Các tiêm kích thế hệ thứ 5 hiện đại nhất thế giới (P2)

Khám pháThứ Tư, 20/10/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Mặc dù hiện nay mới chỉ có Mỹ sở hữu máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5, song trong một vài năm tới Nga, Nhật,TQ và Ấn Độ cũng sẽ sở hữu.

(VTC News) – Mặc dù hiện nay mới chỉ có duy nhất nước Mỹ là đang sở hữu máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 trong biên chế, song trong một vài năm tới dòng máy bay tiêm kích loại này có thể sẽ có mặt ở Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc,…

 

3. F-35 Lightning II của Mỹ.

Máy bay tiêm kích X-35 - tiền thân của F-35 Lightning II hiện nay. 

Được phát triển dựa trên máy bay tiêm kích X-35, F-35 Lightning II là loại máy bay tiêm kích tấn công đa năng thế hệ thứ 5mang nhiều đặc tính ưu việt, đặc biệt là sự kết hợp tính năng tàng hình tiên tiến với tốc độ siêu âm và khả năng bay kỹ thuật cao.

F-35 được sử dụng chủ yếu để hỗ trợ lực lượng mặt đất, ném bom chiến thuậttác chiến trên không. Máy bay loại này lần đầu tiên “xuất đầu lộ diện” vào năm 2000 và bắt đầu thử nghiệm trên không từ năm 2006.


Nó được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bởi tổ hợp công nghiệp hàng không do Lockheed Martin(nhà thầu chính chịu trách nhiệm lắp ráp cuối cùng, tích hợp các hệ thống chung trên máy bay, hệ thống kiểm soát hàng không, thân trước, cánh hệ thống kiểm soát bay),BAE Systems(phụ trách lắp ráp radar quét tích cực AESA-Active Electronically Scanned Array, thân giữa, khoang vũ khí và thiết bị hỗ trợ hạ cánh) vàNorthrop Grumman (phụ trách lắp ráp thân sau, thiết bị làm ổn định cánh, cánh đuôi ngang và đuôi đứng, hệ thống thông khí, thoát hiểm, các hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống nhiên liệuphần mềm kiểm soát bay FCS1-Flight Control Software).


So sánh về kích thước cũng như kết cấu của các dòng máy bay tiêm kích F-16, F-22 và F-35 của Không quân Mỹ. 

Ngoài các Tập đoàn này, tham gia nghiên cứu, chế tạo và đầu tư cho công tác nghiên cứu, phát triển máy bay tiêm kích F-35 còn có Anh với mức đóng góp khoảng 2,5 tỉ USD chiếm 10% tổng chi phí phát triển máy bay, Ý 1 tỉ USD và Hà Lan 800 triệu USD, Canada 440 triệu USD, Thổ Nhĩ Kỳ 175 triệu USD, Úc 144 triệu USD, Na Uy 122 triệu USD, Đan Mạch 110 triệu USD.

Tên của F-35 được đặt là Lightning IInhằm tôn vinh chiếc máy bay chiến đấu cánh quạt 2 động cơ thời Thế chiến thứ II P-38 Lightning và chiếc phản lực thời Chiến Tranh Lạnh English Electric Lightning của Vương Quốc Anh.

Máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II của Không lực Hoa Kỳ. 

Nhìn kết cấu bề ngoài, F-35 trông gọn gàng, nhỏ nhắn hơn “ông anh” F-22 Raptor mặc dù nó có kế thừa một số yếu tố thiết kế. So với các loại máy bay chiến đấu hiện tại thì F-35 nổi lên với một số đặc điểm đặc trưng như: kỹ thuật tàng hình công nghệ cao khiến cho radar đối phương khó phát hiện hơn, đồng thời lại rất dễ dàng trong quá trình bão dưỡng, sửa chữa, nâng cấp nên cũng đỡ tốn kém hơn...


Hệ thống radar và các thiế bị cảm biến trên khoang tích hợp với hệ thống thông tinliên lạc mặt đất nên khả năng nhận biết tình huống của phi công, nhận biết địch thủ và sử dụng vũ khí của phi công trở nên chính xác hơn, khả năng chuyển tiếp thông tin đến các nút chỉ huy và điều khiển khác cũng nhanh hơn nhờ hệ thống đường truyền tốc độ caoIEEE-1394b  Fibre Channel….


Sơ đồ kết cấu, bố trí vũ khí, trang thiết bị trên khoang của một trong những biến thể của F-35. 

Mặc dù hiện nay kỹ thuật hiển thị thông tin lên mũ bay (helmet-mounted display) đã áp dụng trên một số máy bay chiến đấu thế hệ IV như JAS 39 Gripen của Thụy Điển song F-35 lại được lựa chọn là máy bay đầu tiên ứng dụng kỹ thuật này để thay thế hoàn toàn cho kỹ thuật hiển thị thông tin trước mặt (head-up display).

Hiện nay F-35 Lightning II được phát triển 3 phiên bản khác nhau (F-35A CTOL cất và hạ cánh thông thường giành cho Không quân, F-35B STOVL cất và hạ cánh trong khoảng cách ngắn và F-35C trang bị cho tàu sân bay) để sử dụng vào các mục đích khác nhau tùy vào từng chiến dịch tác chiến và mục đích đặt ra.

Mô hình máy bay tiêm kích F-35A. 

F-35A
dòng máy bay cất và hạ cánh thông thường (CTOL-conventional takeoff and landing) sử dụng cho Không lực Hoa Kỳ và Không quân một số nước đồng minh khác của Mỹ. Đây là phiên bản nhỏ nhất, nhẹ nhất, và là phiên bản duy nhất được trang bị pháo GAU-12/U 25 mm phát triển từ pháo M61 Vulcan 20 mm gắn bên trong thân.


F-35A không chỉ tương đương với F-16 về độ cơ động, phản ứng nhanh, chịu trọng lực cao
mà thậm chí ở một số tính năng như: tàng hình, tải trọng, tầm bay, thiết bị dẫn đườngkhả năng sinh tồn… còn vượt trội hơn hẳn. Rất có thể, trong tương lai gần F-35 còn được trang bị cả thiết bị laser và cảm biến hồng ngoại để dần thay thế máy bay tiêm kíchF-16 Fighting FalconA-10 Thunderbolt II.


Máy bay tiêm kích F-35 Lightning II biến thể B. 

F-35B
là kiểu máy bay cất và hạ cánh trong phạm vi hẹp (STOVL-short take-off vertical landing). Về kích thước F-35B tương đương với F-35A. Thay cho các động cơ nâng, các đầu xoay trên cánh quạt và ống xả động cơ, F-35B dùng một ống xả ở đuôi máy bay hướng xuống dưới và một quạt nâng vận hành. Động cơ của F-35B có khả năng khuếch đại luồng khí thổi gần giống như kiểu động cơ turbo-cánh quạt đẩy luồng khí không cháy ở vận tốc thấp.


Dự kiến, F-35B s
được bắt đầu đưa vào biên chế tác chiến từ năm 2012 để thay thế cho dòng máy bay AV-8B Harrier II, F/A-18 Hornet và Harrier Jump Jet - kiểu máy bay chiến đấu STOVL đầu tiên trên thế giới được đưa vào hoạt động. Ngoài Mỹ, Không quân và Hải quân Anh cũng sẽ sử dụng F-35B để thay thế máy bay Harrier GR7/GR9.


Máy bay tiêm kích F-35 Lightning II biến thể C. 

F-35C
là phiên bản máy bay tiêm kích dành cho Hải quân nên được thiết kế cánh lớn hơn F-35A và F-35B, đồng thời cánh của F-35C lại hoạt động rất linh hoạt, có thể gập xuống, thu gọn được, diện tích sải cánh lớn để tăng độ thăng bằng khi hoạt động ở tốc độ thấp cũng như khi hạ cánh trên boong của tàu sân bay.

Mỹ dự định sẽ bắt đầu trang bị dòng máy bay này cho Hải quân Mỹ vào năm 2012 với tổng số lượng khoảng 480 chiếc để dần thay thế cho F/A-18 các lớp A, B, C và D đã cũ vẫn còn hoạt động trong biên chế. Theo đánh giá của giới chuyên gia, F-35C sẽ là bước ngoặt lớn về công nghệ và khả năng tác chiến so với các dòng máy bay tiêm kích chiến đấu hiện có trong biên chế của Hải quân Mỹ.


Một số đặc tính kỹ-chiến thuật của máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II:


       

Cánh của F-35 có khả năng cơ động linh hoạt và thiết kế dài hơn so với các tiêm kích chiến đấu thông thường. 
Đặc điểm chung:

  • Đội bay: 01 người
  • Chiều dài: 15,37 m (50 ft 6 in)
  • Sải cánh: 10,65 m (35 ft)
  • Chiều cao: 5,28 m (17 ft 4 in)
  • Diện tích bề mặt cánh: 42,7 m² (459.6 ft²)
  • Trọng lượng không tải: 12.000 kg (26.000 lb)
  • Trọng lượng có tải: 20.100 kg (44.400 lb)
  • Trọng lượng cất cánh lớn nhất: 27.200 kg (60.000 lb)
  • Động cơ:
    • Động cơ ban đầu: 01 động cơ Pratt & Whitney F135, lực đẩy 128 kN (28.000 lbf), lực đẩy khi có đốt sau 191 kN (43.000 lbf)[48].
    • Động cơ thế hệ sau (đang phát triển): 01 động cơ General Electric/Rolls-Royce F136 có đốt sau, lực đẩy > 178 kN (40.000 lbf)
    • Động cơ nâng (STOVL): 01 hệ thống nâng Rolls-Royce kết hợp với cả 2 loại động cơ F135 hay F136, lực nâng 80 kN (18.000 lbf)

     

Cận cảnh động cơ sử dụng trên máy bay tiêm kích F-35. 
Đặc tính bay:

  • Tốc độ lớn nhất: 1,8 Mach (1.930 km/h ; 1.200 mph)
  • Tầm bay tối đa: 2.200 km (1.200 nmi ; 1.400 mi)
  • Bán kính chiến đấu: 1.100 km (600 nmi ; 690 mi)
  • Tốc độ lên cao: thông tin mật không công bố
  • Lực nâng của cánh: 446 kg/m² (91,4 lb/ft²)
  • Tỉ lệ lực đẩy/khối lượng: khi đầy nhiên liệu: 0,968; khi nạp 50% nhiên liệu: 1,22[48]

     

Hệ thống vũ khí, trang bị biên chế trên máy bay tiêm kích F-35. 
Vũ khí:

  • 1 × pháo GAU-12/U 25 mm — gắn trong thân F-35A với 180 quả đạn hoặc gắn bên ngoài cánh F-35B và F-35C với 220 quả đạn.
  • Trong thân máy bay tối đa 4 tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa không đối không và 2 tên lửa không đối đất (tối đa 2 vũ khí nặng đến 2.000 lbs trên các kiểu A và C; 2 vũ khí nặng đến 1.000 lbs trên kiểu B ) trong khoang chứa bom. Chúng có thể là kiểu AMRAAM, Joint Direct Attack Munition (JDAM) — cho đến 2.000 lb (910 kg), Joint Standoff Weapon (JSOW), Small Diameter Bombs (SDB) — tối đa 4 đơn vị vũ khí cho mỗi khoang, tên lửa chống tăng Brimstone, Cluster Munitions (WCMD) và High Speed Anti-Radiation Missiles (HARM). Tên lửa đối không MBDA Meteor đang được cải biến để lắp vừa bên trong và có thể trang bị cho F-35.
  • Nhiều tên lửa, bom và thùng nhiên liệu phụ có thể gắn trên 4 đế dưới cánh và 2 vị trí đầu chót cánh. Vị trí đầu chót cánh chỉ mang được tên lửa đối không tầm ngắn (AIM-9), trong khi Storm Shadow và tên lửa hành trình JASSM có thể được mang bổ sung ở các vị trí khác. Vũ khí không đối không có thể mang (cả trong và ngoài thân) gồm 12 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa AIM-9; hoặc 6 bom 2.000 lb, 2 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa AIM-9.

Mô hình khoang điều khiển trong khoang lái của máy bay tiêm kích F-35. 

Ngoài ra, vũ khí năng lượng định hướng cũng có thể gắn được trên phiên bản F-35A CTOL (cất cánh và hạ cánh thông thường), việc bỏ bớt quạt nâng thẳng đứng giúp tiết kiệm chỗ được 2,8 m³ giúp bổ sung thêm một máy phát dẫn động bằng trục mạnh đến 20 MW. Một số loại vũ khí mới, bao gồm vũ khí laser bán dẫn và vũ khí chùm sóng ngắn năng lượng cao cũng sắp được đưa vào sử dụng và biên chế cho máy bay tiêm kích F-35.


4. Máy bay tiêm kích của Ấn Độ dựa trên PAK FA T-50 của Nga.


Sau nhiều năm đàm phán đầy khó khăn, Ấn Độ mới hoàn thành được hợp đồng thiết kế sơ bộ (PDC) với Nga. Theo đó, Ấn Độ sẽ cùng Nga hợp tác phát triển dự án nghiên cứu, chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5.


Nếu được Ủy ban An ninh Ấn Độ chấp thuận, hợp đồng sẽ được chính thức ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đến Ấn Độ vào tháng 12 tới.

Mô hình máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 trong tương lai của Ấn Độ. 

Liên quan đến sự kiện trọng đại này, Không quân Ấn Độ ngày 5/10 vừa qua đã ra tuyên bố, sẽ chi 25 tỷ USD để đầu tư nghiên cứu và phát triển dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 FGFA dựa trên phiên bản máy bay tiêm kích tiền phương PAK FA T-50 của Nga.


Máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của Ấn Độ sẽ được thiết kế với hai phiên bản (một chỗ ngồi và hai chỗ ngồi). Đây sẽ là dòng máy bay chiến đấu đa dụng được trang bị các thiết bị điện tử trên khoang mới nhất, có khả năng tàng hình trước các phương tiện radar hiện đại của đối phương, có hỏa lực mạnh, độ chính xác cao khi tiêu diệt mục tiêu, có khả năng quan sát 360 độ và được trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, công nghệ tiên tiến.

 

Máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 FGFA của Ấn Độ sẽ được phát triển dựa trên máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 PAK FA T-50 của Nga. 

Chủ tịch Công ty Hàng Không Hindustan HAL – cơ quan sẽ phụ trách thiết kế và sản xuất máy bay tiêm kích tàng hình của Ấn Độ cho biết: “Khi PDC được ký kết, chúng tôi sẽ hoàn thiện bản thiết kế máy bay tiêm kích tàng hình với thời gian khoảng 1,5 năm cộng thêm quá trình phát triển và sản xuất khoảng 10 năm".


Dự kiến, Ấn Độ sẽ chịu trách nhiệm khoảng 30% công việc thiết kế trong dự án và chủ yếu tập trung vào các bộ phận tổng hợp với chức năng tàng hình và một số thiết bị điện tử như bảng điện tử hàng không, hệ thống tác chiến điện tử và màn hình hiển thị trong khoang lái.


Trong tương lai không xa, Ấn Độ cũng sẽ gia nhập nhóm số ít các quốc gia sở hữu máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5. 

Ngoài ra, Ấn Độ sẽ phải chịu trách nhiệm thiết kế từ chiếc máy bay tiêm kích tàng hình một chỗ ngồi thành loại hai chỗ ngồi biên chế trong lực lượng không quân Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ, Lực lượng Không quân Ấn Độ sẽ triển khai khoảng 250 chiếc máy bay tiêm kích tàng hình, mỗi chiếc có trị giá khoảng 100 triệu USD.

Kể từ những năm 1990, Cục Thiết kế Sukhoi của Nga đã phát triển loại máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 PAK-FA với tầm hoạt động hơn 5.000 km, nhằm cạnh tranh với máy bay tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ.

Ấn Độ dự kiến chi tới 25 tỷ USD để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vào sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 với hai phiên bản một chỗ ngồi và hai chỗ ngồi. 

Cho đến nay, F-22 Raptor và F-35 Lightning II là hai loại máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 duy nhất được đưa vào biên chế và sử dụng trên thế giới. Trong khi đó, vào tháng 1/2010, chiếc máy bay tiêm kích tiền phương tiên tiến thế hệ thứ 5 đầu tiên của Nga PAK FA T-50 của Tập đoàn Sukhoi mới bắt đầu thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.


Còn tiếp…



Hữu Kỷ - Nhật Minh
(Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn