Cà phê hòa tan, 'đứa con' nhiều tai tiếng của Trung Nguyên

Kinh tếThứ Hai, 18/07/2016 16:47:00 +07:00

Bị tước quyền điều hành cà phê hòa tan Trung Nguyên nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ có thể không quá nuối tiếc, vì nhìn lại đây được xem là "đứa con tai tiếng" hơn là át chủ bài.

Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ từng "khoe", cà phê hòa tan được xem là một món đặc sản không thể thiếu trong danh mục quà tặng của những người ngoại kiều và bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam du lịch. Tuy vậy, việc tân dụng ưu thế hóa của Trung Nguyên trong suốt thời gian xuất hiện G7 dường như không đáng kể, mức thị phần cũng dậm chân tại chỗ khá lâu.

"Đứa con" nhiều tai tiếng

Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên luôn được xem như đứa con cưng của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong toàn bộ hệ thống của tập đoàn. Có thể quá kỳ vọng vào đứa con này, Trung Nguyên đã đưa nó vào những rắc rối không đáng có.

Chưa kể đến cuộc chiến pháp lý hiện tại, mà trước đây những con số ảo về thị phần cũng được Trung Nguyên công bố làm phức tạp thêm thị trường.

Ca phe hoa tan, 'dua con' nhieu tai tieng cua Trung Nguyen hinh anh 1

Cà phê hòa tan được xem là mảng nhiều tai tiếng hơn là át chủ bài trong cơ cấu doanh thu của Trung Nguyên.

Năm 2012, Trung Nguyên tự ý đưa ra những con số nghiên cứu về lượng tiêu thụ và thị phần của mảng cà phê hòa tan trên thị trường. Doanh nghiệp họp báo và tuyên bố: “G7 dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan với 40% thị phần”, dẫn khảo sát của Nielsen. Cũng từ đây dẫn đến những tranh cãi nảy lửa xoay quanh chiếc ghế số một thị trường về thị phần, khi phản hồi từ Nielsen cho biết, họ không hề công bố bất cứ văn bản nào xác nhận điều này.

Trong khi đó, con số thống kê mới nhất từ Euromonitor thì thị phần thực tế của G7 là 4,7%, kém xa so với thị phần của Nestle và Vinacafe Biên Hòa, lần lượt là 38% và 37%.

Đó là con số tham khảo để nhìn nhận được quy mô của G7 ở ngoài thị trường. Trong khi, đó đối với gia đình Trung Nguyên, mảng cà phê hòa tan này có thực sự là một con gà đẻ trứng vàng hay không? 

Từ số liệu của Euronomitor, có thể dễ dàng tính được thương hiệu Trung Nguyên - G7 lần lượt mang về khoảng 356 và 79 tỷ đồng cho tập đoàn Trung Nguyên năm 2011. Theo tính toán, nếu Tập đoàn Trung Nguyên đạt mức tăng trưởng kép của toàn thị trường, doanh thu năm 2015 ước tính của Trung Nguyên và G7 lần lượt đạt 701 và 156 tỷ đồng.

Như vậy, G7 cũng chiếm khoảng 18% tổng doanh thu, với giá trị khoảng 185 tỷ đồng năm 2016.

Sau nhiều năm gầy dựng, cà phê hòa tan Trung Nguyên lại được biết đến nhiều bằng những lùm xùm về thị phần và cuộc chiến pháp lý. Câu chuyện cà phê hòa tan của Trung Nguyên đang khiến ngành hàng này được nhiều người nhìn nhận như “là đứa con tai tiếng” trong cả tập đoàn. Dễ dàng nhận thấy, G7 là công cụ để tạo nên cuộc chiến pháp lý giữa vợ chồng lãnh đạo.

Vợ nhận "nuôi" có khi lại tốt

Cuộc chiến cũng khép lại khi quyền lực giờ đây chính thức nằm trong tay bà Lê Hoàng Diệp Thảo, thay vì ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Bà Thảo hiện giữ quyền kiểm soát mảng hòa tan Trung Nguyên và Trung Nguyên International. Ông Vũ vẫn nắm quyền kiểm soát tại tập đoàn Trung Nguyên.

Nhiều người cho rằng, người vợ “nhận nuôi” đứa con này có khi lại là điều tốt để G7 phát triển hơn. Động lực đầu tiên chính là đối thủ cạnh tranh trực tiếp Vinacafe Biên Hòa (VCF) đang sa sút thấy rõ, có thể đây là thời điểm để G7 bứt phá.

Công ty CP Vinacafé Biên Hòa vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2016 với lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 2 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên VCF báo lỗ từ khi niêm yết trên sàn. Trong quý I/2016, doanh thu thuần VCF đạt mức 444 tỷ đồng, giảm 6% so cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên doanh thu quý I của VCF giảm so với năm trước, và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014.

Nguyên nhân sụt giảm doanh thu, nhiều chuyên gia cho rằng, chiến lược của họ đưa ra không khớp với những điều chỉnh chính sách vĩ mô. Ngoài ra, động thái chuyển dần sang sản xuất kinh doanh nước giải khát, khi hợp tác cùng Vĩnh Hảo, đã khiến cho VFC phân tán nguồn lực duy trì mức ổn định trong ngành cốt lõi. Những sai lầm chiến lược, cộng với nhiều lý do khách quan như chi phí bán hàng, quảng cáo đội lên quá cao khiến doanh nghiệp này đi dần vào khủng hoảng.

Trong khi đó, sau khi thoát khỏi cuộc chiến pháp lý, việc phân định rõ ràng người điều hành có thể sẽ là động lực tốt cho G7 tăng trưởng tốt hơn.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người sáng lập và hiện đang giữ vai trò Tổng giám Đốc của Công ty TNI có trụ sở chính tại Singapore. Đây có thể là đơn vị tối ưu hóa  2 nhà máy cà phê hòa tan Bình Dương và nhà máy Bắc Giang của Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên hiện tại.

Từ Singapore, Công ty TNI xuất khẩu cà phê đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiêu biểu như Mỹ, Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Thái Lan và nhiều nước phát triển khác.

Sản lượng cà phê xuất khẩu và doanh thu của công ty TNI liên tục tăng gấp nhiều lần qua các năm. Đặc biệt trong năm 2015, sản phẩm cà phê G7 của công ty đã thắng lớn tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan. Đây có thể là cơ sở để bà Thảo nuôi dưỡng “đứa con tai tiếng” G7.

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn