Các nhà tài trợ Olympics Tokyo 'tiến thoái lưỡng nan' vì đầu tư vào thế vận hội

Thời sự quốc tếThứ Hai, 26/07/2021 10:26:44 +07:00
(VTC News) -

Các nhà tài trợ cho Olympics Tokyo 2020 bỏ ra đến hàng tỷ USD cho sự kiện này nhưng những gì nhận lại không được như mong đợi.

Khi Asahi Breweries cam kết tài trợ hơn 100 triệu USD cho thế vận hội ở Nhật Bản, họ muốn nói với người hâm hộ ở tất cả các sân vận động hay cả từ những nơi khác rằng sản phẩm của họ là “Bia chính thức tại Tokyo 2020” .

Nhưng bây giờ, hầu hết tất cả khán giả đã bị cấm tại thế vận hội. Hơn nữa, nếu thương hiệu xuất hiện tại sự kiện trong khi một bộ phận công chúng cho rằng Olympics làm tăng nguy cơ dịch bệnh, đó sẽ là một "tiêu chuẩn kép" ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của họ. Như vậy, cũng giống như Asahi, mối quan tâm của nhiều công ty với COVID-19 ngày càng tăng, trong khi kế hoạch đầu tư quảng cáo của họ ngày càng lúng túng.

Các nhà tài trợ Olympics Tokyo 'tiến thoái lưỡng nan' vì đầu tư vào thế vận hội - 1

Một áp phích quảng cáo sự kiện Olympic ở Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Nhà tài trợ ngán ngẩm

Chung cảnh ngộ này là khoảng 50 công ty Nhật Bản đã đầu tư hơn 3 tỷ USD cho thế vận hội Tokyo, khoản đóng góp lớn nhất từ các doanh nghiệp nước chủ nhà tại thế vận hội từ trước đến nay.

Ngay cả trong thời gian bình thường, việc tài trợ cho thế vận hội cũng có những nhược điểm nhất định. Theo chính sách "sân thi đấu sạch sẽ" của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), các công ty không được dán tên của họ trên bề mặt sân vận động hoặc đồng phục của vận động viên. Một số tranh cãi chính trị hoặc các tranh cãi khác cũng dễ nổ ra.

Tuy nhiên, các nhà tài trợ vẫn bị thu hút đến thế vận hội, phần lớn vì điều đó cho phép họ sử dụng biểu tượng Olympics trong quảng cáo và nhãn sản phẩm của mình. Họ cũng có thể tận dụng thiện chí và tình cảm liên quan đến lòng yêu nước từ các vận động viên lập kỷ lục và giành huy chương.

Các nhà tài trợ Olympics Tokyo 'tiến thoái lưỡng nan' vì đầu tư vào thế vận hội - 2

Toyota ký tên làm nhà tài trợ chính với IOC năm 2015. (Ảnh: dpa)

Những rắc rối ở Tokyo có phần dễ quản lý hơn đối với 14 công ty toàn cầu có hợp đồng với IOC. Những công ty đó, bao gồm Visa, Intel và Alibaba Trung Quốc, có thể hướng đến kết quả khả quan hơn ở thế vận hội mùa đông Bắc Kinh thời gian tới, hoặc thế vận hội mùa hè Paris năm 2024.

Trong khi đó, hầu hết các nhà tài trợ Nhật Bản đều có các thỏa thuận đặc biệt cho thế vận hội Tokyo, và một số kế hoạch tiếp thị tại chỗ đang không đi đến đâu.

Nippon Telegraph & Telephone lên kế hoạch trình diễn công nghệ thực tế tăng cường để khán giả có thể xem một cuộc đua thuyền như thể họ đang ở trên mặt nước gần các đối thủ cạnh tranh. Nhưng những người duy nhất có thể trải nghiệm hành trình này bây giờ là những người tham gia hoặc làm việc tại thế vận hội.

Toyota Motor đã hủy bỏ các cuộc trình diễn xe thân thiện với môi trường theo kế hoạch.

Asahi Breweries, thuộc sở hữu của Asahi Group, là một trong 15 đối tác vàng của Tokyo 2020.

Trong tuyên bố, Tập đoàn Asahi cho biết họ đang nỗ lực quảng bá sản phẩm của mình tới những người đang xem thế vận hội ở quê nhà và cả các nơi khác.

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò gần đây của đài truyền hình NHK cho thấy chỉ có 22% người dân ở Tokyo mong đợi được thưởng thức thế vận hội. Hơn 2/3 cho biết họ lo ngại về sự lây lan của các biến thể COVID-19 từ nước ngoài vì thế vận hội. Điều đó có thể làm xấu hình ảnh mà các nhà tài trợ mong đợi liên quan đến sản phẩm.

Các nhà tài trợ Olympics Tokyo 'tiến thoái lưỡng nan' vì đầu tư vào thế vận hội - 3

Nhân viên y tế tại một sân vận động Olympics. (Ảnh: Reuters)

Gánh nặng trong COVID-19

Những lợi ích kinh tế từ Olympics Tokyo 2020 có thể bị làn sóng COVID-19 mới lấn át. Theo nghiên cứu từ Đại học Oxford, kỳ Olympics năm nay tại Nhật đắt đỏ kỷ lục.

Chính phủ Nhật Bản đã chi gấp đôi ngân sách ban đầu cho Olympics, ước tính 15,4 tỷ USD, và công ty kiểm toán chính thức của nước này dự đoán rằng tổng chi tiêu có thể lên tới 20 tỷ USD.

Chi tiêu hiện tại cho thấy Nhật cần thêm 2,8 tỷ USD bổ sung từ thời gian trì hoãn một năm, bao gồm các chi phí như thương lượng lại hợp đồng và các biện pháp để chống lại đại dịch.

Trong khi những người phê bình cho rằng các nhà tổ chức đang đặt doanh thu lên trên an toàn, việc tổ chức thế vận hội Tokyo cũng không đem lại lợi nhuận kinh tế lớn đến vậy.

Thậm chí, các nhà kinh tế đã tham gia cùng các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo về nguy cơ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự gia số ca bệnh sau thế vận hội.

Viện nghiên cứu Nomura ước tính vào tháng 5 rằng tác động đối với nền kinh tế Nhật Bản từ tình trạng khẩn cấp lần thứ nhất và thứ hai ở Nhật Bản là khoảng 58 tỷ USD, so với 16 tỷ USD khi hủy thế vận hội.

Phương Anh(Nguồn: WSJ, Sky News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp