Các cường quốc xoay sang Trung Đông để đảm bảo an ninh năng lượng

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 19/03/2022 15:35:00 +07:00
(VTC News) -

Đức, Anh và Nhật Bản hướng tới Trung Đông trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng, trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine đang làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi dự kiến sẽ có các chuyến thăm riêng rẽ tới Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong vài ngày tới, để thảo luận về vấn đề hợp tác đảm bảo nguồn cung năng lượng.

Các cường quốc xoay sang Trung Đông để đảm bảo an ninh năng lượng - 1

Một nhà máy lọc dầu tại Qatar. (Ảnh: Asharqbusiness)

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, cuộc chiến Nga-Ukraine đã đặt vấn đề an ninh năng lượng vào trung tâm của các cuộc thảo luận quốc tế. Cuộc xung đột đã gây ra sự biến động nghiêm trọng trên thị trường dầu lửa và khí đốt tự nhiên, dẫn đến giá cả tăng cao và thúc đẩy một số quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn tích cực tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho Nga, nơi hiện cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt ở châu Âu.

Trước chuyến thăm Qatar và UAE, Bộ trưởng Đức tuyên bố ủng hộ việc xây dựng thêm các cơ sở nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhưng nước này cần nhiều hơn trong ngắn hạn.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi sẽ thăm UAE vào ngày mai (20/3) và có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC), Sultan Ahmed Al Jaber. UAE hiện cung cấp khoảng một phần ba lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản.

Được biết, Qatar là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới vào năm 2021, tuy nhiên phần lớn trong số đó được cung cấp cho các đối tác châu Á. Trong khi đó, nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng hiện tại của UAE có hạn và nước này không xuất khẩu dầu thô sang châu Âu. UAE đang chi hàng tỷ USD để tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu khí đốt, tuy nhiên điều này sẽ cần nhiều thời gian.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến thăm UAE và Saudi Arabia (nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới), trong nỗ lực thuyết phục các nhà sản xuất bơm nhiều dầu hơn ra thị trường, tuy nhiên các nước vẫn giữ quan điểm về cam kết của mình đối với thỏa thuận của khối OPEC+.

Tuấn Nguyễn (VOV-Cairo )
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp