Các cảng biển ùn ứ, giá hàng hóa tăng vọt trên toàn cầu

Thị trườngThứ Bảy, 06/11/2021 21:43:25 +07:00

Mạng lưới giao thông quá tải, hàng hóa bị tồn đọng tại cảng.... khiến giá hàng hóa tăng chóng mặt trên toàn cầu.

Theo Bloomberg, những chuyến hàng xuất phát từ các cảng biển Mỹ đang chứng kiến khoảng thời gian đình trệ tăng mạnh. Trong khi đó, lượng hàng tồn đọng của những tàu container neo đậu gần Singapore đã cao hơn 10,5 điểm phần trăm so với mức bình thường.

Điều này góp phần đẩy giá thực phẩm trên toàn cầu, cũng như làm lạm phát gia tăng trên diện rộng.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo sẽ bắt đầu cắt giảm các chương trình mua trái phiếu để kích thích nền kinh tế. Ngân hàng trung ương của Czech và Ba Lan cũng tăng lãi suất nhằm chống lạm phát gia tăng.

Các cảng biển ùn ứ, giá hàng hóa tăng vọt trên toàn cầu - 1

Ngay cả khi nền kinh tế phát đi tín hiệu tăng trưởng lao dốc, thương mại quốc tế vẫn hứng chịu tình trạng tắc nghẽn chưa từng có. Ảnh: Reuters.

Áp lực lạm phát

Bloomberg cho biết hiện giá phân bón toàn cầu đang tăng chóng mặt. Nguyên nhân là chi phí khí đốt tự nhiên tăng cao, buộc một số nhà máy sản xuất ở châu Âu phải tạm dừng hoặc cắt giảm sản lượng.

Đà tăng giá làm dấy lên lo ngại rằng nông dân sẽ cắt giảm sản lượng, hoặc chuyển sang trồng những loại cây cần ít chất dinh dưỡng hơn. Sản lượng giảm có thể đẩy giá cây trồng tăng cao, làm trầm trọng hơn nữa tình trạng lạm phát lương thực.

Những chuyến hàng xuất phát từ các cảng biển Mỹ đang chứng kiến khoảng thời gian vô ích tăng mạnh. Đó là dấu hiệu cho thấy tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã làm gián đoạn các trung tâm vận tải Mỹ. Thời gian đình trệ của xe tải đã tăng từ 17 giờ năm 2019, 21,5 giờ năm 2020 lên hơn một ngày.

Ngân hàng trung ương của Cộng hòa Czech đã tăng chi phí đi vay 125 điểm cơ bản lên 2,75% - mức cao nhất trong gần 25 năm. Thống đốc ngân hàng trung ương của Ba Lan cũng cam kết sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" sau khi tăng lãi suất chuẩn 75 điểm cơ bản lên 1,25%.

Các cảng biển ùn ứ, giá hàng hóa tăng vọt trên toàn cầu - 2

Giá thực phẩm tại Trung Quốc chứng kiến mức tăng hàng tuần trong tháng 10. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh đã giữ nguyên lãi suất. Na Uy cũng xác nhận đang chuẩn bị tăng lãi suất vào cuối năm.

Còn ở Trung Quốc, đợt bùng phát Covid-19 mới đã lan sang 19 trong số 31 tỉnh. Đây là mức lây lan rộng nhất mà Bắc Kinh phải đối mặt kể từ khi dập tắt làn sóng dịch bệnh ở Vũ Hán hồi cuối năm 2019.

Biến thể mới dễ lây lan hơn buộc Bắc Kinh phải đưa ra các biện pháp mạnh tay nhằm đối phó với virus. Điều này khiến nền kinh tế thứ hai thế giới chao đảo.

Mạng lưới giao thông quá tải

Mới đây, Bắc Kinh kêu gọi các chính quyền địa phương đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực trong mùa đông và khuyến khích người dân tích trữ một số nhu yếu phẩm.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, giá thực phẩm tại đất nước 1,4 tỷ dân ghi nhận mức tăng hàng tuần trong tháng 10. Từ ngày 25 đến 31/10, rổ hàng hóa gồm 30 loại rau đã tăng 6,6% so với tuần trước đó lên 5,99 NDT/kg. Trong tuần 20-26/9, giá chỉ 4,39 NDT/kg.

Lạm phát gia tăng cũng gây áp lực lên Ngân hàng Trung ương Nga. Giá tiêu dùng của nước này tăng 8,1% trong tháng 10, mức cao nhất kể từ đầu năm 2016 và cao hơn mức dự báo trung bình 8% của các nhà phân tích do Bloomberg khảo sát. Riêng giá thực phẩm tăng vọt 10,1%.

Nền kinh tế toàn cầu gượng dậy sau quãng thời gian lao đao vì dịch Covid-19, nhưng đang mắc kẹt trong vụ tắc nghẽn chuỗi cung ứng nghiêm trọng nhất lịch sử. Những chỉ số mới nhất của Bloomberg Economics đã phơi bày sự nghiêm trọng của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Các cảng biển ùn ứ, giá hàng hóa tăng vọt trên toàn cầu - 3

Ngay cả khi những con tàu container đang chờ ngoài khơi cập bến, hàng hóa cũng sẽ bị dồn vào hàng nghìn container khác đang mắc kẹt ở cảng. Ảnh: Reuters.

70 con tàu neo đợi ngoài khơi Los Angeles, chất đầy những container 6 m. Hàng hóa trong các container này có thể trải dài từ Nam California đến Chicago.

Ngay cả khi những con tàu container đó cập bến, hàng hóa cũng sẽ bị dồn vào hàng nghìn container khác đang mắc kẹt ở cảng. Chúng cần đến số lượng lớn xe tải và xe kéo trong một thời gian ngắn.

Ở những nơi khác trên thế giới, tình trạng tắc nghẽn thường theo sau thời tiết khắc nghiệt và các đợt bùng phát virus, chẳng hạn tại Singapore.

Theo một phân tích, lượng hàng tồn đọng vào ngày 1/11 ở trung tâm tài chính và hậu cần của đảo quốc đã tăng cao. 53 tàu container đang neo đậu. Đây là con số cao nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu theo dõi dữ liệu vào tháng 4.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn