Các nền kinh tế lớn vượt qua đại dịch Covid-19 thế nào?

Thị trườngChủ Nhật, 22/03/2020 10:11:00 +07:00
(VTC News) -

Đại dịch Covid-19 đang làm "rung chuyển" kinh tế toàn cầu, trong đó những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ và Trung Quốc cũng phải hứng chịu thiệt hại lớn.

Dưới tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, các hoạt động kinh tế đang bị "đóng băng" đồng nghĩa doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp và thậm chí đà tăng trưởng kinh tế nói chung đều bị ảnh hưởng.

Trước mắt, dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới được kiểm soát và những tác động của nó chưa biết khi nào chấm dứt. Những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc cũng không tránh khỏi cú "sốc" lớn do Covid-19 gây ra.

Các nền kinh tế lớn vượt qua đại dịch Covid-19 thế nào? - 1

Các nền kinh tế lớn đang nỗ lực vượt qua “bão” dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Tuy vậy, điều này không có nghĩa là không thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra bởi nhìn lại lịch sử những cú sốc lớn tương tự, các chuyên gia kinh tế có thể phân tích được các thiệt hại kinh tế trong ngắn hạn. Vấn đề đặt ra ở đây là khi nào dịch bệnh sẽ đạt đỉnh? Các nền kinh tế làm gì để chống chọi với tác động tiêu cực của đại dịch này?

Hậu quả lớn nhưng chỉ tạm thời

Theo ông Michael Spence, chuyên gia kinh tế từng nhận giải thưởng Nobel, nền kinh tế có thể sẽ phục hồi vào quý III/2020. Song, ông Michael Spence không loại trừ khả năng Covid-19 trở thành đại dịch kéo dài, từ đó gây thiệt hại sâu rộng hơn cho các nền kinh tế vì nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, việc làm giảm sút, đầu tư tư nhân thụt lùi và phản ứng chính sách yếu kém hoặc chậm trễ.

Các nền kinh tế lớn vượt qua đại dịch Covid-19 thế nào? - 2

Chuyên gia kinh tế Michael Spence.

Ông Michael Spence cho rằng, đà tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số tại Trung Quốc có thể hỗ trợ đáng kể trong khi dịch bệnh hoành hành. Có đến gần 1/3 doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đến từ thương mại trực tuyến. Hệ thống thanh toán di động của Trung Quốc cũng thuộc hàng tân tiến nhất thế giới. Phần lớn người dân và doanh nghiệp được kết nối với internet và hoạt động trực tuyến. Điều này sẽ góp phần giúp kinh tế Trung Quốc đứng vững, nhất là khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng làm hạn chế đi lại của người dân.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại giúp người lao động trong nhiều ngành nghề có thể tiếp tục làm việc tại nhà, thậm chí ngay khi họ bị cách ly. Thêm vào đó, đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền và vốn lưu động, các tổ chức cho vay có thể cung cấp, gia hạn tín dụng và điều chỉnh điều khoản từ xa. Điều này sẽ giảm thiểu thiệt hại lâu dài cho ngành dịch vụ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, các nền tảng trực tuyến cũng có thể bảo vệ mạnh mẽ chống lại tình trạng lợi dụng tăng giá hàng, nhà kinh tế Michael Spence phân tích.

Khi phần lớn nền kinh tế được đưa lên trực tuyến, việc theo dõi hiệu suất trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn và chính xác hơn. Dữ liệu này có thể được sử dụng để điều chỉnh các phản ứng chính sách và cải thiện tính chính xác của dự báo, từ đó nâng cao niềm tin kinh doanh, khuyến khích đầu tư và đẩy nhanh quá trình phục hồi. Ông Michael Spence nhận định, các hậu quả kinh tế từ dịch bệnh có lẽ sẽ lớn nhưng chỉ mang tính tạm thời.

Buộc các ngân hàng trung ương phải "ra tay"

Còn theo quan điểm của nhà kinh tế David Rosenberg - người từng "chiến đấu" trên mặt trận Phố Wall (Wall Street) trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đại dịch Covid-19 đang đẩy cả hệ thống tài chính của Mỹ vào tình cảnh hiểm nghèo. 

Các nền kinh tế lớn vượt qua đại dịch Covid-19 thế nào? - 3

Nhà kinh tế David Rosenberg.

Ông David Rosenberg - nhà kinh tế trưởng của Hãng tư vấn Rosenberg Research and Associates Inc. - cho rằng, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đang và sắp gây ra còn tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn 1 thập kỷ.

Trong khủng hoảng tài chính lần trước, vận tải hàng không chưa bị tê liệt, biên giới chưa bị đóng cửa, chưa có phong toả và cách ly. Hồi khủng hoảng tài chính năm xưa mọi người đâu có sợ rời khỏi nhà, ông David Rosenberg nói, và cho rằng, nỗi sợ hữu hình khiến nhiều người rút khỏi hoạt động kinh tế.

Trước sự chao đảo của nhiều nền kinh tế lớn trong đại dịch Covid-19, các ngân hàng trung ương đã đồng loạt cắt giảm lãi suất và bơm hàng nghìn tỷ USD thanh khoản vào hệ thống ngân hàng.

Ngày 15/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất khẩn cấp xuống biên độ 0-0,25%, khởi động lại chương trình mua trái phiếu, kết hợp với các ngân hàng trung ương khác để đảm bảo thanh khoản trong hoạt động cho vay bằng đồng USD nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế.

Động thái này của FED đã khiến Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ, ngân hàng trung ương) cũng có quyết định hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục là 0,25%. RBNZ cam kết  bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính và cho biết sẽ công bố những biện pháp chính sách khác vào ngày 19/3 tới.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đã can thiệp bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa sau cuộc họp khẩn cấp vào ngày 16/3. BoJ sẽ tăng cường mua vào chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và các tài sản rủi ro khác để chống lại tác động kinh tế từ dịch Covid-19.

Để "giải cứu" nền kinh tế đang lâm nguy vì dịch bệnh, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm 1.200 tỷ NDT (tương đương 174 tỷ USD) vào hệ thống tài chính. PBOC cũng cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) nhằm giảm bớt tác động của dịch.

Theo đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất đối với các khoản vay trung hạn trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 28,66 tỷ USD) thời hạn 1 năm 10 điểm cơ bản từ 3,25% xuống 3,15%.

Với tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, giới quan sát cho rằng mọi thứ chưa hoàn toàn rõ ràng bất chấp những biện pháp nhanh chóng nêu trên. Khả năng xuất hiện các "vết nứt" trong hệ thống tài chính là khó tránh khỏi, song liệu những "vết nứt" đó có phát triển thành một vấn đề mang tính hệ thống hay không vẫn là điều khó đoán.

Video: WHO cảm ơn những người thầm lặng trong cuộc chiến chống Covid-19

Trần Ngọc(Nguồn: Báo điện tử VOV)
Bình luận
vtcnews.vn