Các tỉnh ven biển căng mình chống bão dữ

Thời sựThứ Bảy, 03/08/2013 07:50:00 +07:00

(VTC News) - Trước diễn biến phức tạp của bão Jebi, các tỉnh ven biển miền Bắc đã ráo riết triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống bão.

(VTC News) - Trước diễn biến phức tạp của bão Jebi, các tỉnh ven biển miền Bắc đã ráo riết triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống bão.

Xác định là địa phương bão trực tiếp đổ bộ, UBND các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đã tổ chức họp khẩn cấp với các ngành thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống bão.

Quảng Ninh: Dừng họp chống bão


UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh dừng tất cả các cuộc họp để thường trực chống bão. Theo đó, để chủ động các biện pháp phòng chống bão, các ngành, các địa phương phải theo dõi sát sao 24/24 giờ để thường xuyên thông tin cho người dân biết, sẵn sàng các biện pháp phòng chống.

hải phòng, thái bình, nam định, quảng ninh, chống bão, bão số 5, bão jebi
 UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh dừng tất cả các cuộc họp để thường trực chống bão. (Ảnh minh họa - internet)

Tàn bộ các chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long từ chiều 2/8 đều phải dừng hoạt động cho đến khi bão tan. Các địa phương Vân Đồn, Cô Tô thông báo đến các khách du lịch thông tin về cơn bão, yêu cầu di chuyển về nơi an toàn.

Các phương tiện neo đậu tránh trú bão phải được neo cẩn thận, chỉ để lại những người có sức khỏe trông tàu; các địa phương lên danh sách cụ thể và thực hiện di dời những hộ dân đang sinh sống trên các ao đầm nuôi trồng thủy sản, ngư dân sinh sống trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long lên bờ xong trước 8 giờ ngày 3/8.

Đối với các huyện Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Đầm Hà, yêu cầu phải đặc biệt lưu ý các tuyến đê biển, đê ở các xã đảo. Các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều rà soát toàn bộ các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, sẵn sàng di dời dân.

Thái Bình: Kêu gọi ngư dân vào bờ


Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là các huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy đẩy mạnh các phương án phòng tránh bão. Huyện Tiền Hải đã liên lạc và đưa được 718 phương tiện tàu thuyền và 1.350 hộ dân đang sinh sống ngoài biển vào nơi trú ẩn an toàn.

hải phòng, thái bình, nam định, quảng ninh, chống bão, bão số 5, bão jebi
Thái Bình đã liên lạc đưa các phương tiện tàu thuyền và hộ dân sinh sống ngoài biển vào nơi trú ẩn an toàn. )Ảnh minh họa - LĐ )

Tuy nhiên, dù đã di chuyển tất cả tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn nhưng vẫn không loại trừ khả năng nhiều người vẫn trốn ra biển để tranh thủ đánh bắt hải sản. Vì vậy, Đồn biên phòng Cửa Lân vẫn ứng trực 100% quân số, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để có biện pháp cưỡng chế đối tượng này.

Toàn tỉnh Thái Bình, các đơn vị đã liên lạc và đưa gần 1.200 tàu thuyền với hơn 3.000 lao động đang hoạt động khai thác thủy, hải sản di chuyển về nơi trú ẩn an toàn. Ngành Nông nghiệp chỉ đạo công ty thủy lợi Bắc và Nam bố trí lực lượng, tranh thủ mở các cống để hạ mực nước trong toàn hệ thống.

Hải Phòng: Sơ tán hàng nghìn dân về nội thành

Thành phố Hải Phòng đã chuẩn bị 107 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp, ôtô… để sẵn sàng tham gia chống bão. Hiện, gần 1.000 người đã được di chuyển về hai xã Trân Châu, Hiền Hào và về đất liền.

Những người được chuyển đi chủ yếu là người già, trẻ em, có cán bộ địa phương đi kèm để lo thực phẩm, nước uống và bố trí chỗ ăn ở cho người dân. Khoảng 2.000 người sẽ được di dân tại chỗ, đến những nhà cao tầng hoặc trụ sở trường học, bệnh viện...

hải phòng, thái bình, nam định, quảng ninh, chống bão, bão số 5, bão jebi
Gần 1.000 người đã được di chuyển về nơi an toàn. Ảnh: LĐ

Dự báo khoảng gần trưa nay bão sẽ đổ bộ vào Hải Phòng vào đúng thời điểm triều cường, làm cho các vùng ven biển sẽ có sóng lớn và nước dâng cao. Đối phó bão số 5, Hải Phòng đã ra lệnh cấm biển từ 19 giờ tối 2/8.

Theo đó, các phương tiện vận tải, hoạt động vui chơi, giải trí ven biển đều phải dừng hoạt động và di chuyển vào nơi neo đậu an toàn. Tàu cứu nạn CN09 của Bộ đội Biên phòng và các tàu tìm kiếm cứu nạn SAR411, SAR273 được điều động ra ứng trực tại vùng biển Cát Bà sẵn sàng cứu nạn.

Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố yêu cầu dừng các hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thủy nội địa bắt đầu từ 17 giờ 3/8; tổ chức sơ tán người ở các khu vực xung yếu, trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản hoàn thành trước 7 giờ 3/8.

Nam Định: Kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn


Đến trưa 2/8, Bộ đội Biên phòng Nam Định đã gọi toàn bộ 2.089 tàu thuyền với 11.196 ngư dân đang đánh cá trên biển vào nơi trú ẩn; trong đó có 2.070 tàu thuyền (11.082 ngư dân) neo đậu tại các bến trên địa bàn tỉnh. Số phương tiện, ngư dân còn lại trú ẩn trên địa phận các tỉnh bạn.

hải phòng, thái bình, nam định, quảng ninh, chống bão, bão số 5, bão jebi
 Cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng gia cố đê biển, giúp nhân dân địa phương chủ động phòng chống bão. Ảnh: VOV

Các công ty thủy nông đã huy động toàn bộ 73 máy bơm để bơm tiêu nước đệm, tổ chức lực lượng khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương. Các địa phương, đơn vị tập kết 50.843m3 đá các loại; 5.178 rọ thép; gần 548 nghìn bao tải; 3.000m2 bạt chống sóng tại các trọng điểm, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của bão có thể xảy ra.

Hà Nội đối phó với ngập úng


Tại cuộc họp khẩn của UBND TP Hà Nội chiều 2/8, đại diện Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão cho biết, bão Jebi đi nhanh, khả năng chiều mai vào Đông Bắc Bộ, gây mưa lớn cho khu vực Hà Nội. Trong 3 ngày 3-4/8, lượng mưa dự báo 150-200 mm, sẽ gây ngập úng trên diện rộng.

hải phòng, thái bình, nam định, quảng ninh, chống bão, bão số 5, bão jebi
UBND TP Hà Nội khẩn cấp họp bàn các biện pháp chống ngập lụt. Ảnh: VNE

Hà Nội đã đưa ra 12 tình huống, từ ngập úng nội ngoại thành với khoảng 70.000 hộ dân bị ảnh hưởng cho đến các tình huống vỡ đê Hữu Hồng, Tả Hồng từng khu vực, vỡ đê khu vực ngoại thành như Tả Bùi, Tả Tích, Hữu Cầu, Mỹ Hà... để các đơn vị liên quan có phương án xử lý.

Hiện 4 doanh nghiệp lớn của Hà Nội đã dự trữ khối lượng hàng hóa trị giá 96 tỷ đồng để cứu trợ dân, bao gồm: hơn 6 triệu gói mì ăn liền, 3,6 triệu lít nước đóng chai, 253.000 cây nến, 1,8 triệu hộp thực phẩm chế biến, 105 tấn gạo...  

TP Hà Nội cũng chỉ đạo các sở ngành phải ứng trực 24/2 giờ, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão phải mở di động 24/24 giờ để lãnh đạo thành phố điều hành khi cần thiết.

Diệp Vy (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn