Các ngân hàng thương mại rất là sướng!

Kinh tếThứ Ba, 04/11/2014 07:36:00 +07:00

(VTC News) - Đại diện và Phát triển nông thôn cho rằng, với Nghị định 67, các ngân hàng thương mại đang có rất nhiều thuận lợi trong việc kinh doanh vốn.

(VTC News) - Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Nghị định 67 không chỉ tạo điều kiện cho ngư dân vay tín dụng phục vụ việc vươn khơi bám biển, mà bản thân các ngân hàng thương mại cũng đang có rất nhiều thuận lợi trong việc kinh doanh vốn.

Ngày 4/11, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Để ngư dân vững vàng vươn khơi". Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết một trong những chính sách quan trọng nhất của Nghị định 67 đó là việc tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp, phát triển tàu đánh bắt xa bờ hiện đại.

Với chính sách này, ngư dân vẫn chủ động vay và chịu trách nhiệm dân sự trước việc vay vốn của các ngân hàng thương mại, chịu trách nhiệm bảo toàn vốn vay, thực hiện trả lãi, gốc theo quy định.

Tuy nhiên, ngư dân sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi. Việc vay vốn của người dân cũng được hỗ trợ bởi những quy định thông thoáng, nhanh chóng về thủ tục, thời gian cho vay, cơ chế xử lý rủi ro...

Các ngân hàng thương mại rất là sướng!

Theo ông Tuấn, hiện nay có rất đông ngư dân có nhu cầu vay vốn. Trong khi đó, khả năng đóng mới tàu hiện đại lại chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, chúng ta phải đảm bảo việc khai thác bền vững nguồn lợi thủy hải sản. 

Chính vì vậy, để thực hiện chính sách này, một số lượng tàu nhất định đã được phân bổ cho các tỉnh. Các tỉnh lại tiếp tục phân bổ cho cấp huyện, rồi đến cấp xã. 

 Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về quy trình xét duyệt vay vốn thì ngược lại với việc phân bổ nói trên. Cụ thể, cấp xã lựa chọn và lập danh sách các hộ dân đủ điều kiện vay vốn. Sau đó xã chuyển danh sách cho cấp huyện thẩm định. Huyện lại trình cấp tỉnh phê duyệt.

"Các địa phương là người trực tiếp lựa chọn những người mà mình quản lý để giới thiệu với các ngân hàng thương mại. Danh sách các hộ dân được chọn phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính quyền địa phương để mọi người cùng biết và hiểu rõ lý do tại sao những hộ này được chọn", ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, Nghị định 67 đã quy định chi tiết về điều kiện, những trường hợp nào được tham  gia chương trình. Trên cơ sở đó, hiện một số địa phương đã tự đưa ra tiêu chí riêng để lựa chọn các hộ dân để tham gia.

Trước một số ý kiến cho rằng, việc để các địa phương tự ra các tiêu chí sẽ dẫn đến việc thiếu công bằng giữa các hộ dân, ông Phạm Ngọc Tuấn cho hay: "Nhiều người muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với Ngân hàng Nhà nước làm rõ và thống nhất các tiêu chí lựa chọn. Tuy nhiên, điều đó là rất khó. Bởi ở các địa phương có nghề nghề cá phát triển thì họ đặt ra các tiêu chí rất cao. Nếu đem các tiêu chí này áp dụng tại các địa phương có nghề cá phát triển kém hơn thì sẽ không phù hợp.

Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã để cho các địa phương chủ động thực hiện công tác này".
 Ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Nói về vai trò của các ngân hàng thương mại trong chính sách hỗ trợ ngư dân, ông Tuấn  đề nghị, các ngân hàng cần phải hỗ trợ các cấp chính quyền, tạo điều kiện cho người dân vay vốn theo đúng tinh thần Nghị định 67.

Ông Tuấn cũng cho rằng, Nghị định 67 ra đời đã tạo điều kiện hết sự thuận lợi cho cả việc kinh doanh của các ngân hàng thương mại chứ không chỉ có ngư dân.

"Các ngân hàng đợt này rất là sướng. Nói như vậy là bởi vì các anh không phải đi tìm các đối tượng vay vốn. Thay vào đó, UBND các tỉnh, một cấp chính quyền rất uy tín trực tiếp giới thiệu những người thực sự có năng lực trong tỉnh của mình để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay," ông Tuấn nói. 

Ông Tuấn cho biết thêm, hiện nay chưa có tỉnh nào hoàn thành việc phê duyệt danh sách các ngư dân đủ điều kiện được vay vốn. Tuy nhiên, nhiều tỉnh đã hoàn thành việc lên và thẩm định danh sách các ngư dân được tham gia chương trình.

Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến việc chưa có tỉnh nào hoàn thành phê duyệt danh sách các hộ dân được vay vốn. Trong đó, lý do chủ yếu là các cơ quan chức năng cần phải có thời gian để tuyên truyền, phổ biến và giải thích chính sách cho ngư dân. 

Bên cạnh đó, do số lượng ngư dân đăng ký đông, các cán bộ địa phương có thể vì nể tình làng nghĩa xóm nên phân vân trong việc chọn ai bỏ ai, dẫn đến chậm hoàn thành danh sách các hộ dân đủ điều kiện.

Ngân hàng có chăm chăm đòi nợ?

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, trấn an các ngư dân rằng, mọi thủ tục tham gia vay vốn đều đơn giản, gọn nhẹ, phía nhân viên ngân hàng sẽ tư vấn chi tiết cho người dân có nhu cầu. 

Ông Thành cho biết, ngay khi Nghị định 67 có hiệu lực, phía nhân viên Ngân hàng BIDV đã trực tiếp xuống một số địa bàn. Qua quá trình tiếp xúc với ngư dân thì ngân hàng này đã nắm được danh sách nhiều hộ dân đủ điều kiện vay vốn. Chỉ cần có văn bản phê duyệt của cấp tỉnh là phía BIDV sẽ lập tức giải ngân, cấp vốn cho các hộ dân này.

  Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng.

Liên quan đến chính sách cho vay tín dụng nói trên, một người dân thắc mắc rằng: "Ngân hàng tham gia giám sát dòng tiền trong chuỗi phát triền này như thế nào để khuyến khích người dân, hay chỉ chăm chăm thu nợ?"

Trả lời câu hỏi này, ông Thành chia sẻ: "Mong bà con thông cảm cho. Nói là ngân hàng chỉ chăm chăm đòi nợ là không phải. Thành công của bà con cũng là thành công của ngân hàng chúng tôi. Chúng tôi sẽ đồng hành với bà con từ khâu thẩm định danh sách, làm hồ sơ vay vốn và trong suốt quá trình khai thác, nuôi trồng thủy hải sản.

Ngoài nguồn vốn cho vay để đóng mới tàu theo Nghị định 67 thì ngân hàng chúng tôi còn cấp thêm nguồn vốn lưu động. Nguồn vốn này cộng với nguồn thu lợi, vốn tự có sẽ giúp bà con có thể trả nợ cho ngân hàng theo quy định ban đầu, đồng thời vẫn có vốn để phục vụ cho chu kỳ sản xuất tiếp theo."

Trước lo ngại tình trạng "cò mồi" sẽ khiến cho nguồn vốn đi vòng vèo và hao hụt khi tới túi ngư dân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cho hay: "Trước thông tin về tình trạng cò mồi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng phải thành lập đường dây nóng để nghe và giải quyết phản ánh của người dân.

Về vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng BIDV cũng có chỉ đạo là mọi thủ tục vay vốn phải minh bạch, công khai. Chúng tôi cũng có các tờ rơi giải thích về dịch vụ tại các chi nhánh để người dân tìm hiểu. Với những giải pháp đó, tôi tin rằng tình trạng cò mồi sẽ mất, vốn sẽ đến trực tiếp với người dân".

Minh Quyết

Bình luận
vtcnews.vn