Các hãng hàng không Việt lao vào cuộc đua vận chuyển hàng hóa

Đầu TưThứ Bảy, 24/09/2022 13:00:00 +07:00

Các hãng hàng không Việt, từ ông lớn đến tân binh, đều rục rịch tham gia cuộc chạy đua vận chuyển hàng hóa - thị trường màu mỡ, còn nhiều tiềm năng.

Các hãng hàng không Việt lao vào cuộc đua vận chuyển hàng hóa - 1

Các hãng bay trong nước mới chỉ nắm 12% thị phần vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. (Ảnh: T.L) 

Theo Nikkei Asia, năm 2022, lưu lượng vận tải hàng hóa qua đường hàng không của Việt Nam dự kiến lên tới hơn 1,52 triệu tấn, tăng 17% so với năm ngoái, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 30 năm qua (15%/năm).

Điều này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước và nước ngoài tăng cao khi Việt Nam củng cố vị trí trong các chuỗi cung ứng toàn cầu cho mọi thứ, từ đồ điện tử đến hàng dệt may. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gần 20% lên khoảng 336 tỷ USD vào năm 2021.

Việt Nam hiện chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa. Rất nhiều hãng hàng không trong nước đã thể hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường nhiều tiềm năng đang nằm trong tay các hãng nước ngoài này.

Từ ông lớn đến tân binh đều gia nhập

Ngày 9/9 vừa qua, Vietravel Airlines vừa ký kết hợp tác đầu tư và phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không (VUAir Cargo) với Asean Cargo Gateway (ACG).

Cụ thể, hãng này và ACG hợp tác đầu tư theo tỷ lệ góp vốn tương ứng là 51% và 49%, mục tiêu nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng hóa, khai thác vận chuyển hàng hóa hàng không, đại lý hàng hóa cho các hãng hàng không trong khu vực.

Trong năm đầu tiên, hãng sẽ tập trung khai thác vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và các công xưởng lớn tại châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Dự kiến vào tháng 11, việc thuê máy bay sẽ hoàn tất và hãng có thể bắt đầu chuyên chở hàng trên 3 máy bay chuyên dụng B737-800F dành cho cargo.

Từ năm 2021, đại gia hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn đã muốn thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo chuyên vận tải hàng hóa phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án sẽ do Công ty CP IPP Air Cargo làm chủ đầu tư.

IPP Air Cargo cho biết hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa vào năm đầu tiên, doanh thu đạt 71 triệu USD. Dự kiến đến năm thứ 4 doanh nghiệp sẽ có lãi.

Hiện tại, việc thành lập IPP Air Cargo vẫn đang được các bộ ban ngành xem xét. Chia sẻ với Zing, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết rất nôn nóng được cấp AOC (chứng chỉ khai thác máy bay) từ Cục Hàng không.

Đến nay, IPP Air Cargo đã hoàn tất thủ tục thuê 4 máy bay B737 800 BCF. Ngoài một chiếc xuất xưởng ngày 25/7, 3 tàu bay khác đang được lắp ráp và dự kiến xuất xưởng vào cuối năm nay. Hãng cũng đặt mua 10 máy bay B777 Freigter thân rộng của Boeing với tổng giá trị 3,5 tỷ USD.

Các hãng hàng không Việt lao vào cuộc đua vận chuyển hàng hóa - 2

Máy bay của IPP Air Cargo đã xuất xưởng hồi tháng 7. (Ảnh: IPP)

Vietjet Air cũng không đứng ngoài cuộc chơi này. Hãng hàng không giá rẻ đã nhanh chóng chuyển đổi cấu hình máy bay hành khách sang vận tải hàng hóa và là hãng hàng không đầu tiên được nhà chức trách phê chuẩn giấy phép CPIC (Cargo in Passenger Cabin).

Năm 2021, hoạt động vận tải hành khách gặp ảnh hưởng, tuy nhiên Vietjet và các hãng hàng không khác thúc đẩy kinh doanh hoạt động vận tải hàng hoá.

Hiện 80% thị phần vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Dịch COVID-19 bùng phát, các hãng hàng không đã phải thúc đẩy khai thác mảng vận tải hàng hoá để bù đắp sự sụt giảm mảng vận tải hành khách.

Cụ thể, hoạt động vận chuyển hàng hóa của Vietjet đạt 2.954 tỷ đồng trong đó doanh thu vận chuyển hàng hóa theo chuyến đạt 2.654 tỷ đồng, Vietjet tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng nhanh, với doanh thu tăng trưởng về hàng hóa đạt trên 200% so với cùng kỳ.

"Hiện tại, nhu cầu mua sắm trực tuyến cũng tăng, vì vậy, Bamboo Airways sẽ phát triển những máy bay chuyên dụng chở hàng hoá và cho ra đời Bamboo Airways Cargo", lãnh đạo Bamboo Airways chia sẻ.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết hãng đang xây đề án và hoàn thiện đề án thành lập hãng hàng không hàng hóa ngay sau dịch bệnh COVID-19.

Vietnam Airlines đã có 4 năm nghiên cứu nhằm khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt nhưng chưa hiệu quả. Việc tổ chức hãng hàng không hàng hóa cần đảm bảo quy mô đủ lớn (gồm đội máy bay, mạng bay) để khai thác các nguồn hàng, chân hàng cho các luồng hàng luân chuyển giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Trong dịch COVID-19, hãng đã sử dụng máy bay chở khách để chở hàng, doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh. Hiện Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng.

Hãng nước ngoài nắm 88% thị phần

Phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống thương mại toàn cầu hiện tại. Ước tính 35% giá trị thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường hàng không.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của ba hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific) chỉ chiếm khoảng 12%.

Trong khi đó, 88% thị phần này đang nằm trong tay 64 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam. Các hãng Air Cargo quốc tế như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo đang là những đối thủ nặng ký mà doanh nghiệp Việt Nam phải "đau đầu" tìm cách giành thị phần.

Các hãng hàng không Việt lao vào cuộc đua vận chuyển hàng hóa - 3

88% thị phần thị trường vận chuyển hàng hoá hàng không nằm trong tay hãng nước ngoài. (Ảnh: Jim Allen/FreightWaves)

Theo Nikkie Asia, các nhà khai thác lớn như DHL Express của Đức và ANA của Nhật Bản ngày càng nhắm đến thị trường Việt Nam. DHL đang đẩy mạnh các dịch vụ vận chuyển hàng hóa thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ.

Mỗi tuần một lần, một máy bay vận tải Boeing 777 sẽ bay từ Sydney, Australia đến TP.HCM, trước khi đến sân bay Chubu ở miền trung Nhật Bản và sau đó là bang Ohio ở Mỹ. Năng lực vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ của DHL sẽ tăng 27% so với trước đây lên hơn 940 tấn/tuần.

Trong khi đó, hãng vận tải ANA Cargo thuộc tập đoàn ANA Holdings của Nhật Bản đã bắt đầu đưa vào khai thác dịch vụ vận tải hàng hóa hàng ngày bằng đường không trên tuyến Việt Nam và sân bay Narita vào tháng 3.

Không chỉ DHL và ANA Cargo, các hãng Korean Air của Hàn Quốc, China Airlines và EVA Air của Đài Loan (Trung Quốc) cũng có các chuyến bay chở hàng đến và đi từ Việt Nam. Korean Air chở các điện thoại thông minh do Samsung Electronics sản xuất ở Việt Nam tới các thị trường xuất khẩu.

Trong khoảng thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dịch vụ vận chuyển hàng hóa đã tăng trưởng và trở thành phao cứu sinh cho các hãng hàng không.

Cuối năm 2020, công ty giao hàng DHL Express thuộc Tập đoàn Deutsche Post AG dự đoán lượng hàng hóa vận tải và mua sắm trực tuyến sẽ tăng chưa từng có. Khu vực chứng kiến nhu cầu cao đột biến là Thái Bình Dương. Trong đó, thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á đang nhộn nhịp nhất.

Nhờ vậy, các hãng hàng không châu Á đều được hưởng lợi. Nhiều công ty bổ sung thêm hàng hóa vào kho, tăng dự trữ hàng hóa bán lẻ và tốc độ phát triển thương mại điện tử tăng chóng mặt... Đây là những yếu tố thúc đẩy vận tải hàng hóa đường không phát triển đột biến.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), lưu lượng hành khách hàng không toàn cầu trong năm 2022 dự kiến sẽ bằng 1/5 so với năm 2019. Tuy nhiên, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không ước tính sẽ cao hơn 11,7% so với năm 2019 và cao hơn 4% so với năm 2021.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn