Các nhà khoa học giấu kín bộ xương loài vật gì ở Cúc Phương?

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 05/08/2016 06:35:00 +07:00

Qua ánh sáng lờ nhờ yếu ớt lọt qua những kẽ lá của khu rừng rậm Cúc Phương, tôi quan sát kỹ lưỡng bộ xương hóa thạch được cho là độc nhất vô nhị ở vùng Đông Nam Á.

Kỳ 2 (Kỳ cuối): Anh chàng câm và hành trình tìm ra hóa thạch cổ

Qua ánh sáng lờ nhờ yếu ớt lọt qua những kẽ lá của khu rừng rậm Cúc Phương (Ninh Bình), tôi quan sát kỹ lưỡng bộ xương hóa thạch được cho là độc nhất vô nhị ở vùng Đông Nam Á rộng lớn này. Một dãy đốt sống gồm 12 đốt nguyên vẹn, rõ ràng, lồi ra khỏi mặt phẳng phiến đá như được một nghệ sĩ tài hoa đẽo tạc. Những đốt sống hình trụ, thót giữa, mặt lõm sâu chẳng khác gì đốt sống của các loài thú lớn ngày nay.

Ngoài một dãy đốt sống, còn có những rẻ xương dài, hơi cong, mà tôi đồ rằng là xương sườn nằm lung tung trên mặt đá. Vài chiếc xương sườn xếp như những chiếc xương quạt giấy lại nằm lộn lên đầu “khủng long”. Điều này chẳng có gì lạ. Qua hàng trăm triệu năm vận động tạo sơn, qua hàng trăm triệu năm bùn đất hóa đá, bộ xương con vật bị vần vò, nên mấy rẻ xương sườn có “nhảy” lên đầu cũng là chuyện bình thường.

Ngồi bên hóa thạch mà các nhà khoa học ước chừng có tuổi 230 triệu năm, nhiều cảm xúc trong tôi ùa về. Trí tưởng tượng chợt trôi về ký ức xa xưa, khi mà vào kỷ Trias giữa, ngọn núi tôi đang đứng là vùng ven biển, với đầm lầy bùn thụt. Khi ấy, dưới biển là các loài quái thú kiểu như “quái vật hồ Loch Ness”, trên bờ là các loài khủng long to lừng lững, còn ven biển là những loài bò sát cũng to lớn không kém.

DSC09891

 Tác giả và anh Hiến tại vách đá có bộ xương hóa thạch

Trong số hàng triệu “quái vật” sinh ra, chết đi, xương thịt trở về với cát bụi, có một chú bò sát răng phiến, là loài bò sát có thể sống dưới biển hoặc trên bờ, thường được gọi là Ngư Long, hay “quái vật biển” trong các truyền thuyết, rơi vào vùng có nhiều trầm tích. Trải thời gian, thịt da con thú này bị phân hủy, phần xương cứng nhanh chóng được bao bọc bởi các lớp trầm tích dưới đáy biển. Những vật chất tạo hóa thạch sẽ từng ngày ngấm vào xương con thú. Trải qua hàng triệu năm, dưới áp suất lớn, cả lớp trầm tích bao bọc bộ xương sẽ biến thành một khối đá liền nằm dưới đáy biển. Rồi lại hàng triệu năm vận động của vỏ trái đất, khối đá từng nằm dưới đáy biển nhô lên thành núi non sừng sững giữa đất liền.

Quá trình núi non nâng lên, hạ xuống tạo ra lực tác động khiến khối đá “thạch táng” chú bò sát răng phiến vỡ ra, để lộ một mặt bộ xương sau 230 triệu năm nằm trong… “mộ đá”.

Không ai biết trong những núi đá ở khắp vùng Đông Nam Á này còn cất giấu bao nhiêu bộ xương bò sát răng phiến nữa và không ai biết đã có bao nhiêu bộ xương bò sát răng phiến hóa thạch đã bị mìn nổ tan tành, bị máy xay đá nghiền thành ximăng, nhưng cho đến hiện nay, đây là bộ xương hóa thạch bò sát răng phiến đầu tiên được phát hiện ở vùng đất Viễn Đông rộng lớn này.

Hóa thạch bò sát răng phiến đã trơ ra giữa rừng già Cúc Phương cả triệu năm nay. Không biết đã có bao nhiêu triệu đời rêu mốc mọc trên bộ xương này, cũng không biết bao nhiêu đời khỉ vượn đã dẫm chân lên hóa thạch, thậm chí có thể đã có cả người vượn cổ xưa từng ngồi trên vách đá dựa lưng vào hóa thạch này. Nhưng chỉ đến khi anh chàng lâm tặc câm điếc bẩm sinh tên Biên, với sự hiểu biết của người hiện đại, mới lờ mờ nhận thức được hình thù giống bộ xương trên vách đá là cái gì và chỉ các nhà khoa học mới biết rõ về nó. Chỉ một bộ xương hóa đá, đã mở ra không gian khoa học địa chất, sinh tồn, tiến hóa… vô cùng rộng lớn, lý thú và đầy bí ẩn.

Bo-sat-rang-phien-1

 Phần xương sống in rõ trên vách đá

Anh chàng câm điếc ấy tên Nguyễn Văn Biên, là người làng Sách, cách Vườn Quốc gia Cúc Phương 3km. Anh Biên đã mất cách đây 10 năm vì bạo bệnh. Mặc dù bị câm điếc bẩm sinh, song vốn thông minh, lại ham học, nên anh Biên đã tốt nghiệp được lớp 4. Anh vẫn có khả năng giao tiếp những vấn đề thông thường thông qua điệu bộ hoặc viết chữ, vẽ hình.

Không có vợ con, anh chàng Biên thường theo đám thanh niên nam nữ trong làng vào Vườn Quốc gia Cúc Phương làm… lâm tặc. Nói là lâm tặc thì hơi oan, vì anh ta chỉ chuyên bắt cua, bắt ốc và chim yểng đem bán. Tuy nhiên, vườn quốc gia là nơi bảo vệ nghiêm ngặt, cấm xâm phạm, nên chỉ vào rừng là đã thành… lâm tặc rồi.

Một ngày năm 2000, sau buổi đi rừng, đoàn lâm tặc nghỉ ngơi trên một phiến đá phẳng, dưới chân “tường thành đá” giữa rừng. Đến bữa, họ thường bỏ cơm nắm ra ăn, hoặc nổi nửa nướng ốc núi, cua đá ăn thay cơm. Anh chàng Biên hứng chí trèo lên vách đá, ngồi dựa lưng hút thuốc.

Thấy cồm cộm sau lưng, anh Biên quay lại xem xét. Anh chàng dùng dao cạo một mảng rêu, thì thấy lộ ra miếng đá giống hệt một đốt xương sống. Mọi người nằm nghỉ trưa, còn Biên thì miệt mài cạo rêu, làm phát lộ những đốt sống chạy dài và những khúc xương như tạc trên đá. Không rõ là xương hay đá, Biên nạy một đốt sống và châm lửa đốt. Tuy nhiên, đốt mãi mà “khúc xương” vẫn trơ trơ, chẳng thấy bốc mùi gì. Anh chàng câm điếc chẳng tiết lộ với ai và cũng chẳng cho ai trong đoàn lâm tặc đó biết về hóa thạch lạ.

DSC00132

 Dấu tích bộ xương trên vách đá được vẽ lại

Ngày đó, anh Lê Trọng Đạt chơi khá thân với anh chàng Biên câm điếc. Những ngày đi rừng thống kê, nghiên cứu về các loài, họ thường gặp nhau trong rừng. Một lần, khi hai người đi rừng cùng nhau, anh chàng Biên đã rất khó nhọc khi diễn tả về một bộ xương lạ dính trên vách đá. Anh Đạt liền đưa giấy bút cho anh Biên vẽ. Anh chàng câm điếc này vẽ rõ hình thù bộ xương trên vách đá.

Nhận thấy có một cái gì đó lạ lùng, ngay lập tức anh Đạt yêu cầu anh Biên dẫn đường đi xem. Anh Đạt đã vô cùng ngỡ ngàng khi tận mắt bộ xương hóa thạch này. Ngay hôm sau, toàn bộ Ban Lãnh đạo của Vườn Quốc gia Cúc Phương đã vạch rừng vào nghiên cứu bộ xương.

Bộ xương hóa thạch được giấu kín, dư luận không biết, nhưng các nhà khoa học, lãnh đạo chuyên môn đều biết cả.

Phát hiện hóa thạch tổ tiên mới của loài người ở Nam Phi

Người đi về Hà Nội – Cúc Phương rồi cuốc bộ vào chỗ có hóa thạch nhiều nhất là PGS.TSKH Trịnh Dánh, khi đó là Viện trưởng Viện Thông tin lưu trữ, rồi Giám đốc Bảo tàng Địa chất. Anh em ở Vườn Quốc gia Cúc Phương không thống kê nổi ông đã vào đó bao nhiêu lần. Có lần ông đi mỗi mình, có lần đi cùng các nhà khoa học, có lần đi cùng các quan chức, có lần dẫn cả đoàn các nhà khoa học nước ngoài vào nghiên cứu, chụp ảnh. Ông còn dẫn cả các chuyên gia bên Mỹ mấy lần cõng thạch cao và các thiết bị vào đó để dập phiên bản, đem về Hà Nội trưng bày, nghiên cứu. Tuy nhiên, khoa học công nghệ hiện đại của châu Âu, của Mỹ cũng đều thất bại, vì hóa thạch cheo leo trên vách núi, mà rừng thì rậm, quá thiếu ánh sáng.

DSC09947

Những chiếc rẻ sườn 

Khi công nghệ hiện đại của thế giới thất bại trong việc dập phiên bản hóa thạch cheo leo trên vách đá, thì mấy nhà khoa học của Vườn Quốc gia Cúc Phương lại thành công bằng vài mẹo nhỏ. Họ đã đi thu mua một bao loại đất sét mà học sinh ở các trường tiểu học tập làm… thợ nặn gốm sứ, rồi cõng vào rừng. Dầu nhớt được quét một lượt lên vách đá cho trơn, chống dính, sau đó ốp đất sét trùm lên vách đá. Chờ đất sét khô, họ tách ra mang về. Hình thù của bộ xương đã hiện rõ trên miếng đất sét, do đó, chỉ việc đổ thạch cao lên bề mặt miếng đất sét là có được bản dập bộ xương hóa thạch.

Hồi giữa năm 2010, PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học), đã dẫn một đoàn chuyên gia của Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Liên bang Nga lội rừng vào nghiên cứu, xem xét hóa thạch tối cổ này. Các chuyên gia đã nghiên cứu rất tỉ mỉ, nhưng chưa đưa ra kết luận gì.

Cho đến bây giờ, mới chỉ có một công bố chính thức về hóa thạch này của nhóm nhà khoa học gồm PGS.TSKH. Trịnh Dánh; GS.TS. Herbert H.Covert - Đại học Calorado, Hoa Kỳ; PGS.TS. Mark W.Hamrick - Đại học Kent State - Ohio, Hoa Kỳ; Kevin C.Mckinney - Sở Địa chất, Hoa Kỳ... Theo đó, hóa thạch này thuộc bộ Bò sát răng phiến (Placodontia), xuất hiện trên trái đất vào Kỷ Trias, cách này ngay từ 251 đến 200 triệu năm. Đây là loài chỉ sống ở vùng ven biển nước nông vào thời kỳ đó. Các nhà khoa học mới chỉ xác định hóa thạch này ở mức bộ. Nếu phát hiện được xương đầu, khung chậu và xương chi thì sẽ cho phép xác định được mức độ loài.

DSC09940

 Những đoạn đốt sống

Với phát hiện này, Việt Nam là nơi đầu tiên của Đông Nam Á tìm thấy hóa thạch Bò sát răng phiến. Hóa thạch này cũng nói lên rằng, vào Kỷ Trias xa xưa, Bò sát răng phiến đã có mặt ở Việt Nam chứ không chỉ có ở châu Âu và Trung Đông như thế giới vẫn kết luận lâu nay. Từ hóa thạch này, cả một quá khứ địa chất đa dạng sinh học ở nước ta đã được mở ra. Hóa thạch là một cách cửa đưa các nhà địa chất trở về với quá khứ lý thú.

Sau 15 năm trời nghiên cứu, đã có nhiều buổi hội thảo, góp ý, song đến giờ Ban Lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương vẫn chưa tìm được cách ứng xử với hóa thạch Bò sát răng phiến này. Chủ trương của ban lãnh đạo là sẽ đưa hóa thạch vào hệ thống tham quan, tuy nhiên, biện pháp quản lý thế nào thì rất nan giải.

DSC09955

 

Đã có nhiều phương án như dựng rào sắt, quây kín bằng nhà kính như kiểu bảo tồn vách đá hóa thạch khủng long ở bên Mỹ, ai tham quan thì cứ tham quan, các nhà khoa học thì cứ việc ngồi trong lồng kính nghiên cứu, tìm hiểu. Tuy nhiên, biện pháp này cũng không ổn, vì nó làm mất đi vẻ tự nhiên của rừng già.

Trong lúc chưa tìm ra phương án bảo vệ, thì biện pháp tốt nhất là giấu kín hóa thạch trong rừng già. Chỉ những nhà khoa học, những tổ chức nghiên cứu có uy tín mới được phép chiêm ngưỡng bộ xương hóa thạch này. Các cuộc nghiên cứu đều được cán bộ của Vườn giám sát chặt chẽ. Ban Lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương rất sợ lộ con đường vào khu vực có hóa thạch. Nếu kẻ nghịch ngợm nào phát hiện ra, bổ cho vài nhát dao, nhát búa thì có mà tan tành “kỳ quan” hóa thạch 230 triệu năm tuổi. Nói dại, nếu con đường dẫn vào khu vực hóa thạch bị đám săn đá cảnh phát hiện, thì có thể, chúng sẽ vác xà beng vào đào, đem mìn vào kích nổ.

Phong Nguyệt

Bình luận
vtcnews.vn