Cả xóm chồng chất nợ nần "vì trúng loài cá tiền tỉ"

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 18/06/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Tất cả những người từng trúng sủ vàng ở xóm 7, Tam Bảo, đều rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát. Nhà nợ ít thì 200-300 triệu, nhà nhiều gần 1 tỉ đồng.

(VTC News) - Mang theo câu chuyện bí mật về con cá sủ vàng trị giá tiền tỉ mà ông “vua sủ vàng” Nguyễn Văn Hiền nói: “Được bạc thì sang, được vàng thì bại”, tôi vào xóm 7, làng Tam Bảo (Nam Hồng, Tiền Hải, Thái Bình), ngôi làng của những ngư dân đi biển. Đây là ngôi làng nằm ngay mép đê sông Hồng, nhà cửa san sát.

Bí mật gì nằm sau con cá đắt như vàng này? Ảnh: Phạm Nguyệt Diễm. 

Nhớ lại buổi trò chuyện với ông Trần Văn An, người đã trúng con cá sủ vàng bạc tỉ, mới thấy điều ông Hiền nói quả không sai. Ông An sinh ra ở làng chài nghèo Cao Bình (Hồng Tiến, Kiến Xương, Thái Bình), bao đời nay lênh đênh sông nước. Những năm 90, cá sủ vàng đắt đỏ, ông ra cửa Ba Lạt săn tìm sủ vàng. Trúng được một số sủ vàng, ông sắm thuyền lớn, rồi đưa cả nhà ra cửa Ba Lạt ở trên một con thuyền. Con thuyền vừa là nhà ở, vừa là phương tiện đánh bắt.

Vì mải mê đeo đuổi mộng ước trúng sủ vàng, nên khi nhìn lại, sủ vàng chẳng thấy đâu, chỉ thấy nợ nần chồng chất. Đang lúc túng quẫn nhất, thì ông trời xót thương cho con sủ vàng 75kg, bán được tròn 1 tỉ đồng.

Vừa trúng con sủ vàng 1 tỉ đồng năm ngoái, năm nay ông Trần Văn An đã thành con nợ. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Được 1 tỉ đồng, ông trả nợ mất 400 triệu, cho nhà thờ 100 triệu, cho các con 200 triệu, còn lại 3 trăm triệu vừa đủ mua miếng đất, xây ngôi nhà kiên cố ở xóm 7, làng Tam Bảo. Coi như hết nhẵn 1 tỉ đồng. Vậy là, ông An đã lên được bờ, điều mà cha ông, tổ tiên không thực hiện được.

Những tưởng có nhà trên bờ, cuộc đời đại gia đình của ông An sẽ thay đổi, nhưng nhà có, mà ruộng vườn không có thì làm gì để sống? Thế là, cuộc sống của họ vẫn gắn với sông nước, biển cả.

Tuy nhiên, kể từ ngày trúng cá sủ vàng, cuộc sống của đại gia đình ông An trở nên cực kỳ đen bạc. 10 chuyến ra khơi thì 9 chuyến thất bại. Để có tiền dầu ra biển, ông phải vay lãi. Lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ giờ đã lên đến 170 triệu đồng. Với lãi suất 9% một tháng, chẳng mấy mà con số nợ nần sẽ gấp nhiều lần từng ấy. Không có tiền trả lãi hàng tháng, vợ chồng con cái ông An khóa cửa, bỏ nhà xuống thuyền ở.

Vào thôn 7, xóm Tam Bảo, tôi thực sự ngỡ ngàng khi thấy những ngôi nhà san sát, song hầu hết cửa khóa then cài. Rẽ vào một ngôi nhà đang xây thêm tầng 2, anh Trần Văn Nam, chủ nhà ra tiếp tôi. Anh Nam bảo, cả xóm 7 này, toàn là dân làng chài Cao Bình (Hồng Tiến, Kiến Xương, Thái Bình).

Trúng sủ vàng, anh Nam liền bán thuyền lên bờ sinh sống, nên thoát cảnh nợ nần. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Bản thân anh Nam cũng là người sinh ra ở làng chài Cao Bình, từng trúng cá sủ vàng. Anh trúng một con sủ vàng vào năm 1995, bán được 115 triệu đồng. Có tiền, anh mua ngôi nhà ở xóm 7, làng Tam Bảo này ở. Người bán ngôi nhà cho anh Nam chính là anh Bình. Có một điều đặc biệt là anh Bình cũng là dân làng chài Cao Bình, từng trúng 3 con sủ vàng, đủ tiền sắm thuyền lớn, mua miếng đất, xây ngôi nhà này.

Cũng như ông Hiền, anh Nam bảo với tôi: “Được bạc thì sang, được vàng thì bại”. Hiểu điều đó, nên khi trúng cá, anh đã bán thuyền lên bờ sinh sống. Anh Bình trúng tới 3 con sủ vàng, nhưng không hài lòng, cứ mải miết săn tìm nữa, cuối cùng sủ vàng không thấy, mà nợ nần chồng chất, phải bán nhà bỏ vào Nam trốn nợ.

Theo anh Nam, xóm 7 có 28 hộ dân, toàn bộ là dân chài Cao Bình. 100% hộ dân ở xóm này đều từng trúng sủ vàng, hầu hết đều trúng vài con vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Thời kỳ đó, cá sủ vàng đã rất đắt, trên dưới 100 triệu đồng/con. Những người có nhà ở xóm này và có thuyền lớn ra biển đánh bắt là những người trúng cá sủ vàng.

Tuy nhiên, tất cả những người từng trúng sủ vàng ở đây đều rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát. Nhà nào nợ ít thì 200-300 triệu, nhà nhiều như anh Chiến nợ gần 1 tỉ đồng, ông Nghinh nợ 900 triệu đồng…

Người dân xóm 7, Tam Bảo (Nam Hồng, Tiền Hải), khóa cửa bỏ nhà để... trốn nợ. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Anh Nam dẫn tôi đi dọc xóm 7, anh chỉ vào từng ngôi nhà. Những ngôi nhà xây chắc chắn như của ông Lịch, anh Tâm, anh Đức, Năng, Vương, Bính, Công, Thắng, Tiến, Xá… đều đã khóa cửa từ lâu. Thậm chí, tôi thấy trên nhiều chiếc khóa đã han gỉ. Người dân Nam Hồng giờ gọi cái xóm 7 nằm bên sông Hồng này là “xóm vỡ nợ”.

Từ những người khá giả vì trúng lộc giời, chỉ thời gian sau, họ đã trở thành con nợ. Sợ chủ nợ đến chửi rủa, đe dọa, họ phải xuống thuyền trốn ra biển, có người bỏ nhà trốn vào Nam sinh sống từ mấy năm nay. Chỉ cần vay nợ vài trăm triệu, với lãi suất từ 6 đến 9% một tháng, chẳng mấy chốc mà khoản nợ sẽ thành tiền tỉ, không thể trả nổi.

Nhiều đứa trẻ cũng bỏ trường lớp xuống thuyền theo cha mẹ. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Hóa ra bí mật về loài cá sủ vàng mà cụ Hiền cứ úp mở nói với tôi, đó là, hầu hết cuộc đời những người săn được nó, dù có tiền trăm triệu, tiền tỉ, song cũng đều thất bại. Cụ Hiền bảo: “Ăn của Hà Bá bao nhiêu, Hà Bá đòi lại bấy nhiêu”. Cụ Hiền lấy ví dụ đặc biệt về ông Quỳnh, là người cực kỳ tiết kiệm, chắc chắn. Khi trúng sủ vàng năm 1996, bán được hơn trăm triệu, ông Quỳnh đã gửi tiết kiệm ở ngân hàng, chỉ tiêu xài tiền lãi. Thế nhưng, từ khi trúng sủ vàng, ông Quỳnh liên tục thất bại, giờ cũng vay nợ tứ tung, không có khả năng trả, nên bỏ nhà trốn đi.

Cả cái xóm 7 của làng Tam Bảo, chỉ duy nhất có cụ Hiền và anh Nam, những người đã trúng sủ vàng, song không vướng vào nợ nần vì đã quyết bán thuyền lên bờ sinh sống, không tiếp tục nuôi mộng săn tìm loài cá mà họ gọi lá “cá thần” nữa.

Ông Nguyễn Văn Tâm đã buồn rười rượi khi nhắn đến khoản nợ mỗi ngày thêm chồng chất. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Nhớ lại lần gặp chàng trai Bùi Văn Thắng ở làng chài Tân Sơn (Thái Thụy) – người đã trúng con sủ vàng nặng 69kg, bán được 1,5 tỉ đồng vào tháng trước. Thắng kể, khi tàu chở con cá quý đến cửa biển, mẹ Thắng đã bắt cậu ở lại ngoài biển mấy tiếng đồng hồ, vì thủ tục cúng bái kéo dài suốt 4 tiếng đồng hồ vẫn chưa hoàn tất. Ngoài biển, nhóm săn được con cá sủ vàng cũng đốt hương đỏ rực quanh con tàu, rồi rải tiền thật mệnh giá lớn như bươm bướm xuống biển cả. Người đi biển tin rằng, bắt được “cá thần” của Hà Bá sẽ mắc nợ Hà Bá suốt đời.

Bùi Văn Thắng đã rải tiền như bươm bướm ngoài biển cúng Hà Bá khi trúng con cá 1,5 tỉ đồng. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Tôi nghĩ, đó chỉ là quan niệm mê tín của những người đi biển. Có một lôgic dễ lý giải, đó là, khi trúng cá sủ vàng, được nhiều tiền, họ liền đầu tư tàu thuyền cũng như các phương tiện đánh bắt hiện đại, tốn kém để tiếp tục truy lùng loài cá này. Tuy nhiên, loài sủ vàng đã cạn kiệt đến mức gần như tuyệt chủng hoàn toàn, trong khi các loài cá khác cũng mỗi ngày thêm khan hiếm. Cá ngày một hiếm, xăng dầu ngày một đắt, những chuyến ra khơi thất bại, chính là nguyên nhân biến họ thành con nợ, chứ chẳng phải vì loài cá sủ vàng vô tội kia.
 





Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn