Các ông bầu đau đầu vì kinh phí dự V-League 2013

Thể thaoThứ Bảy, 03/11/2012 11:11:00 +07:00

(VTC News) - Để có đủ điều kiện về mặt tài chính tham dự mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2013, các CLB đã đề xuất xin được hưởng mức ưu đãi về thuế

(VTC News) - Để có đủ điều kiện về mặt tài chính tham dự mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2013, các CLB đã đề xuất xin được hưởng mức ưu đãi về thuế.

Tại Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp chuẩn bị cho mùa giải 2013 diễn ra sáng nay 3/11, 4 vấn đề nóng đã được đưa ra để bàn bạc. Thứ nhất là chuyện số lượng ngoại binh. Thứ hai là kinh phí tham dự cho mùa bóng mới. Thứ ba là giới hạn độ tuổi chuyển nhượng cho cầu thủ. Và cuối cùng là mức lương trần cho các cầu thủ.

Ông Nguyễn Hồng Thanh xin giảm thuế đánh vào tiền chuyển nhượng 

Ở buổi làm việc sáng nay, mới chỉ có 3 vấn đề đầu tiên được đem ra mổ xẻ. Trong khi đa phần các đội bóng đều thống nhất ở mức 4 cầu thủ ngoại được đăng ký và 3 được thi đấu, thì vấn đề kinh phí lại vẫn đang là một bài toán khó dành cho các ông bầu.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA phân trần: “Kinh phí hoạt động mùa giải mới của SLNA chỉ là 50 tỷ. Tính riêng chuyện nộp thuế đã mất 10 tỷ đồng, thêm một số khoản chi liên quan tới đào tạo trẻ và công tác văn phòng thì chỉ còn khoảng 25 tỷ. Số tiền đó nếu tiếp tục được dùng cho việc chuyển nhượng thì kinh phí hoạt động sẽ không còn".

Bản thân đội bóng xứ Nghệ hiện có tới 6 cầu thủ đã hết hợp đồng mà CLB này vẫn chưa có tiền tái ký hợp đồng. Vì thế ông Thanh mạnh dạn đề xuất việc giảm mức thuế đánh vào các thương vụ chuyển nhượng. Cụ thể, ông Thanh nêu ý kiến đưa tiền chuyển nhượng vào danh mục thu nhập không thường xuyên, và thay vì đánh thuế 35% như hiện tại thì giảm xuống chỉ còn ở mức 10%.

Với giá của một chữ ký ở làng bóng đá Việt hiện nay đều rơi vào ngưỡng tiền tỷ, thì việc cắt giảm 25% thuế đánh vào giá trị chuyển nhượng, mỗi CLB hàng năm cũng phải để dành được cỡ ngót nghét chục tỷ.

Cũng theo ông Thanh thì việc để độ tuổi chuyển nhượng cầu thủ, theo như dự kiến là 25, hiện tại là khá cao. Tuổi đời trung bình của các cầu thủ Việt Nam không dài như các cầu thủ nước ngoài nên thường khi bước sang tuổi 25, các cầu thủ chỉ còn có thể chơi bóng đỉnh cao thêm vài ba năm nữa.

Vì thế, thay vì áp khung cứng cho độ tuổi chuyển nhượng, ông Thanh định ra một mức khung mềm cho từng trường hợp. Ví dụ, một cầu thủ khi ký hợp đồng chuyên nghiệp năm 18 tuổi (đủ độ tuổi lao động) phải khác so với một cầu thủ ký hợp đồng chuyên nghiệp năm 20 tuổi.

"Theo tôi, sau khi thi đấu 6 năm cho CLB, một cầu thủ sẽ được quyền chuyển sang chơi cho một đội bóng khác", ông Thanh nêu rõ.

Bầu Đệ dặc biệt chú trọng tới cơ cấu BTC giải trong mùa bóng mới 

Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch CLB Thanh Hóa lại đặc biệt nhấn mạnh tới công tác điều hành giải. Từng nhiều lần cám cảnh vì cho rằng bị xử ép, ông Đệ nêu ý kiến rằng thành phần lãnh đạo trong BTC giải mùa bóng tới cần có sự phân chia rõ ràng.

"Theo tôi cơ cấu trong BTC giải nên ở mức Liên đoàn 40%, VPF 30%, các thành phần khác như báo chí, luật sư… là 30%. Tuyển chọn trọng tài cần thận trọng kỹ lưỡng hơn. Số lượng đội bóng đăng ký nên là số chẵn như 10, 12, 14", ông Đệ bày tỏ quan điểm.

Khác với ông Nguyễn Hồng Thanh, bầu Đệ lại công khai bày tỏ sự ủng hộ với chuyện giới hạn độ tuổi chuyển nhượng của cầu thủ là 25.

Nhân việc ĐTQG đang tập trung chuẩn bị cho AFF Cup, bầu Đệ cũng nêu ý tưởng về chuyện gọi các cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển. Điều ấy vừa giúp ĐT Việt Nam mạnh mẽ hơn, vừa giúp triệt tiêu một bộ phận các cầu thủ yếu về tư cách ở ĐTQG.

Giang Hương

Bình luận
vtcnews.vn