.

Trong đó, gắn chặt trách nhiệm giải trình về các nội dung thực hiện các chuẩn quy định như: chuẩn giảng viên, các quy định chuẩn chương trình được kiểm định, các điều kiện đảm bảo chương trình đào tạo. Những chuẩn này phải được thực hiện công khai minh bạch qua cơ sở dữ liệu.

Các trường đại học sẽ được mở rộng quyền tự chủ thế nào? - 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

“Trước đây, cơ quan chủ quản nặng về tính hành chính, coi đại học, trường đại học như đơn vị trực thuộc giống như các đơn vị khác, áp các quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự… Nhưng nay, phải thực hiện theo quy định của Luật số 34 và Nghị định 99”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với việc kiện toàn hội đồng trường, cơ quan chủ quản cử đại diện đủ năng lực, trách nhiệm để tham gia. Việc bầu được đúng người làm Chủ tịch Hội đồng trường là trách nhiệm của cơ quan chủ quản.

 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý vẫn thực hiện chế độ chủ quản, nhưng theo một cách rất khác, bám sát quy đinh của Luật số 34 và Nghị định 99.

Ngoài ra, theo tư lệnh ngành, trước hết, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương trực tiếp phụ trách mảng này phải chủ động. Đây là trách nhiệm phân công theo Luật, theo phân công của Chính phủ, chứ không phải “làm hộ” Bộ GD&ĐT; phải rất minh bạch, sòng phẳng, trách nhiệm đến đâu phải thực hiện đúng đến đó.

Cùng với đó, các cơ quan chủ quản được chỉ đạo kiện toàn Hội đồng trường; trong đó, có việc cử đại diện đủ năng lực, trách nhiệm để tham gia Hội đồng trường. Phải bầu được đúng người làm Chủ tịch Hội đồng trường, đủ năng lực, trách nhiệm sẽ đại diện được tốt cho cơ quan chủ quản.

Đồng thời, theo Bộ trưởng phải tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ các cơ sở giáo dục đại học. Những vấn đề xảy ra trong nhà trường, trước hết nhà trường phải tự phát hiện ra, sau đó là cơ quan chủ quản phải phát hiện và xử lý, tiếp đó mới đến cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ GD&ĐT.

“Những lưu ý cần thực hiện này là trách nhiệm chứ không phải yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Bộ có trách nhiệm phối hợp để cùng các cơ quan thực hiện”, Bộ trưởng cho hay.

 

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn