Các hãng ô tô nước ngoài đang run sợ ở Trung Quốc

XeThứ Sáu, 15/08/2014 12:00:00 +07:00

Các hãng sản xuất ô tô nước ngoài đang thay đổi chiến lược giá nhằm đối phó với cuộc điều tra chống độc quyền tại Trung Quốc.

Các hãng sản xuất ô tô nước ngoài đang thay đổi chiến lược giá nhằm đối phó với cuộc điều tra chống độc quyền tại Trung Quốc.

Điều tra hàng loạt

Cơ quan chống độc quyền Trung Quốc mới đây cho biết, nước này sẽ trừng phạt hãng Audi và Chrysler về hành vi độc quyền. Theo Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC), cơ quan chịu trách nhiệm về điều tra chống độc quyền, các cuộc điều tra cho thấy hai công ty này đã có hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh khi bán giá xe và phụ tùng quá cao.

NDRC không nêu rõ mức phạt đối với Chrysler và Audi. Tuy nhiên, theo luật chống độc quyền, NDRC có thể áp các mức phạt lên tới 10% doanh thu năm trước của doanh nghiệp.


 Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài tại Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bị trừng phạt vì vi phạm luật chống độc quyền
Theo Colin Liu, luật sư trong ngành sản xuất ô tô, việc áp dụng tỷ lệ phần trăm tiền phạt sẽ dựa vào tính cạnh tranh của mỗi công ty. Hiện người phát ngôn của Chrysler tại Trung Quốc từ chối bình luận về việc này. Trong khi đó, Audi cho biết sẽ hợp tác với NDRC trong việc điều tra.

Hiệp hội bảo dưỡng và sửa chữa ô tô cho biết, nếu thay thế tất cả các bộ phận trên một chiếc Mercedes C-class chi phí cao gấp 12 lần mua một chiếc xe mới. Người mua xe mới phải chịu các loại thuế như: Thuế giá trị gia tăng 17%, thuế nhập khẩu 25%, thuế tiêu dùng tùy dung tích động cơ có thể tới 40% giá bán xe.

NDRC cũng đã hoàn tất các cuộc điều tra đối với 12 nhà sản xuất phụ tùng Nhật Bản. Tuy nhiên, tên của các công ty không được tiết lộ. Người phát ngôn NDRC cho biết, mục đích của chiến dịch này là đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các hãng có hành vi độc quyền sẽ bị trừng phạt thích đáng trong tương lai gần.

Ngày 5/8, NDRC cũng đã kiểm tra văn phòng của Mercedes-Benz tại Thượng Hải. Người đại diện đã xác nhận
việc “đang hỗ trợ chính quyền trong công tác điều tra”. Shanghai GM, Công ty liên doanh của General Moors Co. cũng xác nhận NDRC đã liên hệ và công ty đã có những động thái hồi đáp tích cực với đề nghị hỗ trợ điều tra.

Chính quyền Trung Quốc đã mở các cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào các doanh nghiệp nước ngoài ở nhiều lĩnh vực trong mấy năm qua, và đây là lần đầu tiên có thông tin công ty ô tô nước ngoài tại thị trường xe hơi lớn thứ hai trên thế giới bị điều tra chống độc quyền.

Theo một nguồn tin, cuộc điều tra tập trung vào “giá bán và chính sách duy trì giá bảo hành tối thiểu của các nhà phân phối xe hơi”. Một quan chức của NDRC cho biết, hơn 1.000 công ty trong và ngoài nước sẽ bị điều tra về chống độc quyền.


Giảm giá xoa dịu

Trong một động thái xoa dịu nhà chức trách, nhiều hãng đã hạ giá xe và linh kiện từ tháng 7 vừa qua gồm Volkswagen AG’s Audi, Bayerische Motoren Werke AG, Daimler AG’s Mercedes-Benz, Tata Motors Ltd. (TTMT)’s Jaguar Land Rover, Fiat SpA (F)’s Chrysler, Toyota Motor Corp. (7203) and Honda Motor Co. (7267).

Mới đây nhất, ngày 8/8, các hãng sản xuất ô tô của Nhật như Toyota, Honda và Nissan đã hạ giá linh kiện ô tô sau các cuộc điều tra.

Một số giám đốc công ty đa quốc gia nói rằng họ cảm thấy chính sách chống độc quyền của Trung Quốc gây áp lực và có sự phân biệt đối xử, khi chỉ một vài công ty nội địa dính dáng.

Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ
Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương nói rằng: “Không có có tình trạng bài ngoại trong điều tra chống độc quyền. Điều tra độc quyền cũng là thông lệ quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư”.

Còn nhiều chuyên gia cho biết, các nhà sản xuất dành quá nhiều ưu đãi cho các đại lý và nhà cung cấp phụ tùng để họ kiểm soát giá. Như vậy là vi phạm luật chống độc quyền.

Theo ông Yale Zhang, Giám đốc công ty Automotive Foresight (Thượng Hải) Co. Ltd., ô tô hạng sang nhập khẩu có giá bán trung bình cao hơn từ 2,5 đến 3 lần so với giá xe tại Mỹ. Ông cũng cho rằng: “Các hành vi độc quyền khá phổ biến trong ngành ô tô. Trước tiên, NDRC sẽ tập trung vào các thương hiệu xe sang nhập khẩu vì đó là phân khúc nhức nhối nhất. Việc xử phạt là dấu hiệu cảnh báo đối với ngành công nghiệp ô tô.

Nếu các thương hiệu xe sang như Audi bị phạt thì các thương hiệu khác cũng khó tránh khỏi”. Tuy nhiên, các hãng xe nước ngoài phản bác rằng sự chênh lệch giá này là do thuế nhập khẩu và một số loại thuế, phí khác.


Theo GTVT
Bình luận
vtcnews.vn