Các chuyên gia Mỹ đánh giá bước đi của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Thế giớiThứ Tư, 23/05/2018 18:55:00 +07:00

Trong một hội thảo quốc tế mở rộng tạị Đại học Pennsylvania, Mỹ các chuyên gia đã đưa ra nhận định về "Tương lai của Biển Đông'' sau khi Trung Quốc ngày càng gia tăng hoạt động phi pháp tại đây.

Trung tâm Perry World House thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Tương lai của Biển Đông” nhằm thảo luận những diễn biến mới nhất về ngoại giao, luật pháp và quân sự trong khu vực, cũng như chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc cũng như các nước khác đối với vùng biển quan trọng này.

051018_scs4-4-2220228

 Tàu khu trục 053H1G của Trung Quốc  trên Đá Chữ Thập thuộc Trường Sa hôm 4/5/2017 (Ảnh: AMTI) 

Tham dự hội thảo có bà Lindsey Ford, Giám đốc phụ trách các vấn đề an ninh, chính trị thuộc Viện Chính sách xã hội châu Á (ASPI), giáo sư Jacques Delisle thuộc trường Đại học Pennsylvania và ông Mark Nevitt từ Khoa Luật trường Đại học Pennsylvania cùng nhiều chuyên gia khác.

Đa số các ý kiến tại hội thảo đều nhất trí cho rằng trong thời gian qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông như tiếp tục các hoạt động bồi đắp, biến các bãi đá thành đảo nhân tạo, xây dựng đường băng, lắp đặt các trạm radar, triển khai máy bay...

Quan điểm rõ ràng của Chính phủ Mỹ là tất cả các bên tuyên bố chủ quyền nên kiềm chế các hành động cứng rắn, khiến tình hình khu vực thêm bất ổn.

Về khả năng Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) sau các động thái quân sự hóa Biển Đông trong thời gian gần đây, các chuyên gia khẳng định Mỹ quan ngại việc Bắc Kinh đơn phương áp đặt ADIZ ở vùng biển chiến lược này mà không có sự tham vấn hoặc thảo luận với các bên liên quan.

Rõ ràng, vấn đề Biển Đông phức tạp hơn vì có liên quan tới nhiều nước. Mỹ mong muốn Trung Quốc và các bên liên quan tập trung giải quyết tranh chấp, thay vì tiến hành các bước đi làm tình hình thêm phức tạp.

Ngoài ra, các chuyên gia nhận định Chính phủ Mỹ muốn Biển Đông và rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là các khu vực tự do và rộng mở. Khái niệm này đồng nghĩa với tự do hàng hải, hàng không, cũng như mở cửa về thông thương và tự do đi lại, vận chuyển hàng hóa trong khắp khu vực. Lợi ích của Mỹ là muốn nhìn thấy các nước trong khu vực có quan hệ giao thương trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và các tiêu chí tự do, mở cửa, công bằng và minh bạch.

Hầu hết các ý kiến cho rằng cả Mỹ và Việt Nam đều đồng ý với quan điểm cho rằng tất cả các nước có chung lợi ích đều mong muốn Biển Đông là khu vực tự do và rộng mở, đồng thời giải quyết các tranh chấp theo cách có lợi cho tất cả các bên theo tinh thần công bằng, minh bạch và không có sự cưỡng ép.

Khi phóng viên TTXVN đề nghị bình luận về việc Trung Quốc cho máy bay ném bom hạ cánh xuống quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chuyên gia Lindsey Ford nhận định nhìn chung, Chính phủ Mỹ cho rằng hành động quân sự hóa Biển Đông làm phức tạp hơn tình hình khu vực, có thể gây ra những hiểu lầm trong một khu vực vốn có quá nhiều xung đột và phức tạp.

Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc và các nước liên quan cần kiềm chế các hành động quân sự hóa hơn nữa ở Biển Đông để các nước có thể ngồi lại đàm phán theo con đường ngoại giao và đạt được giải pháp cho vấn đề.

Video: Máy bay ném bom của Trung Quốc được cho là cất, hạ cánh tại Hoàng Sa, Việt Nam

(Nguồn: Vietnam+)
Bình luận
vtcnews.vn