Ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam: Có đủ sức 'uy hiếp' ca sĩ thật?

Ca NhạcChủ Nhật, 30/04/2023 15:11:00 +07:00
(VTC News) -

Không có những phiền phức cá nhân, có thể biểu diễn và kiếm được tiền nhưng ca sĩ ảo liệu có đủ sức để "uy hiếp" ca sĩ thật?

Mới đây, người yêu nhạc Việt Nam xôn xao trước thông tin BoBo Studio ra mắt nghệ sĩ Ann - nữ ca sĩ ảo đầu tiên tại Việt Nam. Trong buổi ra mắt, ca sĩ ảo Ann trình diễn ca khúc đầu tay mang tên Làm sao nói thương anh.

Giọng hát của Ann được nhận xét là khá giống với Thùy Chi vì chất giọng mỏng, nhẹ và có một chút bay bổng. Tuy nhiên, cao độ của giọng hát cộng thêm cách thể hiện lại dễ gây liên tưởng đến các nữ ca sĩ Bảo Thy, Khổng Tú Quỳnh.

Ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam: Có đủ sức 'uy hiếp' ca sĩ thật? - 1

Ann - Ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam.

Về ngoại hình, Ann được tạo hình 1 cô gái tuổi 18 trẻ trung, hiện đại với mái tóc bob ngang vai và gương mặt mang nhiều nét Hàn Quốc, thanh thoát và đáng yêu.

Đại diện nhà phát hành ca sĩ AI tiết lộ, đơn vị này kỳ vọng sắp tới Ann có thể được hoàn thiện hơn nữa và “lấn sân” sang nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như đóng phim, trình diễn thời trang, tham gia show giải trí…

Thông tin này đem đến nhiều hứng thú cho khán giả, nhưng mọi người dễ dàng nhận ra những nhược điểm của ca sĩ ảo này. Xét về giọng hát, Ann chỉ được đánh giá là có trình độ “ca sĩ mạng” chứ chưa thể xem là ca sĩ chuyên nghiệp vì cách xử lý bài hát khá đơn giản, không tinh tế và cảm xúc.

Ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam: Có đủ sức 'uy hiếp' ca sĩ thật? - 2

Ca sĩ AI nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.

Biểu cảm của Ann khi xuất hiện trong MV cũng đơn điệu với gương mặt lạnh lùng, không cảm xúc ở mọi cảnh quay.

Điểm cộng lớn nhất của ca sĩ ảo chính là việc người ta có thể lập trình cho giọng hát hay ngoại hình của ca sĩ. Thêm vào đó, sẽ không cần lo lắng về chuyện xảy ra những lùm xùm không hay về đời tư của ca sĩ.

Trên thực tế, thế giới từng xuất hiện ca sĩ ảo và cũng gây ra không ít ý kiến trái chiều. Cụ thể, ở Nhật Bản và Trung Quốc đều từng có những ca sĩ ảo từng trình diễn, thậm chí hoạt động nghệ thuật theo hướng chuyên nghiệp trong làng giải trí.

Ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam: Có đủ sức 'uy hiếp' ca sĩ thật? - 3

Luo Tianyi - ca sĩ ảo nổi tiếng tại Trung Quốc.

Còn ở Trung Quốc hồi tháng 6/2022 vừa qua ca sĩ ảo Luo Tianyi được ra mắt công chúng, tạo nên xu hướng thần tượng mới của giới trẻ. Tianyi được tạo hình là cô gái 15 tuổi với bím tóc xám, đôi mắt xanh lá cây và hiện có tới hơn 5 triệu người theo dõi trên Weibo.

Nữ ca sĩ ảo này cũng có buổi trình diễn cùng nghệ sĩ piano nổi tiếng Lang Lang trong chương trình chào Tết Nguyên đán cùng diễn viên Lưu Đức Hoa và ca sĩ Andrea Bocelli.

Đến nay những nghệ sĩ ảo nói trên vẫn đang tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực giải trí và được đơn vị phát hành đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, những ca sĩ ảo, nghệ sĩ AI này liệu có thực sự thay thế được những ca sĩ, nghệ sĩ thật hay không?

Ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam: Có đủ sức 'uy hiếp' ca sĩ thật? - 4

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

Chia sẻ với phóng viên VTC News, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tỏ ra rất thích thú với ca sĩ AI tên Ann của Việt Nam: “Tôi cảm thấy rất thú vị với ca sĩ AI. Tôi biết rằng ở Nhật Bản đã có ca sĩ AI từ khá lâu rồi và bản thân tôi cũng muốn phát triển công nghệ này ở Việt Nam.

Vì với các ca sĩ, nghệ sĩ ảo chúng ta sẽ dễ dàng loại bỏ được các phiền phức liên quan đến ồn ào cá nhân. Ngoài ra nếu phát triển ca sĩ AI, đơn vị quản lý ca sĩ ảo có thể chủ động trong việc để ca sĩ hát và biểu diễn hoàn toàn theo ý mình.

Khi thấy ở Việt Nam có ca sĩ AI, tôi rất quan tâm. Tôi đã xem MV của Ann và thấy bạn ấy hát hay, MV cũng rất đẹp”.

Ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam: Có đủ sức 'uy hiếp' ca sĩ thật? - 5

“Ca sĩ AI sẽ không thể nào “uy hiếp” đến ca sĩ thật".

Nhận định rằng ca sĩ AI là 1 hướng phát triển tất yếu của làng giải trí hiện đại nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng nghệ sĩ ảo sẽ không thể thay thế nghệ sĩ thật:

“Ca sĩ AI sẽ không thể nào “uy hiếp” đến ca sĩ thật được vì có rất nhiều hạn chế. Ví dụ như khi bài hát hot lên, ca sĩ AI không thể đi diễn, không thể giao lưu với khán giả. Nói chung, ca sĩ AI sẽ không đem lại cảm xúc, cảm giác “thật” cho khán giả nên không thể thay thế ca sĩ thật.

Hơn nữa giọng hát của ca sĩ AI là sản phẩm của công nghệ thì nghe có thể hay nhưng đương nhiên không có cảm xúc. Ca sĩ thật đôi khi hát có thể không tròn trịa, có thể mắc lỗi nhưng sẽ đem lại cảm xúc thật cho khán giả.Tôi cho rằng ca sĩ AI hay nghệ sĩ ảo sẽ là 1 hướng phát triển thú vị cho nền giải trí chứ hoàn toàn không thể thay thế nghệ sĩ, ca sĩ thật”.

Trên thực tế, âm nhạc hay bất cứ ngành nghệ thuật nào khác cũng đều cần đến yếu tố đặc biệt là cảm xúc. Và cảm xúc mà người nghệ sĩ có thể truyền đạt không chỉ là thông qua giọng hát, thông qua nội dung bộ phim hay vở kịch mà còn thông qua cách cư xử, cách họ giao lưu với khán giả.

Thiếu đi yếu tố cảm xúc, cho dù ngoại hình và giọng hát, tài năng biểu diễn của người nghệ sĩ có hoàn hảo đến cỡ nào, họ cũng chỉ là những cỗ máy biết biểu diễn mà thôi.

Thảo Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn