Các hãng ô tô hưởng lợi gì sau khi giảm giá xe điên cuồng?

Kinh tếThứ Ba, 11/07/2017 11:10:00 +07:00

Sau khi Thaco khơi mào cuộc chiến giảm giá vào cuối năm 2016, hầu hết các hãng ô tô trong nước đã giảm giá ít nhiều các sản phẩm của mình, tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trong việc này.

Để đón đầu thị trường trước thời điểm 2018 đầy biến động, Thaco đã mạnh tay giảm giá các mẫu ô tô của mình theo từng tháng. Thị trường ban đầu nháo nhào khi các hãng ô tô khác nhảy vào cuộc đua giảm giá. Nhiều sản phẩm mất giá vài trăm triệu đồng sau 1 năm không phải là hiếm.

‘Ông lớn’ được lợi gì sau giảm giá?

Kể từ thời điểm bắt đầu cuộc chiến, người tiêu dùng trong nước lại được một phen chờ đợi xem tháng này xe nào mất giá và mất giá bao nhiêu.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm, thị trường ô tô trong nước đang dần ổn định. Các hãng xe cũng ít có động thái giảm “sốc”, giảm điên cuồng như thời gian trước. Thay vào đó, nhiều mẫu xe chỉ điều chỉnh giảm nhẹ hoặc tặng thêm gói quà tặng phụ kiện chính hãng.

20160929074320091

Việc giảm giá như hiện nay đồng nghĩa với việc các hãng ô tô chấp nhận thu về ít lợi nhuận so với trước và sẽ chú trọng tới “số lượng hơn chất lượng”. 

Chỉ có một vài sản phẩm chưa được giảm mạnh trong thời gian trước mới có động thái giảm “sốc”. Cụ thể, trong tháng 7, thị trường ô tô trong nước ghi nhận mức giảm kỷ lục lên tới 200 triệu đồng của mẫu Honda Odyssey. Hoặc cuối tháng 6, Toyota Vios cũng có mức giảm lên tới gần 70 triệu đồng.

Nhiều mẫu ô tô giảm mạnh như hiện nay đồng nghĩa với việc các hãng ô tô chấp nhận thu về ít lợi nhuận so với trước và sẽ chú trọng tới “số lượng hơn chất lượng”.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, việc các mẫu ô tô giảm giá không làm ảnh hưởng quá nhiều tới lợi nhuận của các hãng ô tô “ngoại” như Honda, Toyota, Ford,... Bởi lẽ, các hãng ô tô “ngoại” không kiểm soát giá bán của các đại lý và cho một khung giá tiêu chuẩn để các đại lý tự động điều chỉnh giá bán. Vì vậy, việc ô tô giảm mạnh như hiện nay ảnh hưởng tới các đại lý ô tô hơn là nhà sản xuất.

Trong khi đó, các hãng ô tô “nội” như Thaco hay liên doanh Hyundai Thành Công lại kiểm soát và thống nhất giá bán của đại lý. Chính vì vậy, việc Thaco hay Hyundai chấp nhận giảm giá là chấp nhận việc mất đi lợi nhuận.

Ngoài ra, việc giảm giá ô tô cũng đang làm tăng doanh số của các nhà sản xuất. Cụ thể, ngay sau khi giảm giá, doanh số của Toyota Vios tăng gấp đôi trong tháng 6. Đây là một thái khá kỳ lạ trong bối cảnh toàn thị trường đang rơi vào cảnh chờ đợi năm 2018.

Camry

Camry là mẫu ô tô thành công sau giảm giá. 

Ngoài Vios, Toyota còn đón nhận tin vui khi dòng Camry của hãng quay trở lại top 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường sau nhiều năm vắng bóng. Chứng tỏ, động thái giảm 2 lần liên tiếp, tổng giá trị lên tới 130 triệu đồng trong tháng 5, tháng 6 vừa qua đã thành công vượt mong đợi.

Video: Thaco ra mắt mẫu xe Mazda2

Một số mẫu xe khác như Hona City, Honda CR-V cũng đang tăng trưởng tuy chậm nhưng chắc hơn so với trước.

Việc giảm giá như hiện nay cũng giúp cho các nhà sản xuất tẩy đi lượng hàng tồn kho để ra mắt các phiên bản mới hơn.

Không phải ai cũng thành công

Việc giảm giá ô tô như hiện nay chỉ đem lại hiệu quả cho một vài “ông lớn” như Toyota, Ford hay Thaco. Đối với các nhà sản xuất khác có thị phần nhỏ hơn như Mitsubitshi, Suzuki, Subaru, Chevrolet,... kể cả có gào khản cổ việc giảm giá cũng không đem lại hiệu quả quá nhiều.

nissannavara30.11(1) 3

Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp may sau giảm giá. 

Về mặt doanh số, các nhà sản xuất có thị phần nhỏ tuy có tăng nhưng rất chậm, mức tăng trưởng không quá đáng kể.

Một đại lý của Mitsubitshi tại Hà Nội thừa nhận, sau khi giảm giá nhiều mẫu xe vào đầu tháng 6, doanh số của đại lý này có tăng nhưng không đáng kể. Không thể so sánh được con số từ 1.300 chiếc trong tháng 5 lên 3.000 chiếc trong tháng 6 như Toyota Vios.

Doanh số không tăng, nhưng các hãng xe buộc phải giảm vì sợ thị phần vốn dĩ ít ỏi của mình lại rơi nốt vào tay đối thủ. Đặc biệt, thời điểm giảm thuế xe nhập khẩu ASEAN sắp tới gần.

Như vậy, tạm kết luận rằng, việc giảm giá ô tô sâu như hiện nay đã tác động không nhỏ tới thị trường ô tô trong nước. Người tiêu dùng đương nhiên là có lợi, ngoài ra, các hãng ô tô cũng không hẳn là thiệt thòi.

Tùy thị phần của mỗi hãng xe, các nhà sản xuất đều hưởng lợi ở một góc độ nhất định. Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường ô tô trong nước sẽ biến động mạnh hơn nữa trong thời tới. Các nhà sản xuất ô tô cũng như người tiêu dùng hiện nay vẫn đang nghe ngóng để đưa ra một quyết định phù hợp.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn