Ca sỹ YVol: Ba tôi là người vĩ đại

Tổng hợpThứ Hai, 25/07/2011 12:31:00 +07:00

Vẫn là bài Đôi chân trần của ba, lần đầu tiên tôi được đứng trên những sân khấu lớn. Mọi người bảo tôi hát giống ba. Ba vui và có vẻ tự hào lắm...

     Tôi biết và ngưỡng mộ NSND YMoan như một giọng ca có một không hai được sinh ra từ đại ngàn Tây Nguyên. Nhưng cho đến khi ngồi trò chuyện với người con trai lớn của ông, ca sĩ YVol, tôi bất giác nhớ giọng hát tuyệt vời: “Tôi muốn quên đi, đôi chân trần/ Cha đi lượm quả ngọt rừng, cho con đỡ đói qua đêm...”. Thì ra, người nghệ sĩ tài năng ấy, phía sau sâu khấu cũng là một người cha thương con, như biết bao người cha bình thường khác trên trái đất này.

 Ba tôi là một cây đại thụ

 
Liveshow cuối cùng của NSND YMoan hình như cũng là liveshow duy nhất trong đời ông?

 Sự nghiệp của ba tôi không được may mắn. Bao nhiêu năm hoạt động nghệ thuật ba không có một liveshow nào cả. Có thể do ba không có người tổ chức, không có người đứng đằng sau hỗ trợ và có thể người ta có mời chào nhưng ba tôi thích đi bằng đôi chân mình.

Cả đời ba không có được một đĩa nhạc nào của riêng mình. Tôi muốn kiếm được tiền để làm đĩa cho ba, đến khi đủ thì ba mất. May mà vẫn kịp làm một liveshow cuối cùng không thì có lẽ tôi đã hối hận cả đời này.

Sau ngày ba mất, tôi luôn ấp ủ sẽ làm một Rock liveshow xuyên Việt vào đúng ngày giỗ đầu của ba, bắt đầu từ tháng 10, 11 do chính công ty mà tôi đang làm việc sản xuất. Liveshow này để tưởng nhớ ba tôi.

 Anh và em trai anh YGaria đều từng theo nghiệp ca hát của ba. Riêng anh đã rẽ ngang nửa chừng. Có khi nào anh nghĩ mình sẽ quay trở lại không?

Có, khi nào người nghe nhạc muốn thưởng thức âm nhạc thực thụ, tôi sẽ quay lại.

 Khả năng ca hát của anh và em trai, có lẽ là do chính ba anh đánh thức?

Nhiều người nghĩ như thế nhưng hóa ra lại không phải vậy. Ngày bé, tôi bị hen suyễn. 3 tuổi tôi mới biết nói. Ba mẹ sợ tôi bị câm. Nhưng khi biết nói thì giọng tôi thì như vịt đực, lại ho hen, chả ai nghĩ tôi sẽ hát. Bù lại tôi mê trống, tất cả xoong nồi, thùng phuy tôi lôi ra đập, móp gần hết. Ngày đó cuộc sống của chúng tôi rất nghèo khổ. Ba đi diễn xa lắm, lúc đi Hà Nội, lúc Sài Gòn... đi đến đâu, ba lại nhặt nhạnh vài thứ đủ để ghép thành một bộ trống hoàn chỉnh mang về cho tôi. Tuy là đồ Việt Nam thôi, nhưng như thế đã là khủng khiếp lắm rồi. Sau này, thấy tôi thích những chiếc trống của Mỹ, có lần ba đi Sài Gòn cho một chương trình của chú Trần Tiến, cát sê của ba có 2 triệu, ba nhịn ăn rồi vay thêm tiền của bạn bè đề mua lá cymbal, lá đồng với giá 2, 2 triệu vui mừng mang về làm cho quà cho con. Đó là món quà, suốt đời này tôi không bao giờ quên được.

Trong nhà ba rất chiều tôi. Ba ủng hộ sở thích đánh trống của tôi nên khi đi diễn nước ngoài, ba hay nghiên cứu mua băng đĩa về cho tôi nghe luyện tập theo. Tôi  nhớ ba vẫn thường bảo: “con không được bắt chước mà hãy học hỏi những cái tinh túy nhất của từng người một”. Tôi thấy ba nói đúng và tôi đã tự học trống từ khi tôi 8 tuổi. Nhưng tuyệt nhiên, ba chưa từng nghĩ tôi có thể hát.

Lần đầu tiên tôi hát là khi tôi học ở trường Nghệ thuật quân đội. Ở nhà ai cũng ngớ người ra. Ba tôi vẫn thường bảo, “thằng Vol hát như vịt đực, nói còn chả ra sao mà đi hát cái gì”. Nhưng ngày đó tôi đi hát thành công, được mời hát giao lưu trên truyền hình. Vẫn là bài Đôi chân trần của ba, lần đầu tiên tôi được đứng trên những sân khấu lớn. Mọi người bảo tôi hát giống ba. Ba vui và có vẻ tự hào lắm.  Từ đó mỗi lần về nhà, ba tôi lại trao đổi kinh nghiệm hát.

 

 

Những kinh nghiệm đó là gì vậy?

Đến giờ này, tôi vẫn chưa học được cái “đòn” của ba. Khi ba làm việc, hát quá nhiều bị mất tiếng khản giọng, nói không ra hơi nhưng tôi đã chứng kiến ba vẫn hát được như bình thường. Ba tôi bảo, lúc đó không phải ông hát bằng thanh đới nữa mà hát bằng ngực. Cái cổ nó chỉ làm cho tròn âm thôi, còn tiếng hát cất ra từ ngực. Ba bảo, “hãy hát đến khi nào rách màng phổi như ba ấy”. Tôi vẫn hay nói lại “không biết khi nào con hát mới rách phổi hết”. Ba đi hát hàng chục năm, tôi thì mới vài năm trời, biết bao giờ rách phổi cho được (cười).

Ba tôi là một người kì lạ. Ba đã từng hát đến độ hộc máu ra mới biết mình bị rách màng phổi. Ba tôi sinh ra đã là một cây đại thụ rồi. Khó đốn lắm. Tôi với em trai tôi, có cố lắm cũng chỉ bằng phần nhỏ của ba thôi.

 Trong liveshow cuối cùng nhưng vô cùng ấn tượng của NSND YMoan, nhiều người đã sợ ông không thể trụ được trên sân khấu nhưng cuối cùng ông đã làm được một việc phi thường. Luôn bên cạnh ba trong quãng thời gian đó, điều gì khiến anh ấn tượng nhất về ông?

Ba tôi luôn làm việc hết mình. Xưa nay vẫn luôn là như vậy. Trước hôm làm liveshow cuối cùng cho ba, ba mệt lắm. 4 tháng trời ba không ăn gì. Bạn tưởng tượng xem, 4 tháng trời... Tới hôm tập liveshow, tôi dặn “ba ngồi nghe thôi, có chỗ nào sai, ba nói với con, con sửa”. Nhưng chỉ được một lúc, không hiểu có nguồn lực phi thường nào mà ba vẫn đứng dậy hát suốt cả buổi tập, hát y như hôm diễn vậy, không nghỉ ngơi chút nào. Tôi bảo ba hát giọng giả thôi để giữ sức mai biểu diễn. Ba cãi: “ba không biết hát giọng giả, ba hát như vậy đó, tụi bay nghe thì nghe”. Con người ba tôi khó hiểu vậy đó. Ba hy sinh tất cả vì nghệ thuật, không bao giờ có sự giả dối, ngay cả trong những giờ phút cuối của cuộc đời.

 Cả cuộc đời và cả một đời... đôi chân trần

 

 

Khi anh còn nhỏ, anh gắn bó với ba chứ?

Ba mẹ kể là khi mẹ có bầu tôi, ba đi diễn. Tôi được mấy tháng, ba mới về. Về rồi lại đi. Mãi như vậy đến khi tôi 3 tuổi, tôi mới nhận biết đó là ba mình. Tuổi thơ của tôi đến sau này ít khi gần gũi ba. Nhưng những lần ở cạnh ba tôi đều có những kỷ niệm không thể nào quên được.

Chẳng hạn ngày xưa, tôi nhớ mãi có lần ba đi diễn ở Liên xô về mua được cái xe đạp. Ba đèo tôi đi chơi trong ánh mắt thèm thuồng và ngưỡng mộ của mọi người. Thích lắm. Ba chở tôi đi hết buôn này đến buôn khác, đi hết nhà này đến nhà nọ. Đến tối về nhà, ba đèo tôi xuống một cái dốc lởm chởm đá. Hai ba con bị ngã xe, bánh đi đằng bánh, thân đi đằng thân. Thế là ba tôi một tay ẵm con, tay kia vác xe lên đi bộ cả chục cây số về nhà, trời thì tối mịt. Tội ba lắm.

Đôi khi tôi cũng bị ba đánh. Đó là do đi chơi một mình không cho em đi chơi, để em bị ngã. Nhưng tôi thì rất tự hào về ba nhất là mỗi khi đi vào làng nào, buôn nào ba chỉ cần nói một tiếng là người ta đều nghe, nể và kính trọng.

Ba tôi giống như con chim đầu đàn, như vị tướng vậy. Thời gian tôi đi đánh trống biểu diễn theo ba, tôi chứng kiến ba lúc nào cũng đi sớm. Thậm chí khi đi máy bay, lúc nào ba cũng đến sớm trước hai tiếng. Ba luôn đúng giờ và không bao giờ muốn ai phải chờ đợi mình. Ba vẫn bảo tôi: “mình phải làm gương, có như vậy người ta sai mình mới nói được”. 

 Thế còn trong gia đình thì sao?

Ba tôi rất thương con cháu nhưng cũng rất nóng tính. Chỉ cần ba ho một tiếng là cả nhà im phăng phắc luôn. Ba tôi có phong thái của một vị tướng, trong nhà cũng vậy. Người dân tộc Ê đê là mẫu hệ, nhưng ba tôi vẫn quyết định lấy vợ người kinh, và gia trưởng như đàn ông người Kinh vậy (cười).

Ba nấu ăn cũng rất giỏi, rất ngon. Đặc biệt, không hiểu ba học ở đâu nhưng có thể phân biệt được các loại nấm, rau. Đi diễn ở vùng sâu, vùng xa, chung quanh toàn rừng rú, cỏ dại nhưng rau nào ăn được, rau nào không ăn được ba biết hết. Tính ba lại gần gụi với bà con dân tộc nên đi đâu cũng được cho nếp, cho gà, cho rượu. Có ba thì sẽ không bị đói.

Khi tôi còn bé, có lần mẹ mua rau muống, ba kêu ăn rau muống chán òm. Vậy là ba sai tôi lấy cái rổ đi theo ba vào vào rừng cao su, ca cao để đi hái nấm, bắt dế về ăn. Vậy là bữa đó, cả nhà có một bữa ngon.

 

 

Nghe anh kể về những kỷ niệm với ba, tôi lại có cảm giác ông sống cũng rất tình cảm và vui vẻ?

Đúng vậy, ba nghiêm khắc, rõ ràng, quyết đoán nhưng cũng lại là một người hài hước. Mọi người đến nhà tôi lúc nào cũng thấy vui vẻ. Có lần đang ngồi xem vô tuyến có một đoàn chèo nào đó đang hát. Ba đang xem liền nhảy phắt xuống vừa bắt chước điệu bộ liếc mắt, đá đưa của diễn viên vừa cất giọng hát chèo. Bạn thử tưởng tượng xem, phong thái của ba, một rocker tóc dài, hát chèo trông buồn cười ghê lắm. Ba vậy đó, đi đâu ba cũng pha trò cho mọi người cười.

 Những ngày cuối cùng của cuộc đời, ba anh trăn trở điều gì?

Hôm trước ngày ba mất, ba mệt nhưng giấu tôi, sợ tôi bỏ việc về lại bị đuổi việc. Mẹ tôi gọi chia sẻ với vợ tôi rồi tôi nghe vợ kể lại.  Tôi tranh thủ về thăm ba, ba thấy tôi liền mừng ra mặt. Đêm tôi trông ba cả đêm, ba còn bảo “ba không sao đâu. Mấy hôm vừa rồi người thăm nhiều nên ba ngộp, ba thở ô xy cho trong lành”. Ba lạc quan lắm. Sáng hôm sau, ba gọi tôi vào nói “những cái gì cần, ba đã tạo dựng trước cho con, con cố gắng nắm bắt cơ hội. Con yên tâm, những gì cần làm cho con ba làm hết rồi. Con đi đâu, cứ nói con của ba, bạn bè ba sẽ giúp. Con sống làm sao để người ta quý con”.

Thế rồi ba tôi ra đi.

Có lẽ, đến một lúc nào đó, tôi sẽ trở về nhà thực hiện tâm niệm của ba. Tâm niệm cuối cùng của ba tôi là làm một đêm nhạc dân gian ở Ban mê Thuột để hát cho riêng đồng bào Tây Nguyên. Đó là điều ba tôi đau đáu nhất mà chưa kịp thực hiện.

 Vậy hiện giờ ở Tây Nguyên, mẹ anh sống ra sao?

Mẹ tôi đang sống cùng cô em gái út. Trong nhà, tất cả kỷ vật của ba chúng tôi giữ hết. Kể cả chiếc xe là phương tiện đi lại của ba. Thiếu thì đã thiếu rồi, nghèo thì đã nghèo rồi nhưng đó là những kỷ vật duy nhất của ba mà tôi không thể mang cho hoặc bán đi. Dù có chuyện gì đi chăng nữa tôi cũng vẫn sẽ giữ lại những kỷ vật đó để bạn bè, fan hâm mộ, con cháu sẽ có dịp nhìn lại, để họ cảm nhận gần gũi về con người ba tôi, một người sinh ra và chết đi cho nghệ thuật.

 Những kỷ vật đó là gì vậy?

Ba tôi có thú sưu tầm vật dụng cổ của người dân tộc Ê đê như chiêng, cồng ché... vật dụng làm ruộng, rẫy, săn bắn, giáo mác. Ba tôi tiếc nên mới sưu tầm về. Lúc ba còn sống, có lần tôi đã nói với ba rằng chúng tôi cần mời một chuyên gia về, họ sẽ xem chỗ nào tốt nhất để trưng bày cho đẹp. Giờ ba mất, một lúc nào đó, tôi sẽ thay ba thực hiện nguyện vọng đó.

 Mỗi lần nghe bài Đôi chân trần, những câu hát ca ngợi người cha tôi lại nghĩ tới NSND YMoan. Tôi nghĩ, ông là một nghệ sĩ lớn và cũng là một người cha đáng tự hào đối với anh?

Tôi nhớ mãi, một năm có lễ hội cồng chiêng. Mẹ nói thuê tài xế chở ba tôi đi qua Gia Lai biểu diễn. Nhưng ba đòi tự đi bằng mô tô. Ba thích vậy, thích đi như dân Hippi, dân Di gan. Có lần ba còn hỏi tôi “một con ngựa có đắt không nhỉ”. Ý chừng, ba muốn mua một con ngựa để đi. Bây giờ mỗi lần đi qua đoạn đường từ Kon Tum đến Buôn Mê Thuột, cứ nghĩ đến ba tôi lại khóc.

Cả đời, ba không biết ô tô là gì. Khi tôi mua xe lái về thăm ba. Ba tắm rửa sạch sẽ rồi bảo “mày chở ba đi chơi đi buôn Đôn”. Vừa đi, ba vừa chỉ làng này, làng kia, kể chuyện cho tôi giống như khi tôi còn bé, ba chở tôi bằng chiếc xe đạp Liên Xô vậy. Rồi ba bảo “cho ba cái xe này ba tập ba lái. Khi nào ba khỏe, ba lái xe ra Nha Trang tắm biển”. Tội ba lắm. Lần sau về thăm tôi hỏi ba đã lái được chưa, ba bảo ba mệt, không tập được, cho thằng YGaria tập rồi nó đưa ba đi.

Suốt đời mình, ba nhớ ngày sinh của con cháu nhưng không nhớ ngày sinh nhật của mình. Chẳng bao giờ ba nhắc đến. Khi ba bệnh, con cái tổ chức sinh nhật cho ba, sinh nhật đàng hoàng có bánh ga to, có thổi nến. Nhưng ba chỉ kịp thổi nến rồi ba vào nằm nghỉ. Đó là sinh nhật duy nhất, đầu tiên và cũng là cuối cùng của ba tôi...

 Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Bình luận
vtcnews.vn