Các biến thể SARS-CoV-2 mới trong tương lai nguy hiểm thế nào?

Tư liệuThứ Sáu, 13/08/2021 09:37:00 +07:00
(VTC News) -

Thế giới đang đau đầu trước biến thể Delta, trong khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến, liệu các biến thể mới có nguy hiểm hơn hoặc kháng các loại vaccine hiện có?

Hiện đã xuất hiện nhiều biến thể của SARS-CoV-2, chúng được đặt tên theo chữ cái Hy Lạp: Alpha, Beta, Gamma và Lambda. Trong số đó, có những loại dễ lây truyền và rất nguy hiểm.

Chưa dừng lại ở đó, các nhà khoa học đều thống nhất rằng nCov sẽ tiếp tục đột biến trong tương lai. Vậy liệu sự biến đổi của loại virus đã gây ra đại dịch toàn cầu sẽ ảnh hưởng thế nào đến mức độ nguy hại đối với sức khỏe con người, khả năng lây lan và khả năng kháng các loại vaccine hiện có?

Các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 chắc chắn sẽ xuất hiện, nhưng không phải tất cả các đột biến đều có tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Quan trọng là phải theo dõi và đánh giá các biến thể mới vì một số có thể làm tăng mối đe dọa (với con người)”, Yvonne Su, chuyên gia tại đại học Y Duke-NUS ở Singapore, cho biết.

Các biến thể SARS-CoV-2 mới trong tương lai nguy hiểm thế nào? - 1

Các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 chắc chắn sẽ xuất hiện.

Những biến thể nguy hiểm trên thế giới

Các tổ chức Y tế Thế giới đã xác định được bốn biến thể SARS-CoV-2 cần lưu tâm đặc biệt, bao gồm biến thể Delta, do khả năng lây lan cao gấp đôi so với chủng virus ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Phân loại này dựa trên “những thay đổi về mặt di truyền được dự đoán hoặc đã xác định là có ảnh hưởng đến các đặc tính của virus” như khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng và khả năng kháng vaccine.

Delta, biến thể SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất trên toàn thế giới, đã xuất hiện tại ít nhất 135 quốc gia kể từ lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 10/2020. Khả năng lây lan nhanh chóng của Delta đã khiến các quốc gia thận trọng hơn khi cân nhắc về việc dỡ bỏ các hạn chế chống dịch, đặc biệt là ở các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Hong Kong, Châu Úc, New Zealand và cả Việt Nam. Những quốc gia này duy trì số ca nhiễm và tỷ lệ người chết ở mức thấp chủ yếu dựa vào các nỗ lực giãn cách xã hội và kiểm soát biên giới.

Không có lý do gì để hoảng sợ

Mặc dù có bằng chứng cho thấy biến thể Delta dễ lây truyền cho những người đã tiêm phòng COVID-19 hơn so với chủng Vũ Hán, chưa có nghiên cứu nào cho thấy các biến thể hiện nay có thể vô hiệu hóa tác dụng ngăn ngừa các triệu chứng nặng và giảm tỷ lệ tử vong của vaccine.

Tại Anh, quốc gia đã tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 75% người trên 18 tuổi, số ca nhập viện và tử vong đã giảm so với mức đỉnh, bất chấp tình trạng đất nước ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày trong những tuần gần đây. Theo dữ liệu của Public Health England, chỉ có 512 người được tiêm hai liều vaccine phải nhập viện từ ngày 19/7 đến ngày 2/8. Con số này được đánh giá là khả quan so với mức trung bình gần 39.000 ca nhập viện mỗi ngày trong thời kỳ cao điểm dịch bệnh hồi tháng 1.

Một số chuyên gia y tế đã dự đoán virus SARS-CoV-2 có thể trở nên ít độc lực hơn, hay ít nghiêm trọng hơn, dựa trên giả thuyết đánh đổi giữa khả năng lây truyền và độc lực. Lý thuyết này nhận được nhiều sự ủng hộ trong cộng đồng khoa học. Theo đó, nếu độc lực tăng thì khả năng lây truyền phải giảm vì giết chết vật chủ không giúp mầm bệnh lây lan.

Giáo sư Polly Roy, chuyên gia virus học tại học viện Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết hầu hết các loại virus đều tiến hóa theo hướng có lợi hơn cho chính chúng, nghĩa là chúng hướng tới việc không đánh mất vật chủ. Bà đưa ra dẫn chứng về nhiều đại dịch trong quá khứ đã bị khống chế sau một vài năm.

Hầu hết các biến thể sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến các loại vaccine hiện có và vẫn sẽ được kiểm soát bằng cách tiêm phòng. Vì vậy, chúng ta không có lý do gì để hoảng sợ. Cho đến nay, những biến đổi của virus khá tinh vi, không dữ dội, các bản chất cơ bản của chúng vẫn được giữ nguyên, chúng lây nhiễm vào cùng loại tế bào và ít nhiều đều gây ra cùng một căn bệnh”.

Các biến thể SARS-CoV-2 mới trong tương lai nguy hiểm thế nào? - 2

Một số chuyên gia y tế đã dự đoán virus SARS-CoV-2 có thể trở nên ít độc lực hơn. (Ảnh: ISO)

Dịch bệnh tương đồng trong lịch sử

Một số nhà khoa học đã phát hiện manh mối về quỹ đạo đột biến của virus SARS-CoV-2 trong quá trình tiến hóa của một loại virus corona gây cảm lạnh thông thường.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại đại học Leuven ở Bỉ đã tìm ra cách virus corona OC43 lây từ gia súc sang người vào cùng thời kỳ với đại dịch xảy ra trong giai đoạn 1889–1890. Nghiên cứu này cho thấy OC43 có thể là nguyên nhân gây ra đợt đại dịch toàn cầu khiến khoảng 1 triệu người thiệt mạng.

Ông Lawrence Young, nhà virus học tại đại học Y Warwick, phân tích rằng có nhiều điểm tương đồng giữa virus cúm và virus corona cảm lạnh thông thường. Ban đầu, khi virus cúm lây từ động vật sang người, chúng dẫn đến dịch bệnh nghiêm trọng khiến nhiều người chết. Nhưng qua thời gian, khi virus lan rộng và đột biến nhiều lần, chúng sẽ ít gây bệnh hơn. Quá trình này rất có thể tương tự với trường hợp của virus OC43.

Do đó, ông Young cho rằng cộng đồng không nên hoảng sợ mỗi khi có biến thể SARS-CoV-2 mới xuất hiện mà cần làm quen với việc “sống chung với virus”.

Các biến thể SARS-CoV-2 mới trong tương lai nguy hiểm thế nào? - 3

Các chuyên gia e ngại về nguy cơ xuất hiện một biến thể nCov có khả năng kháng các loại vaccine hiện nay. (Ảnh: Bloomberg)

Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại hơn về mối đe dọa từ các chủng đột biến, đặc biệt là nguy cơ xuất hiện một biến thể SARS-CoV-2 có khả năng kháng các loại vaccine hiện nay.

Trong một cuộc khảo sát với 77 nhà dịch tễ học do Liên minh Vaccine Cộng đồng thực hiện vào tháng 3, 2/3 số người được hỏi cho biết họ tin rằng loại virus này sẽ đột biến đến mức các vaccine thế hệ đầu tiên không còn hiệu quả trong tối đa là một năm tới.

Ông Nikolaus Osterrieder, trưởng khoa Thú y và Khoa học Đời sống tại đại học City ở Hong Kong, cho biết kinh nghiệm nghiên cứu của ông cho thấy các biến thể mới sẽ dễ lây truyền hơn và kháng vaccine hơn.

Nhưng ông Osterrieder cũng ủng hộ giả thuyết có sự đánh đổi giữa khả năng lây truyền và độc lực. Ông lưu ý rằng virus không có lợi ích gì từ việc trở nên độc hại hơn, chúng chỉ hướng đến việc tiếp tục tồn tại và lan rộng. Vì vậy, rất có thể trong tương lai độc lực của chúng sẽ đạt được trạng thái cân bằng.

Do đó, sự xuất hiện của các biến thể mới không làm thay đổi nhu cầu xã hội đối việc tìm cách sống chung với virus và các đột biến của nó.

Các biến thể SARS-CoV-2 mới trong tương lai nguy hiểm thế nào? - 4

Chưa có nghiên cứu nào cho thấy các biến thể hiện nay có thể vô hiệu hóa tác dụng ngăn ngừa các triệu chứng nặng và giảm tỷ lệ tử vong của vaccine. (Ảnh: Reuters)

Giáo sư Su tại đại học Y Duke-NUS thì khẳng định có rất ít bằng chứng cho rằng virus sẽ trở nên ít độc hại hơn theo thời gian. Bà cho rằng việc giảm tác động của một số bệnh là kết quả của tăng khả năng miễn dịch hoặc tiêm phòng.

Nếu chúng ta muốn sống chung với virus, cần tăng tỷ lệ tiêm phòng”, bà Su cho biết.

Mặc dù các loại virus trong quá khứ có thể đưa ra các kịch bản tiềm năng cho quỹ đạo phát triển của đại dịch COVID-19, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất về về mối đe dọa do các biến thể mới gây ra. Giới nghiên cứu chỉ đồng ý rằng virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lưu hành ở nhiều dạng trong những năm tới, và không phải tất cả các đột biến đều nguy hiểm hoặc đáng lo ngại hơn.

Trần Trang(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn