Cả nước có 58.000 ca mắc sốt xuất huyết, miền Bắc tăng gần 800%

Sức khỏeThứ Sáu, 21/07/2017 14:00:00 +07:00

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tính đến giữa tháng 7/2017, cả nước đã có gần 58.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, trong đó 15 ca tử vong được xác định do sốt xuất huyết gây ra.

Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết cho khu vực phía Nam ngày 20/7, đại diện Cục Y tế Dự phòng cho biết, sốt xuất huyết đang hoành hành trên cả nước với những điểm nóng tập trung tại các thành phố lớn như: TPHCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội...

Tính đến giữa tháng 7/2017, cả nước đã có gần 58.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, trong đó 15 ca tử vong được xác định do sốt xuất huyết gây ra.

sot-xuat-huyet-bung-phat-ca-nuoc

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra bệnh nhân sốt xuất huyết tại TP.HCM

10 tỉnh trong cả nước ghi nhận có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, An Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Tiền Giang.

Riêng tại phía Nam, ba địa phương là Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 50% tổng số ca mắc sốt xuất huyết của khu vực. 

Đáng lưu ý số người bệnh ở các tỉnh miền Bắc năm nay tăng 763% so với cùng kỳ năm ngoái. So với các địa phương khác, 6 tháng đầu năm, số bệnh nhân sốt xuất huyết ở miền Bắc chưa phải cao nhất, song tốc độ gia tăng nhanh kỷ lục và được các chuyên gia y tế đánh giá là bất thường. 

Video: Không xem kỹ khuyến cáo này, người dân sẽ mang sốt xuất huyết về nhà

Lý giải về dịch sốt xuất huyết tăng mạnh trong thời gian vừa qua, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, năm nay, nền nhiệt độ của khu vực miền Bắc có sự thay đổi, chênh lệch từ 1-2 độ so với những năm trước.

Trong khi đó, miền Nam mùa mưa đến sớm và kéo dài. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan dẫn tới sự gia tăng theo chiều hướng nguy hiểm chính là sự thờ ơ của con người.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị ngành Y tế các tỉnh cần rà soát lại các Ban Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức cách phòng chống dịch cho tuyến y tế cơ sở, tuyên truyền thay đổi hành vi cho người dân; kêu gọi các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia phòng chống dịch.

Đặc biệt cần tăng cường kiểm tra xử phạt các tổ chức, đơn vị, cá nhân để phát sinh ổ dịch, ảnh hưởng đến cộng đồng. Bên cạnh đó cần tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát, vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, tập huấn cho cán bộ phòng, chống dịch, chăm sóc và điều trị.

An Nhiên (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn